Nhà hàng “mù” đầu tiên ở Nêpan

Một dãy thực khách, từng người một, tay bám vai người đằng trước nối nhau bước vào một căn phòng tối đen tại nhà hàng “mù” đầu tiên ở Nêpan, nơi phục vụ thực khách những món ăn mà họ chỉ có thể ngửi, chạm và nếm nhưng không nhìn thấy.


 

Các nhân viên khiếm thị ra đón khách tại nhà hàng.

 

Phòng ăn được phủ rèm dày từ trần nhà đến sát đất, và thực khách được nhân viên dẫn vào bàn, dù chính những nhân viên này cũng là người khiếm thị. Các nhà hàng ăn “mù” tương tự đã được mở cửa tại châu Âu và Mỹ, nhưng nhà hàng tại Nêpan ra đời với những khác biệt quan trọng, vì nó tạo cơ hội hiếm hoi để những người khuyết tật tại nước này có được một không gian độc lập và một công việc phù hợp với khả năng của họ.


“Chúng ta nên nhìn nhận mô hình nhà hàng này từ hai góc độ - trao cơ hội cho người Nhà hàng “mù” đầu tiên ở Nêpan


mù và đem đến một trải nghiệm mới mẻ cho công chúng”, ông Shyam Kakshhapati, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Nepal (HAN) nói. “Việc trao cơ hội cho người khuyết tật là rất quan trọng bởi không có nhiều công việc dành cho họ trên đất nước chúng ta”, vị đại diện HAN khẳng định.


Ý tưởng nhà hàng “mù” nảy sinh từ thành công của một chuỗi nhà hàng thuê toàn các nhân viên bị khiếm thính. Nhân viên của nhà hàng chìm trong bóng tối được giới thiệu bởi Hiệp hội người khiếm thị Nêpan, một tổ chức từ thiện đại diện cho khoảng 200.000 người khiếm thị tại đất nước nhỏ bé này. Nhiều thành viên hiệp hội trước đó đã được giới thiệu vào những công việc như trực điện thoại, giáo viên và nhạc công.


Các bồi bàn nhận thù lao hằng ngày là 6 USD, một khoản thu nhập khá cao tại một quốc gia nơi gần 1/4 trong tổng số 26,6 triệu dân chỉ có thu nhập không đầy 1,25 USD/ngày. “Với khoản thu nhập này, tôi có thể tiếp tục học tập và dành tiền giúp đỡ gia đình”, nhân viên Utsav Nepal, 23 tuổi, đang là sinh viên một trường đại học ở Cátmanđu cho biết.


Tại đất nước Nêpan còn nghèo khó, người khuyết tật là những gánh nặng kinh tế đối với nhiều gia đình. Không ít người còn giữ quan niệm cổ hủ rằng, người khuyết tật là do bị trừng phạt bởi những tội lỗi của họ trong kiếp trước.


Nhiều thay đổi đã diễn ra nhanh chóng trong bối cảnh Nêpan đang trải qua những biến cố chính trị sau khi lực lượng cánh tả, từng dấy lên cuộc nội chiến kéo dài một thập kỷ, tham gia chính phủ và nền quân chủ có lịch sử 239 năm đã chấm dứt vào năm 2008.


Mặc dù vậy, những đổi thay với đời sống vẫn diễn ra chậm và các dịch vụ kiểu như nhà hàng “mù” có thể đóng một vai trò quan trọng. “Nơi này cho thực khách được trải nghiệm không gian của người mù. Khi họ hiểu được khó khăn mà người khiếm thị gặp phải thì họ sẽ giúp đỡ những người khuyết tật đó được tốt hơn”, ông Adam Levene, quan chức Đại sứ quán Ixraen tại Nêpan, nơi giúp thành lập nhà hàng và huấn luyện nhân viên, phát biểu.


Tại nhà hàng, các nhân viên bồi bàn để sẵn những cây gậy dò đường màu trắng trong túi và di chuyển giữa các bàn để giúp thực khách tìm dao thìa hay tư vấn cho họ về gọi món. “Nếu muốn ăn đồ cay, ông nên chọn món fusilli nấu với pho mai, nấm, ớt và dầu ôliu”, một bồi bàn khiếm thị gợi ý với khách.


Một cặp vợ chồng người Tây Ban Nha đã tìm đến nhà hàng “mù” ở Nêpan để tổ chức một bữa ăn đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 1 năm ngày cưới. “Mới đầu, tôi thực sự hoảng sợ, không biết làm thế nào để tìm thức ăn, không biết các món ra sao”, chị Milca Hanukoglu, người gốc Malaga, nói với phóng viên hãng AFP sau bữa ăn với chồng. “Nhưng bữa ăn thật lãng mạn, dù thay vì nến, chỉ có bóng tối”, Milca tỏ ra hài lòng về bữa tiệc “bóng tối”.


Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN