Mặc dù có mức sống ngày càng được nâng cao với số người giàu ngày càng tăng nhanh nhưng nhiều nước ở châu Á đang phải đối mặt với vấn nạn thiếu nhà vệ sinh và hệ thống vệ sinh sạch sẽ. Điều kiện vệ sinh kém không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân mà còn tác động tiêu cực tới quá trình giảm nghèo trong khu vực.
pHình ảnh nhếch nhác tại một nhà vệ sinh ven đường ở Niu Đêli (Ấn Độ). |
Theo các nhà hoạt động xã hội, nhà vệ sinh bẩn ở các khu dân cư nghèo đang gây nên đủ loại bệnh truyền nhiễm cho người dân. Trong khi đó có một nghịch lý rằng, người ta sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua một chiếc điện thoại di động đời mới nhưng lại “không nỡ” chi tiền để sửa sang, nâng cấp cho nhà vệ sinh - nơi mà hàng ngày họ phải ra vào mấy lượt.
Tại các khu nhà ổ chuột nghèo khó và đông đúc chỉ có những nhà vệ sinh ở dạng thô sơ hay thậm chí còn không hề có nhà vệ sinh. Ông Babar Kibir thuộc tổ chức phi chính phủ BRAC ở Bănglađét cho biết: “Thiếu nhà vệ sinh và hệ thống vệ sinh sạch sẽ đang là một vấn nạn ở châu Á”. Theo ông Kibir, hệ thống vệ sinh có ảnh hưởng lớn đến quá trình giảm nghèo đói. Người dân sống trong điều kiện vệ sinh kém rất dễ mắc các bệnh như tiêu chảy, suy dinh dưỡng, thương hàn, lỵ, viêm gan... Sức khỏe kém vì bệnh tật không những buộc họ “hao tiền tốn của” cho việc chữa trị trong khi thu nhập eo hẹp, mà còn khiến họ khó có cơ hội tìm kiếm việc làm. Ông Kibir nhận định với phóng viên hãng AFP: “Người nghèo, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, có thể thoát khỏi bệnh tật, suy dinh dưỡng và tử vong bằng cách sử dụng nguồn nước sinh hoạt và hệ thống vệ sinh đảm bảo chất lượng, cộng với thói quen vệ sinh sạch sẽ”.
Cũng theo ông Kibir, chương trình nước sạch, vệ sinh và hệ thống vệ sinh của BRAC đã cho các gia đình nghèo vay tiền với lãi suất thấp để xây nhà vệ sinh. Chương trình này còn hỗ trợ người nghèo thiết kế và xây dựng nhà vệ sinh thân thiện với môi trường, giúp nâng cao ý thức trong cộng đồng về điều kiện vệ sinh sạch sẽ.
Theo một nghiên cứu của Chương trình nước và vệ sinh thuộc Ngân hàng Thế giới, Philíppin mất 1,8 tỷ USD hàng năm do điều kiện vệ sinh quá tồi tệ, trong đó phần lớn số tiền thiệt hại liên quan đến chi phí y tế. Trong số tiền thiệt hại trên, ngành du lịch mất 40 triệu USD do khách du lịch thường tránh những nước có điều kiện vệ sinh chung kém như Philíppin. Gần đây, sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở Philíppin còn bị liệt vào danh sách sân bay tồi tệ nhất châu Á và tồi tệ thứ 5 thế giới, một phần do nhà vệ sinh ở sân bay này quá bẩn thỉu. |
Trong khi đó, chuyên gia Sim của Xinhgapo ước tính khoảng 2,5 tỷ người trên toàn thế giới đang phải đối mặt với vấn nạn nhà vệ sinh không đảm bảo chất lượng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp, chính phủ, ngân hàng, thể chế tài chính và những tổ chức phi chính phủ phải hợp lực tạo ra một mô hình kinh doanh có thể cung cấp các hệ thống nhà vệ sinh bền vững với chi phí hợp lý cho người nghèo. Theo ông Sim, thị trường thiết bị vệ sinh toàn cầu trị giá khoảng 1.000 tỷ USD/năm và kinh doanh trong lĩnh vực vệ sinh là một cơ hội tuyệt vời cho nhiều doanh nghiệp.
“Nhà vệ sinh tiết lộ rất nhiều về văn hóa của con người. Người ta có thể đeo túi hiệu Louis Vuitton nhưng nếu nhà vệ sinh của họ bẩn thỉu, họ vẫn là con người không lịch lãm”, ông Sim kết luận.
Thùy Dương