Thị trường xe hơi khổng lồ của Trung Quốc có thể còn rất “trẻ”, nhưng các lãnh đạo của ngành công nghiệp ô tô trong cuộc hội tụ tuần này ở Bắc Kinh sẽ nhận thấy, đây vẫn là một thị trường phát triển nhanh và cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ.
Thị trường ô tô khổng lồ của Trung Quốc, dù đã qua thời kỳ đỉnh cao, vẫn đang là “miếng bánh” hấp dẫn. Ảnh: Internet |
Triển lãm ô tô Bắc Kinh khai mạc ngày 23/4 trong bối cảnh thị trường xe hơi Trung Quốc đã bắt đầu “mềm” hơn sau một thập kỷ tăng trưởng “nguy hiểm”. Nhiều nhà phân tích và quản lý công nghiệp cho rằng, thời doanh số bán xe có thể vọt lên tới 46%/năm như hồi năm 2009 đã qua. Hầu hết đều nhận định tăng trưởng sẽ rơi xuống mức trung bình 7-8% trong thập kỷ này.
Không may cho các nhà sản xuất xe hơi, tốc độ tăng trưởng chậm lại đã đến ngay khi những gương mặt mới xuất hiện trên thị trường, trong khi các đối thủ cạnh tranh sẵn có lại đang bổ sung thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng. “Chưa bao giờ thị trường ô tô Trung Quốc lại có nhiều thương hiệu và sản phẩm như vậy, điều đó khiến thị trường tăng tính cạnh tranh và khắc nghiệt hơn với tất cả mọi người”, ông Li Shufu, Chủ tịch Tập đoàn Chiết Giang Geely và Volvo (Thụy Điển) mà Geely đã mua lại từ năm 2010, phát biểu.
Nhưng chắc chắn sức tăng trưởng của thị trường ô tô Trung Quốc vẫn còn nhiều tiềm năng. Ngay cả những dự báo bi quan nhất cũng cho rằng mức tiêu thụ của thị trường ô tô Trung Quốc sẽ tăng lên 30 triệu chiếc mỗi năm tới năm 2020, so với con số 18 triệu chiếc trong năm 2011. Một số người lạc quan cho rằng, con số ô tô tiêu thụ vào năm 2020 có thể lên tới 40 triệu chiếc.
Tuy nhiên, những dấu hiệu về một thị trường khốc liệt hơn cũng rất rõ ràng. Các nhà sản xuất ô tô địa phương như Trùng Khánh Changan Automobile hay BYD đều nhận thấy, lợi nhuận, vốn một thời bùng nổ của họ, đã giảm sút mạnh do quyết định của chính phủ ngừng hầu hết các biện pháp kích thích sức mua ô tô mà họ đề ra hồi khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Một số nhà sản xuất ô tô toàn cầu, nổi bật là Toyota Motor hay Honda Motor cũng đang vật lộn để duy trì tăng trưởng cao tại Trung Quốc. Ở thị trường đã khá “trưởng thành” này, việc ngày càng khó bán xe hơn là đương nhiên. Nhiều hãng xe đã tung các chiêu chiết khấu và nhiều sáng kiến khác nhằm thu hút khách hàng, trong đó những thương hiệu xa xỉ như Mercedes-Benz của Daimler AG hồi đầu năm nay cũng phải chiết khấu cho dòng sedan S.
Tăng trưởng chậm lại tạo ra môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn, khi các gương mặt mới từ nước ngoài, như Seat hay Alfa Romeo đã gia nhập cuộc chơi, trong khi nhiều dự án liên doanh phải bổ sung thêm những thương hiệu chỉ dành cho thị trường Trung Quốc, tuân theo điều kiện mà chính phủ Trung Quốc đưa ra để họ được phép sản xuất tại thị trường này. Để tồn tại, các hãng xe phải hiểu rõ các đối tượng khách hàng ngày càng đa dạng tại Trung Quốc khi quá trình tư nhân hóa phương tiện giao thông đang phát triển mạnh mẽ. Các xu hướng trong làng ô tô thế giới cũng nhanh chóng ảnh hưởng tới Trung Quốc.
Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài thì phải đối mặt với môi trường pháp lý chặt chẽ của Trung Quốc. Bắc Kinh đã chuyển ô tô khỏi danh sách những ngành công nghiệp “được khuyến khích” của nước này, một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không còn cổ vũ tích cực hay khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành ô tô.
Mặc dù chi tiết của kế hoạch này chưa được công bố, chính phủ Trung Quốc đã cấm các cơ quan chính phủ mua xe ngoại, nếu như vậy sẽ loại bỏ các nhà sản xuất xe hơi toàn cầu khỏi một thị trường xe công trị giá 70 - 80 tỉ nhân dân tệ (11,1-12,7 tỉ USD) này.
Cả hai động thái trên cho thấy, tâm lý “nhiệt tình” của các nhà hoạch định chính sách đối với các hãng xe nước ngoài đã suy giảm. Tuy vậy, ông Joe Hinrichs, Chủ tịch quản lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi của Ford Motor, tin rằng, vẫn còn “sự ủng hộ rất lớn” ở cấp tỉnh và thành phố, nơi “nhiều hành động mới thực sự diễn ra”.
Nhưng không chỉ các doanh nhân nước ngoài mới lo ngại về môi trường cạnh tranh tại Trung Quốc. Viễn cảnh thị trường xe hơi Trung Quốc có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 1 con số trong năm thứ hai liên tiếp, sau thời kỳ huy hoàng kể từ cuối thập niên 1990, đã khiến tất cả phải lo ngại. Với Geely và các nhà sản xuất xe hơi còn tương đối thiếu kinh nghiệm của Trung Quốc, cạnh tranh giờ đây là vấn đề “sống hay chết”, Chủ tịch Geely, Li Shufu khẳng định.
Thu Hằng