Nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của đất là nguồn tài nguyên vô giá cho các thế hệ hiện tại và tương lai, những người phụ nữ ở Kanpour, quận Lawra (tây bắc Gana) đã quyết tâm cải tạo vùng đất khô cằn để làm nông nghiệp.
Phụ nữ Gana quyết tâm hồi sinh những mảnh đất cằn cỗi ở Kanpour. Ảnh: Internet |
Là một phần trong nỗ lực của Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) chống lại tình trạng sa mạc hóa ở Gana, Hội Phụ nữ Kanpour (KWA) đã khởi động dự án trên cách đây 5 năm. Mục tiêu của dự án không chỉ nhằm ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa, mà còn giúp người dân địa phương nâng cao khả năng quản lý môi trường và tạo kế sinh nhai cho việc phát triển bền vững.
Sa mạc hóa là kết quả của tình trạng thoái hóa đất ở những khu vực khô cằn, bán khô cằn do biến đổi khí hậu như lũ lụt và hạn hán kéo dài cũng như do một số hoạt động của con người gây ra như đốt rẫy, kỹ thuật canh tác kém, ô nhiễm, chăn thả quá mức… Tân Hoa xã dẫn lời bà Grace Beliebe, Chủ tịch KWA, cho biết cách đây 5 năm, các thành viên trong hội đã ý thức được rằng sự tồn tại và kế sinh nhai của người dân trong vùng đang bị đe dọa. "Chúng tôi đã lo ngại thực sự vì năng suất mùa màng ngày càng yếu kém, nước cũng khan hiếm hơn. Ban đầu chúng tôi không rõ nguyên nhân của tình trạng này. Sau khi các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin tình trạng sa mạc hóa đã bắt đầu xuất hiện ở một số nơi trên cả nước, trong đó có Kanpour, chúng tôi đã hiểu ra vấn đề", bà Grace kể lại.
Vậy là phụ nữ Kanpour đã tập hợp lại và mời một cựu kỹ sư nông nghiệp đến để thảo luận và tìm ra câu trả lời cho thách thức sa mạc hóa tại địa phương. Người kỹ sư này đã khuyên KWA đề đạt nguyện vọng với EPA.
Bà Grace thừa nhận nhờ có sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả của EPA, vùng đất cằn ở Kanpour đã hồi sinh. Để đạt được thành tích này, các hội viên (chủ yếu là nông dân) đã trải qua một khóa học nhằm trang bị kiến thức về một số loài cây cũng như phương pháp gieo trồng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác tốt nhất, cách làm phân hữu cơ từ rơm, rạ... Theo bà Grace, những người trước đây có hành vi đốt rẫy đã được bồi dưỡng nâng cao nhận thức và được giao nhiệm vụ ngăn chặn nạn đốt rẫy.
Trước những thành tích của phụ nữ Kanpour, ông Eric Kaliebu - Chủ tịch EPA - nói rằng đây thực sự là tấm gương sáng để các cộng đồng dân cư khác ở Gana noi theo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Ông Kaliebu cho biết, hiện người dân Kanpour đã có thể trồng khoai lang, vừng, lạc, ngô, lúa mì… vì đất đai đã trở nên màu mỡ hơn.
Từ những thành công của KWA, nhiều cộng đồng khác ở Gana đã bày tỏ sự quan tâm sau khi nhận thấy những lợi ích về kinh tế xã hội mà dự án chống sa mạc hóa đem lại. Vấn nạn đốt rẫy bừa bãi tại Gana có thể được ngăn chặn một cách hiệu quả nếu người dân được tuyên truyền, giáo dục về tính cấp thiết của việc bảo vệ môi trường cũng như được hướng dẫn triển khai các sáng kiến thực hiện, EPA nhận định.
Quang Tuyến