Nỗi niềm của những người cho đi nhờ xe

Ở nhiều nước, việc cho người đi nhờ xe đã trở thành một nét văn hóa đẹp trong cuộc sống thường ngày. Nhưng ở nhiều nơi, tốt bụng có khi vẫn bị tẩy chay.


 

Ye Zhantong giơ biểu tượng của hội trước một bến xe buýt.

Ông Zhu Lijun muốn trở thành một lái xe tốt bụng và thường tự nguyện cho những người lạ mà ông nhìn thấy trên đường đi nhờ xe trong lúc ông lái xe đi làm hàng ngày. Thế nhưng, lòng tốt của ông thường bị từ chối vì nhiều lý do.


Ông Zhu sống ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã tham gia hội cho người lạ đi nhờ xe miễn phí, được các tình nguyện viên thành lập hồi tháng 11/2011.


Các thành viên trong hội thường xuyên tìm người đứng chờ ở bến xe buýt hay chờ taxi và hỏi họ xem có muốn đi xe miễn phí hay không. Thông thường người được hỏi sẽ gật đầu nếu điểm đến của họ tình cờ cũng trên đường mà lái xe đi. Nhưng cũng có nhiều người từ chối vì cho dù lái xe đã đảm bảo chở miễn phí, họ vẫn lo rằng sẽ bị tính tiền khi đến nơi.


Ông Zhu ước tính rằng ông đã bị khoảng 70% số người ông mời đi xe miễn phí từ chối. Ông kể: "Có lần, khoảng giữa trưa, tôi gặp hai phụ nữ bế một đứa bé đang chờ xe buýt. Lúc đó trời rất nóng nên tôi đã hỏi xem họ có muốn đi nhờ xe tôi không. Tôi thực sự thất vọng khi cả hai đều từ chối". Ông cho biết ông đã giơ cho hai phụ nữ đó xem các biểu tượng của hội gồm một biểu ngữ và một dải ruy băng xanh buộc ở gương xe. Nhưng họ vẫn không tin mà thậm chí còn tỏ ra nghi ngờ hơn. Ông tỏ ra buồn rầu: "Tôi chỉ muốn giúp đỡ thôi vì tôi thấy họ bế đứa trẻ trong trời nắng nóng".


Về sau, hai phụ nữ đó còn cố gắng thuyết phục một người đàn ông cũng đang đứng chờ xe buýt đừng đi xe của ông Zhu vì ông Zhu có thể là lái xe "taxi dù" - một loại taxi không được cấp phép và thường tính tiền theo kiểu mặc cả chứ không theo đồng hồ km. Tuy nhiên, người đàn ông đó đã bỏ qua lời cảnh báo trên và vẫn bước vào xe ông Zhu khi biết rằng ông Zhu đang lái xe đến nơi mà ông ta cũng đang muốn đến. Ông Zhu cho rằng, cũng dễ hiểu vì sao một số người không tin vào lòng tốt của người khác, đặc biệt là khi sống trong một xã hội nhiều trò lừa đảo như hiện nay.


Trước khi ông Zhu mua chiếc xe SUV năm 2011, ông thường phải đi xe đạp điện ngay cả khi thời tiết xấu. Chính những quãng thời gian vất vả đó khiến ông nảy ra ý nghĩ cho người khác đi nhờ xe miễn phí.


Hội những người thích cho người khác đi nhờ xe miễn phí do anh Ye Zhantong, 38 tuổi, thành lập. Anh cho biết, ý tưởng về hội này đến với anh cách đây 4 năm khi anh là một công nhân từ quê lên thành phố làm việc. Anh kể: "Tôi cố hỏi xem có ai cho đi nhờ xe miễn phí không nhưng tôi đã bị từ chối tới 8 lần. Không ai dừng lại và giúp tôi cả".


Sau khi làm việc nhiều năm trời, anh đã có một công ty chuyên sửa chữa đồ gia dụng và có tiền mua ô tô riêng. Tuy nhiên, anh vẫn không sao quên được cảm giác của những lần bị từ chối cho đi nhờ xe. Anh bắt đầu thành lập hội nói trên từ tháng 11/2011 và đến nay hội đã có 700 thành viên. Anh cho biết: "Một số lái xe đã bỏ hội sau khi lòng tốt của họ nhiều lần bị người đi đường từ chối. Nhưng chúng tôi vui vì phần lớn thành viên vẫn gắn bó với hội và ngày càng có nhiều người tham gia".
Wang Xipiao, một người dân sống ở quận Jinshui, thành phố Trịnh Châu, cho biết ông thà chờ xe buýt hoặc vẫy taxi còn hơn là đi nhờ xe miễn phí. Ông tỏ ra nghi ngờ: "Chẳng có cái gì gọi là miễn phí cả và tôi cảm thấy không an toàn khi ngồi trên xe người lạ. Hơn nữa, nhỡ đâu lái xe không thành thạo và gây tai nạn khi đang chở tôi thì sao?".


Hội của ông Zhu còn bị cánh lái taxi ghẻ lạnh vì sợ ảnh hưởng đến “cần câu cơm” của mình, Một lái xe giấu tên nói: "Cước taxi tối thiểu ở Trịnh Châu vừa tăng từ 6 lên 8 nhân dân tệ/km và ngày càng ít người đi taxi. Những lái xe cho đi nhờ xe miễn phí sẽ chỉ làm ngành kinh doanh của chúng tôi khó khăn thêm".


Anh Ye cho hay hội của anh có một số biện pháp để đảm bảo người đi nhờ xe được an toàn và tránh ảnh hưởng đến các lái xe taxi. Thành viên của hội phải có kinh nghiệm lái xe từ một năm trở lên. Hội cũng mua cả bảo hiểm cho các thành viên. Lái xe tình nguyện chỉ mời người đi nhờ xe vào giờ cao điểm - khi mà nhiều người không bắt nổi taxi - hay vào những lúc thời tiết không thuận lợi. Anh Ye khẳng định: "Nếu người đi đường không vội vã, chúng tôi sẽ không hỏi họ. Đó là cách chúng tôi tránh làm ảnh hưởng đến cánh tài xế taxi".


Thùy Dương (Theo THX)

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN