Người Palextin tha hương nuôi mộng nhà đẹp

Sau 35 năm bôn ba nước ngoài, trong đó có 10 năm ở Mỹ, ông Subhi Mustafa trở về xây một ngôi nhà mơ ước tại ngôi làng quê hương ở khu Bờ Tây.


 

Ngôi nhà “hoành tráng” của một công dân làng Mazraa al - Sharqiya từng sinh sống ở nước ngoài.

Người đàn ông 60 tuổi này là một trong số nhiều công dân Palextin đã làm việc nhiều năm ở nước ngoài trước khi trở về những ngôi làng nhỏ như Mazraa al - Sharqiya và tự thưởng cho mình cùng gia đình một ngôi nhà sang trọng. Mustafa bắt đầu xây ngôi nhà của mình khi ông trở về làng 8 năm trước. “Kể từ khi tôi rời khỏi làng, tôi đã quyết định mình phải làm việc vì ngôi nhà này”.


Ông Mustafa cho biết: “Tôi đã phải rời bỏ làng mình và chịu nỗi đau tha hương để theo đuổi mục tiêu duy nhất: xây một ngôi nhà thật to đẹp ở quê hương cho chính mình và các con cháu. Cuối cùng, tôi đã hoàn thành được tâm nguyện này và tôi sẽ không bao giờ đi đâu nữa”.


Ngôi nhà mơ ước của Mustafa không thể lẫn với những ngôi nhà truyền thống ở Mazraa al - Sharqiya, phía bắc thành phố Ramallah. Ngôi nhà rộng tới 450 m2 và có cả một khoảng sân vườn rộng phía trước, theo lời Mustafa, là để cho các cháu chơi đùa.


Ông thừa nhận: “Có một chút ganh đua giữa những người đã từng sống ở nước ngoài khi trở về quê hương xây nhà. Tuy nhiên tôi chú tâm vào nội thất bên trong hơn là vẻ hoành tráng bên ngoài. Tôi muốn con cháu tôi sẽ cảm thấy thoải mái khi ở đây”.


Những ngôi nhà như của ông Mustafa có chi phí không hề rẻ. Chỉ tay về phía những ngôi nhà trong làng, ông cho biết: “Ngôi nhà này có giá hơn 400.000 USD. Còn ngôi nhà kia giá 600.000 USD. Ngôi nhà kia nữa, giá tới 1 triệu USD. Chúng đều thuộc sở hữu của những người Palextin đã từng làm việc ở Mỹ”.


Ở Mazraa al - Sharqiya, chỉ có 5.000 trong tổng số 12.000 công dân của làng ở lại quê hương, số còn lại đều đang làm việc ở nước ngoài, phần lớn là ở Mỹ.


Ông Rafae Hamida, Chủ tịch một quỹ từ thiện địa phương, cho biết có khoảng 67% người trong làng hiện đang sống ở Mỹ, Pêru hoặc Braxin. Và “tất cả bọn họ đều muốn xây một ngôi nhà to hơn những ngôi nhà đã có ở làng”.


Cuộc ganh đua xây nhà to đẹp giữa những người từng sống ở nước ngoài không chỉ giới hạn ở Mazraa al - Sharqiya, mà còn diễn ra ở các làng, các thị trấn ở khắp khu Bờ Tây. Những ngôi nhà này thường rất đặc biệt, to hơn nhiều so với các ngôi nhà truyền thống của người Palextin, ở phía trước thường được trang trí đá và những chiếc cột lớn. Một số thậm chí giống với cung điện hơn là nhà ở thông thường.


Damin Awad, 59 tuổi, một cư dân làng Mazraa al - Sharqiya đã sống ở Pêru trong suốt 44 năm qua, sau chuyến về thăm quê mới đây đã bắt đầu nghĩ đến việc trở về sống lâu dài cũng như ý định xây dựng một ngôi nhà đàng hoàng cho bản thân và gia đình.


Thừa nhận một thực tế là không ít người trở về quê hương để tham gia cuộc đua xây ngôi nhà to đẹp nhất, song ông Awad cho rằng phần lớn trở về vì không muốn để mất quyền công dân. Từ nhiều năm trước, người dân Palextin ở Bờ Tây bị buộc phải thực hiện việc định kỳ đề nghị nhà chức trách Ixraen cấp lại giấy phép cư trú. Vì thế, những người đi làm ăn ở nước ngoài lâu ngày có nguy cơ bị thu hồi quyền cư trú.

 

Sau khi Hiệp ước Oslo có hiệu lực năm 1994, quy định này đã bị bãi bỏ đối với công dân Palextin ở Bờ Tây, song vẫn được áp dụng đối với những người sinh sống ở Đông Jerrusalem. Ông Awad khẳng định, suy nghĩ phổ biến của những người Palextin ra nước ngoài làm việc là cố gắng kiếm đủ tiền rồi trở về quê xây cho gia đình một ngôi nhà thật đẹp. Nhưng mong muốn duy trì quyền công dân của họ luôn lớn hơn một ngôi nhà to đẹp.


Lê Hải (theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN