Ấn Độ là quốc gia nổi tiếng có tình trạng giao thông hỗn loạn, đặc biệt là tiếng còi xe chát chúa ở trên đường phố. Bấm còi đã trở thành một phần không thể thiếu trong khi lái xe tại Ấn Độ khi người dân chọn cách bấm còi để thay cho việc lắp gương quan sát ở hai bên xe.
Rất nhiều xe ô tô không có gương hai bên trong khi các xe khác có gương thì lại gập cụp nó lại để tránh va chạm với phương tiện khác.
Bóp còi xe inh ỏi đã trở thành một vấn nạn giao thông tại Ấn Độ. Ảnh: Wikimedia Commons |
Các tài xế bóp còi để xin đường hoặc cảnh báo lái xe khác không tiến đến quá gần. Thói quen này đã gây ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến xã hội Ấn Độ.
Tuy nhiên, ông Dipak Das lại không chọn cách hành động giống như số đông. Trong 18 năm lái xe trên đường phố, ông đã không hề bóp còi xe. Ông làm lái xe cho nhiều người nổi tiếng ở Ấn Độ chẳng hạn như nhạc trưởng Pandit Tanmoy Bose, tay guitar Kunal… Tất cả những khách hàng của ông đều khen ngợi nỗ lực của ông nhằm giảm ô nhiễm tiếng ồn.
Nhóm tổ chức giải Manush Mela đã xác nhận thói quen lái xe tốt của ông Das và trao tặng ông một giải thưởng cho những nỗ lực đáng khen ngợi của ông.
Ông Dipak Das tin tưởng một ngày nào đó đất nước của mình sẽ thay đổi được thực trạng giao thông tồi tệ, ồn ào và thậm chí là sẽ có những tuyến đường êm ả, thanh bình. Ông hy vọng thói quen của ông sẽ truyền cảm hứng cho những người khác.
“Tôi cho rằng nếu một tài xế tuân theo chính sách không bóp còi, anh ta sẽ trở nên chú ý hơn khi lái xe. Nếu một tài xế có khả năng quan sát chính xác về không gian, tốc độ và thời gian, anh ta hoặc cô ta sẽ chẳng cần dùng tới còi”, ông Das chia sẻ với tờ Hindustan Times.
Giải thưởng Manush Mela nhằm vinh danh các công dân Ấn Độ có hành động hữu ích cho xã hội. Sudipa Sarker, một trong những nhà tổ chức của giải thưởng này nhận xét tài xế Das là một tấm gương nổi tiếng, được đánh giá cao bởi các cá nhân và tổ chức cho những nỗ lực của ông đối với cộng đồng.