Người bạn đã khuất nằm trong chiếc chăn cotton, xung quanh là hoa hồng trắng và hoa cẩm tú cầu, tượng thiên thần, nến và hương thắp sáng. Một màn hình gắn trên tường hiển thị ảnh người mất. Bà Kim Seon-ae, 71 tuổi, khóc nức nở khi tạm biệt, bà vuốt ve đầu và mặt người bạn mình. Bên cạnh, những người phục vụ tang lễ trẻ tuổi mặc đồng phục chuẩn bị cho lễ hỏa táng.
Nghi lễ phức tạp và đầy cảm xúc này dành cho một chú chó xù trắng tên là Dalkong, đang nằm trong một chiếc giỏ mây với đôi mắt vẫn mở.
Bà Kim, người đã sống với Dalkong trong 13 năm cho đến khi chú qua đời vì bệnh tim, cho biết. "Chúng tôi là gia đình. Thằng bé giống như một virus truyền hạnh phúc cho tôi”.
Cách đây không quá lâu, Hàn Quốc thường xuyên trở thành tiêu đề trên toàn cầu, và khiến các nhóm bảo vệ quyền động vật tức giận, vì truyền thống nuôi chó để lấy thịt.
Nhưng trong những năm gần đây, người dân ở đây đã quan tâm nhiều đến thú cưng, đặc biệt là chó. Họ đang ngày càng thân thiết với người bạn đồng hành “gâu gâu” trong bối cảnh ngày càng nhiều người Hàn Quốc chọn sống độc thân, không con hoặc cả hai. Hơn 2/5 tổng số hộ gia đình trên cả nước hiện chỉ có một người.
Đại dịch COVID-19 cũng đã tác động nhiều đến việc đón vật nuôi về nhà, khi rất nhiều người Hàn Quốc nhận nuôi chó mèo từ các trại cứu hộ và đường phố.
Hiện tại, cứ bốn gia đình ở Hàn Quốc thì có một gia đình nuôi thú cưng, tăng từ 17,4% vào năm 2010, theo ước tính của chính phủ. Hầu hết thú cưng là chó. Tỉ lệ này ở Hàn Quốc vẫn còn thấp so với Mỹ, nơi có khoảng 62% hộ gia đình nuôi thú cưng, theo một cuộc khảo sát năm ngoái của Trung tâm nghiên cứu Pew.
“Trong thời đại ngờ vực và cô đơn này, loài chó cho bạn thấy tình yêu vô điều kiện là gì”, Kim Su-hyeon, 41 tuổi, con gái của bà Kim, người đã nuôi hai chú chó nhưng không có kế hoạch sinh con, cho biết. “Một đứa trẻ có thể cãi lại và nổi loạn, nhưng chó thì luôn theo bạn như thể bạn là trung tâm của vũ trụ”.
Kim Kyeong-sook, 63 tuổi, người có chú chó dachshund 18 tuổi tên Kangyi, được hỏa táng cùng ngày với Dalkong, đồng ý về điều đó. “Khi tôi rời khỏi nhà, nó tiễn tôi ra cửa. Khi tôi trở về, nó luôn ở đó, rối rít như thể tôi vừa trở về nhà sau khi đi chinh chiến ở nước ngoài”.
Sự bùng nổ của các dịch vụ chăm sóc thú cưng cũng đã thay đổi cảnh quan đô thị của đất nước. Các bệnh viện và cửa hàng phục vụ thú cưng trở nên phổ biến, trong khi các phòng khám sinh nở biến mất dần, vì tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã trở thành thấp nhất thế giới. Trong các công viên và khu phố, xe đẩy trẻ em thường dùng để chở chó. Các trung tâm mua sắm trực tuyến cho biết họ bán nhiều xe đẩy cho chó hơn là cho trẻ sơ sinh.
Về mặt chính trị, chủ đề chó đã dẫn đến một trường hợp hiếm hoi về sự hợp tác lưỡng đảng ở một quốc gia ngày càng phân cực. Vào tháng 1, các nhà lập pháp đã thông qua một đạo luật cấm việc nhân giống và giết mổ chó để làm thực phẩm cho con người, điều đã tồn tại hàng thế kỷ ở Hàn Quốc.
Bây giờ, chó là thành viên gia đình được dành sự ưu ái đặc biệt trong chi tiêu. Sim Na-jeong cho biết cô mặc một chiếc áo khoác cũ giá 38 đô la nhưng đã mua những chiếc áo khoác trị giá 150 đô la cho Liam, một chú chó jindo mà cô nhận nuôi từ trại cứu hộ 4 năm trước.
"Với tôi, Liam giống như một đứa trẻ vậy", cô Sim, 34 tuổi nói, "Tôi yêu nó như mẹ tôi yêu tôi. Tôi ăn đồ ăn cũ trong tủ lạnh, giữ lại phần ức gà tươi nhất cho Liam". Sim không có kế hoạch kết hôn hoặc sinh con.
Mẹ của cô, bà Park Young-seon, 66 tuổi, cho biết bà cảm thấy buồn khi nhiều phụ nữ trẻ đã chọn không sinh con. Nhưng bà Park cho biết bà đã chấp nhận Liam là "cháu trai”.
Vào một ngày cuối tuần gần đây, người mẹ và con gái đã cùng sáu gia đình khác đưa những chú chó cưng đi dã ngoại đến Mireuksa, một ngôi chùa ở miền trung Hàn Quốc. Hiện nay, một số ngôi chùa khuyến khích các gia đình mang theo chó. Tất cả những người tham gia, cả người và chó, đều mặc áo choàng Phật giáo màu xám và đeo tràng hạt.
"Tôi cảm thấy gắn bó với những chú chó của mình hơn cả chồng”, Kang Hyeon-ji, 31 tuổi, người đã kết hôn vào tháng 10 năm ngoái và có mặt ở đó cùng chồng và hai chú chó Pomeranian trắng như tuyết, cho biết. Chồng cô, Kim Sang-baek, 32 tuổi, nhún vai với một nụ cười ngượng ngùng.
Còn Seok Jeong-gak, sư trụ trì chùa, thì vỗ về chú chó của mình, Hwaeom, khi bà thuyết giảng rằng con người và chó chỉ là những linh hồn mang những thân xác khác nhau trong “kiếp này”, và có thể thay đổi thân xác ở “kiếp sau”.
Những đám tang thú cưng cầu kỳ như của Dalkong không bắt đầu cho đến khoảng năm 2017, khi Pet Forest, một công ty dịch vụ tang lễ thú cưng, mở dịch vụ này như một cách giúp mọi người giải tỏa hội chứng mất thú cưng của họ.
"Kể từ đó, tang lễ thú cưng đã trở nên giống như tang lễ của con người", Lee Sangheung, Chủ tịch Pet Forest cho biết.
Hiện nay, có 74 trung tâm tang lễ thú cưng được cấp phép trên khắp Hàn Quốc. Các gia đình chọn quan tài và vải liệm cho thú cưng của họ.
Sau khi hỏa táng, họ nhận tro cốt trong một chiếc bình nhỏ hoặc biến chúng thành những viên đá quý và mang về nhà. Hoặc họ có thể gửi tro cốt trong một nhà tưởng niệm, nơi họ lưu giữ ký ức về thú cưng của mình bằng những bức ảnh, món đồ và hoa.