Tuyệt chiêu giữ chân công nhân sau Tết

Đến hẹn lại lên, mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhiều chủ doanh nghiệp ở Trung Quốc lại méo mặt kêu than trước cảnh thiếu hụt nhân công.


Năm nay, nông sản tăng giá và đi lại khó khăn, tốn kém, dường như ngày càng có nhiều công nhân đến từ nông thôn quyết tâm ở lại quê hương làm nông nghiệp hơn. Tình trạng thiếu hụt nhân công sau Tết năm 2011 ở Trung Quốc, vì thế có phần nghiêm trọng hơn.

Lì xì đầu năm cũng là một “chiêu thức” giữ chân lao động sau Tết.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào ở Trung Quốc cũng phải đối mặt với khó khăn này. Nếu có dịp tạt qua thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang những ngày đầu năm, người ta sẽ thấy các khu công nghiệp ở đây đã bừng lên không khí sản xuất.


Xem ra các ông chủ, bà chủ doanh nghiệp nơi này không phải chau mày nhíu mắt rầu rĩ nhìn những dây chuyền sản xuất hoạt động cầm chừng, thậm chí là ngừng hẳn vì không có người đứng máy.

Ngày 9/2 (mùng 7 tháng giêng), Xí nghiệp Giày Cát Nhĩ Đạt khai xuân, 86,5% công nhân đã có mặt ở vị trí của mình trong phân xưởng. Tỉ lệ này đối với các nhà máy, xí nghiệp khác ở Ôn Châu như Tập đoàn Thụy Lập, Tập đoàn Pháp Phái, Tập đoàn Ý Bôn Mã… đều là trên 80%.


Những ngày tiếp theo, số công nhân trở lại làm việc tiếp tục tăng. “Giờ thì chúng tôi không còn cảm thấy bị đè nặng bởi áp lực thiếu hụt công nhân sau Tết nữa”, Tổng Giám đốc Trung tâm Chế tạo Giày Thiên Thạch thuộc Công ty THHH Cổ phần Giày Áo Khang Phàn Man Như tâm sự. Tại sao vậy? Câu trả lời nằm trong những tuyệt chiêu mà các doanh nghiệp ở Ôn Châu áp dụng nhằm giữ chân người lao động.

Ở Xí nghiệp Giày Cát Nhĩ Đạt, tất cả các công nhân trở lại làm việc đúng hạn sẽ được nhận ngay một phong bao lì xì từ 400 đến 700 nhân dân tệ (NDT), tùy theo vị trí đảm nhiệm. Những người làm ở các bộ phận đặc biệt còn được lì xì thêm 200 NDT. Mức lì xì sẽ giảm dần từ ngày đầu tiên đi làm là 100%, sang ngày thứ 2 còn 80% và tới ngày thứ 3 chỉ còn 50%. Còn ở Công ty Áo Khang, ngoài 200 NDT tiền lì xì trong ngày đầu năm mới đi làm, tới ngày thứ 3, công nhân còn nhận được lương tháng đầu tiên gấp 3 lần bình thường.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ở Ôn Châu còn thực hiện chính sách khuyến khích công nhân trở lại nhà máy, xí nghiệp và mang theo lao động mới. Trước khi công nhân về nghỉ Tết, Tập đoàn Trang Cát đã phát cho họ những tờ giấy mời tuyển dụng lao động và công khai thưởng cho những công nhân nào trở lại làm việc mang theo lao động mới với mức mỗi một lao động mới là 500 NDT. Kết quả ngoài mong đợi đã khiến vị Chủ tịch giãn mày nở mặt trong ngày khai xuân. Cũng với chính sách trên, nhưng với mức thưởng cao hơn (1.000 NDT cho một lao động mới), Công ty TNHH Thời trang Trí Thăng đã thoát khỏi nỗi lo thiếu hụt nhân công sau Tết.

Mội “chiêu thức” khác cũng mang lại hiệu quả cao, đó là việc một số doanh nghiệp ở Ôn Châu thực hiện chế độ tuyển cả vợ lẫn chồng vào cùng làm việc tại nhà máy, xí nghiệp của mình. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cúc trang sức Mỹ Lệ Đạt, ông Hoàng Mỹ Dũng cho biết, khai xuân, 80% trong số hơn 500 công nhân của công ty đã trở lại làm việc và nhờ “chiêu thức” tuyển dụng cả vợ lẫn chồng, công ty đã thu hút được rất nhiều lao động mới. Trong số hơn 250 công nhân mới tuyển dụng của công ty, có 96 người là vợ chồng.


Theo ông Hoàng Mỹ Dũng, vợ chồng làm cùng một chỗ có điều kiện quan tâm tới nhau hơn, đời sống cũng ổn định và hài hòa hơn. Vì thế, “chiêu thức” mới của Mỹ Lệ Đạt đang được rất nhiều doanh nghiệp khác học tập, nhất là sau khi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin về việc này.

Người nông dân rời luống cày, lên thành phố làm công nhân, là mong muốn cải thiện cuộc sống. Thu nhập, đương nhiên, trở thành nhân tố tiên quyết lưu giữ họ ở lại thành phố. Tăng lương, tăng thưởng đang là cách mà nhiều doanh nghiệp Trung Quốc áp dụng để giữ chân người lao động.


Nhưng đó không phải là tất cả. Bí quyết của nhiều doanh nghiệp ở thành phố Ninh Ba (cũng thuộc tỉnh Chiết Giang) là bên cạnh việc cải thiện thu nhập, đãi ngộ cho công nhân, chú trọng hơn tới việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, sử dụng sự nghiệp và tình cảm để giữ chân người lao động.

Sau giờ làm việc, công nhân của Công ty TNHH Điện tử Đài Tinh lại vui vẻ cùng nhau tham gia các hoạt động tập thể như thể dục thể thao, hát karaoke… hay vào phòng internet công cộng công ty lập để chít chát với bạn bè, người thân.


Còn ở Công ty TNHH sản xuất tấm đệm Thần Thông, mỗi tháng một lần, công nhân cùng lãnh đạo công ty lại hội tụ chúc mừng cho những người có ngày sinh nhật trong tháng đó. Ai cũng vui vẻ và cảm thấy công ty như một mái ấm gia đình, không muốn rời bỏ.

Ngoài ra, với những doanh nghiệp ở Ôn Châu có điều kiện, họ còn tiến hành cải tiến khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu suất lao động. Tổng Giám đốc Phàn Man Như của Công ty Áo Khang cho biết, hiện nay việc nâng cao hiệu suất nhờ vào công nhân tay nghề cao không còn hiện thực nữa.


Lối thoát duy nhất là phải cải tiến trang thiết bị. Nhờ thay đổi đó, Công ty Áo Khang đã nâng cao hiệu suất lao động được trên 10%. “Điều đó có nghĩa người công nhân có thêm 10% thời gian tự do”, Tổng Giám đốc Phàn Man Như nhấn mạnh.

Hà Ngọc
(P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN