Nhật Bản đau đầu tìm lời giải cho bài toán năng lượng

Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực để xây dựng một chính sách năng lượng mới trong thời hậu thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3 và cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là Nhật Bản phải xác định được các nguồn năng lượng tốt nhất có thể trong tương lai.

Thảm họa động đất, sóng thần gây ra sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 hồi tháng 3 đặt ra cho Nhật Bản nhiều vấn đề về năng lượng.


Theo nhật báo Nikkei, để tìm câu trả lời đúng đắn cho bài toán hóc búa trên, chính phủ cần phải xem xét hàng loạt các nhân tố, thậm chí mâu thuẫn nhau, như độ an toàn, chi phí, sự tin cậy và triển vọng về khả năng cung cấp ổn định trong dài hạn. Trong quá trình giải bài toán này, Nhật Bản không thể bỏ qua kinh nghiệm của những nước công nghiệp phát triển khác.

Trong Sách Trắng về năng lượng công bố hồi tháng 7, Anh đã cảnh báo về khả năng xảy ra sự thiếu hụt điện nghiêm trọng trong vòng 10 năm tới. Việc dỡ bỏ các nhà máy điện hạt nhân cũ kỹ và đóng cửa các nhà máy nhiệt điện chạy than theo các quy định về môi trường của Liên minh châu Âu (EU) sẽ buộc Anh phải tìm kiếm các nguồn năng lượng mới có tổng công suất lên tới 20 GW, bằng 1/4 trong tổng công suất phát điện của nước này, vào năm 2020. Tuy nhiên, nhiều công ty điện lực không muốn đầu tư để xây dựng những cơ sở mới trong bối cảnh đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường điện đang được tự do hóa cao độ ở nước này. Sách Trắng năng lượng của Anh dự báo tỷ lệ dự trữ của hệ thống điện ở nước này (hiệu số dương giữa công suất phát điện và nhu cầu đỉnh) sẽ bị thu hẹp xuống dưới 5%, một tỷ lệ tương đối thấp, vào cuối những năm 2010. Trong khi đó, triển vọng về tăng nguồn cung điện ở Anh vẫn rất mờ mịt. Vì vậy, bài học của Anh là không nên phụ thuộc vào một nguồn năng lượng nào cả.

Sự phát nổ của “quả bong bóng năng lượng Mặt Trời” ở Tây Ban Nha cũng là một bài học kinh nghiệm khác cho Nhật Bản. Năm 2007, chính phủ Tây Ban Nha đã áp dụng hệ thống thuế mới, theo đó Tây Ban Nha bảo đảm sẽ mua điện Mặt Trời ở mức giá cao hơn so với các nước châu Âu khác. Nhờ vậy, nước này đã thu hút các dòng vốn khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới. Công suất phát điện Mặt Trời của Tây Ban Nha đã nhanh chóng tăng từ 150 MW năm 2006 lên 3.400 MW vào năm 2008. Tuy nhiên, do không thể chuyển các chi phí điện năng đắt hơn cho các khách hàng, chính phủ Tây Ban Nha đã buộc phải giảm giá mua điện. Nhiều công ty điện lực đã bị rơi vào tình trạng thua lỗ. Điều này khiến số lượng các nhà máy điện Mặt Trời ở nước này trong năm 2009 giảm xuống còn 1/10 so với năm 2007. Sự sụp đổ của thị trường năng lượng Mặt Trời cho thấy tầm quan trọng của một chính sách năng lượng bền vững trong dài hạn.

Trên cơ sở các bài học trên, Nhật Bản cần phải tự do hóa hơn nữa ngành điện để tăng cường hiệu quả của các hệ thống cung cấp điện và giảm giá điện, hiện đang cao hơn so với phần lớn các quốc gia phát triển khác.

Một nhân tố quan trọng khác mà chính phủ Nhật Bản cần phải chú ý khi xây dựng một chính sách năng lượng mới đó là sự phụ thuộc cao của Nhật Bản vào các nguồn dầu thô nhập khẩu và nguồn năng lượng nhập khẩu khác. Đức, nước đã quyết định sẽ loại bỏ dần các nhà máy điện hạt nhân, có tỷ lệ tự đáp ứng nhu cầu năng lượng lên tới 40%. Cùng với nguồn than đá dự trữ dồi dào ở trong nước, Đức có lưới điện kết nối với các nước láng giềng và điều này đóng vai trò như “lưới an toàn” cho nguồn cung điện của Đức. Ngược lại, tỷ lệ tự đáp ứng nhu cầu năng lượng của Nhật Bản chỉ là 18% và sẽ giảm còn 4% nếu năng lượng hạt nhân bị loại bỏ.

Kể từ sau thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, kim ngạch nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và dầu thô của Nhật Bản tăng vọt. Tuy nhiên, dầu thô và khí đốt không được coi là nguồn thay thế sẵn có ngay lập tức cho năng lượng hạt nhân. Để tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng này, Nhật Bản cần xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết như các cơ sở dự trữ LNG nhập khẩu và các nhà máy điện mới sử dụng các nguồn năng lượng này. Theo ông Toshio Mita, Chủ tịch Công ty Điện lực Chubu, quá trình đó có thể mất 20 - 30 năm.

Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản vẫn sẽ đau đầu khi giải bài toán năng lượng.

Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN