Ông Donald Trump (giữa) tại sự kiện mừng chiến thắng ở New York, ngày 8/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chiến thắng ngoạn mục của doanh nhân 70 tuổi, chưa từng hoạt động trong bộ máy chính phủ, đã bắt đầu hiện hình rõ kể từ khi ông giành đa số phiếu tại các bang chiến địa Florida và Bắc Carolina. Thậm chí, ông còn giành phần thắng ở tại bang Wisconsin, nơi cả thập kỷ nay chưa từng có ứng cử viên Cộng hòa nào chiến thắng.
Một lần nữa, ông Trump đã “đạp đổ” mọi dự đoán như kỳ tích mà ông đã đạt được trong cuộc bầu cử sơ bộ. Theo thông tin thống kê của RealClearPolitics trước ngày tổng tuyển cử, hầu hết mọi phương tiện truyền thông lớn, chuyên gia phân tích đều dự đoán bà Hillary Clinton sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ. Tại bảng thăm dò công bố hôm 6/11 do NBC News/Wall Street Journal thực hiện, bà Clinton dẫn trước 4 điểm so với đối thủ Trump. Kết quả của kênh truyền hình CNN và Fox cũng cho thấy lợi thế đang tạm nghiêng về phía bà Clinton.
Việc ông Trump đắc cử đã trở thành cú sốc đối với nhiều người trên thế giới. Bà Clinton đã dẫn trước ba điểm trong thăm dò dư luận ngay trước thềm bầu cử, hãng Reuters còn dự đoán bà có trên 90% khả năng trúng cử. Các hãng thăm dò sẽ phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa tại sao lại đánh giá thấp ông Trump đến vậy.
Ông Donald Trump (trái) cùng các thành viên trong gia đình mừng chiến thắng ở New York, ngày 8/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Khi ông Trump tuyên bố tranh cử vào tháng 6/2015, các học giả, nhà phân tích chính trị trên thế giới đã lên tiếng này nọ Tuy nhiên, họ dần dần “sáng mắt” khi chứng kiến ứng cử viên 70 tuổi vượt lên các bê bối cá nhân, tằng tằng giành nhiều thắng lợi quan trọng, cuối cùng trở thành tổng thống đắc cử của nước Mỹ, tạo nên một cơn địa chấn chính trị.
“Đây là sự kết thúc của một cơ sở cũ đã điều hành đất nước này nhiều năm qua”, ông Carl Paladino, cựu ứng cử viên thống đốc bang New York đồng thời là người ủng hộ ông Trump, hân hoan nói.
Chính phủ các nước từ châu Á tới châu Âu đều đón nhận thông tin này với sự ngạc nhiên tột độ. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã mô tả kết quả này là “một cú sốc lớn” và đặt dấu hỏi cho sự chấm hết của “hòa bình kiểu Mỹ” (Pax Americana).
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đã cam kết hợp tác với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Tuy nhiên, ông cho biết bản thân “có những nghi vấn”, đồng thời thừa nhận cảm thấy không chắc chắn về chính quyền của Tổng thống Donald Trump đối với các chính sách đối ngoại từ biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân với Iran và cuộc chiến tại Syria...
Những người ủng hộ đảng Cộng hòa vui mừng trước chiến thắng ngoạn mục của tỷ phú Trump. Ảnh: EPA/TTXVN |
Mặt khác, bà Beatrix von Storch, phó lãnh đạo đảng có tư tưởng cực hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức“ (AfD), lại tuyên bố: “Chiến thắng của ông Trump là một dấu hiệu cho thấy các công dân của thế giới phương Tây muốn một sự thay đổi rõ rệt về mặt chính sách”.
Cũng phản ứng về sự kiện này, cựu Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt chia sẻ trên Twitter: “Có vẻ như đây là năm của thảm họa kép ở châu Âu” khi nhắc tới cả sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6. Ông kêu gọi mọi người: “Hãy thắt chặt đai an toàn”.
Từ Brussels (Bỉ), quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Federica Mogherini nêu rõ EU và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau. Bà nhấn mạnh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sâu sắc hơn những thay đổi chính trị, vì vậy, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác để củng cố sức mạnh của châu Âu.
Tại châu Âu, các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines và Malaysia cũng đã chúc mừng Tổng thống đắc cử Trump.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết nước này sẽ hợp tác chặt chẽ với chính quyền tương lai tại Mỹ. Ông nhấn mạnh không gì có thể thay đổi thực tế rằng mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ đóng vai trò nền tảng trong đường lối ngoại giao của Nhật Bản và nước này sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ vì hòa bình và sự thịnh vượng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Từ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định nước này sẽ hợp tác với Tổng thống đắc cử của Mỹ để đảm bảo sự phát triển tốt đẹp và bền vững của mối quan hệ song phương.