Bạo lực học đường không chỉ là câu chuyện của riêng những quốc gia đang phát triển mà cũng là thực trạng nhức nhối ở một xã hội phát triển như Nhật Bản. Vụ tự sát mới đây ở Nhật Bản của một em học sinh 13 tuổi ở tỉnh Shiga là “giọt nước tràn ly”, khiến dư luận nước này bức xúc về tình trạng bạo lực giữa các học sinh trong bối cảnh nhà trường và ngành giáo dục chưa tìm ra biện pháp xử lý triệt để.
Cảnh sát tỉnh Shiga lục soát trụ sở hội đồng giáo dục thành phố Otsu tối 11/7. |
Chính quyền thành phố Otsu, tỉnh Shiga, mới đây đã tỏ rõ quyết tâm giải quyết vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại của bố mẹ cậu học sinh 13 tuổi tự sát hồi tháng 10/2011 mà theo phụ huynh của em này, nguyên nhân tự sát là do cậu bé quá uất ức khi bị các học sinh cùng trường bắt nạt.
Bố mẹ của em học sinh xấu số đã gửi đơn kiện những kẻ chuyên bắt nạt con trai ông, bố mẹ của những đối tượng này và cả chính quyền thành phố đòi số tiền bồi thường thiệt hại lên tới 77,2 triệu yên (hơn 20 tỉ đồng).
Ngày 17/7, Tòa án quận Otsu đã mở phiên tranh tụng thứ hai về vụ này. Tại phiên tòa, luật sư của thành phố cho biết: “Khả năng có mối liên hệ giữa hành vi bắt nạt ở trường với vụ tự sát này là rất cao. Chính quyền thành phố muốn thể hiện thái độ sẵn sàng tìm kiếm biện pháp đối với vụ này”. Luật sư còn khẳng định thành phố có thể sẽ có biện pháp giải quyết vụ việc ngoài các phán quyết của tòa. Phiên xét xử thứ ba dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18/9 tới.
Chính quyền thành phố trước đó từng tuyên bố rằng vụ bạo lực học đường trên chắc chắn không phải là nguyên nhân gây ra tự sát. Tuy nhiên, nhà chức trách Otsu đã thay đổi quan điểm sau khi nhận thấy có yếu tố bạo lực trong cái cái chết còn nhiều ẩn khuất của em học sinh này.
Trước đó, cảnh sát Shiga đã thành lập đội điều tra đặc biệt gồm 20 thành viên để thẩm vấn các bạn cùng lớp của nạn nhân nhằm tìm hiểu các chi tiết liên quan đến vụ bắt nạt tại trường. Các cuộc điều tra do Hội đồng giáo dục thành phố tiến hành cũng cho thấy cậu bé này là nạn nhân của các vụ đánh đập và bạo lực thể xác nghiêm trọng. Em còn bị các học sinh ép tiết lộ mã số PIN tài khoản ngân hàng để chúng mặc nhiên rút tiền tiêu xài.
Cơ quan cảnh sát cho rằng các hành vi bạo lực và tống tiền kiểu này có thể cấu thành tội phạm và có yếu tố hình sự. Tuy nhiên, trước đó không lâu, sau cái chết tức tưởi của con mình, bố của cậu bé đã nhiều lần gửi đơn tố cáo lên Cơ quan cảnh sát Otsu nhưng bị từ chối điều tra vì cho rằng rất khó để xác định đây là vụ án hình sự.
Hội đồng giáo dục thành phố và trường trung học nơi xảy ra bạo hành đã bị chỉ trích gay gắt vì đã không ngăn chặn hoặc điều tra một cách thích đáng về nguyên nhân cái chết của cậu học sinh này sau khi cậu bé thường xuyên bị bạo hành, thậm chí còn có thông tin cho rằng cậu bị ép phải tự tử.
Một cuộc điều tra đã được tiến hành ngay sau khi cậu học sinh này nhảy từ nóc tòa nhà 14 tầng xuống đất hồi tháng 10/2011 cho thấy nhiều người đã biết việc cậu bị bắt nạt nhưng kết quả điều tra đã không được công bố vào thời điểm đó. Theo kết quả điều tra, 67 trong số 330 học sinh trong trường trả lời họ từng nhìn thấy cậu bé bị hành hạ và 16 người khác còn cho biết cậu bị ép buộc phải tự tử. Một số học sinh còn khẳng định các giáo viên biết chuyện này nhưng làm ngơ. Số khác thì cho biết nạn nhân còn gọi hoặc gửi thư điện tử cho những kẻ bắt nạt cậu để thông báo cậu sẽ tự tử ngay trước khi làm việc đó.
Theo mô tả, những kẻ bạo hành đã đánh cậu bé trong nhà tắm, bắt cậu ăn những con ong chết, vẽ bậy lên mặt, ép phải đi ăn trộm đồ tại các cửa hiệu, trấn lột tiền, tụt quần và kẹp cổ. Ban đầu, Hội đồng giáo dục không công khai nội dung lời kể của các học sinh rằng cậu bé bị buộc phải tự sát vì cho rằng những người tham gia trả lời này đều giấu tên và rất khó khẳng định các cáo buộc.
Tuy nhiên, dư luận ở Nhật Bản đã tỏ ra hết sức phẫn nộ về những chi tiết của vụ bạo lực học đường này cũng như thái độ bất hợp tác của nhà trường và nhà chức trách thành phố. Thậm chí, chính quyền thành phố còn nhận được những lời đe dọa đánh bom từ những đối tượng quá khích.
Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)