Theo trang Oddity Central (Anh), hôm 21/2, 78 sinh viên y khoa đã tham gia kỳ thi hết môn Y khoa Tổng quát tại Trường Cao đẳng Y tế Mahatma Gandhi ở Ấn Độ. Tuy nhiên, đối với một sinh viên đã trượt môn này nhiều lần trong nhiều năm qua, đây dường như là cơ hội cuối cùng giúp anh nhận được tấm bằng tốt nghiệp. Sinh viên giấu tên này đã quyết định quay cóp bằng cách cấy thiết bị Bluetooth vào trong tai.
Theo Thời báo Hindustan, sinh viên này đã bị một thành viên của nhóm giám thị bắt quả tang khi tiến hành kiểm tra đột xuất. Họ đã tìm thấy một chiếc điện thoại di động được giấu kín trong túi quần của anh. Thiết bị đang trong trạng thái bật và kết nối với Bluetooth.
Tuy nhiên, dù đã tìm kiếm kỹ càng, nhóm giám thị cũng không thể tìm thấy bất kỳ thiết bị Bluetooth nào trên người sinh viên này. Chỉ sau khi được đưa đi điều tra, anh mới thừa nhận đã yêu cầu một bác sĩ phẫu thuật tai mũi họng cấy thiết bị vào tai anh.
Việc cấy thiết bị Bluetooth dưới da nghe có vẻ rất đau đớn và không thể thực hiện, vì thiết bị này bao gồm cả pin và cần được giấu kín. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng đây có thể không phải là thiết bị thu Bluetooth thông thường, mà là thiết bị trợ thính nghe qua đường xương, được gắn vào xương để truyền âm thanh thu được đến các cơ quan thụ cảm của tai.
Tiến sĩ Anand Rai, người tố giác vụ gian lận tuyển sinh Vyapam khét tiếng của Ấn Độ, cho biết việc cấy thiết bị Bluetooth rất dễ thực hiện và đã được sử dụng tại Ấn Độ từ năm 2013. Tình trạng gian lận thi cử diễn ra tràn lan ở nước này do tính cạnh tranh cao. Trong nhiều năm qua, giới chức đã phải vật lộn để đối phó với việc sinh viên sử dụng những phương pháp quay cóp ngày càng tinh vi.
Hồi tháng 9/2021, hàng chục người ở Ấn Độ đã bị bắt giữ vì giấu thiết bị Bluetooth vào dép trong kỳ thi tuyển giáo viên ở bang Rajasthan. Theo giới chức, nhiều thí sinh đã mua những đôi dép tông đặc biệt này từ một nhóm kẻ gian với giá khoảng 8.000 USD/đôi. Họ dự định thông qua Bluetooth để gọi ra bên ngoài với mục đích hỏi đáp án chính xác cho bài thi. Sau khi thông tin về vụ gian lận bị phát hiện, nhiều trung tâm đã yêu cầu thí sinh bỏ giày dép bên ngoài phòng thi.
Ngoài ra, còn có trường hợp mạo danh người khác để thi hộ, hoặc những băng nhóm chuyên đánh cắp hoặc tìm cách lấy cắp đề thi để bán kiếm tiền.