Cách thức ông lớn Google nhắc người Mỹ nhớ đăng ký để đi bầu cử. |
Trong bầu không khí bầu cử ngày càng trở nên khẩn trương trên đất Mỹ, những tên tuổi lớn của mạng Internet như Google, YouTube, Facebook, Twitter, Reddit… cùng ra sức vận động công dân Mỹ ra đường đi bỏ phiếu vào tháng 11 tới, và cuộc vận động đó bắt đầu ngay từ việc thuyết phục họ đăng ký tư cách cử tri của mình.
Chỉ một ngày sau cuộc tranh luận đầu tiên trên sóng truyền hình trực tiếp của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và đối thủ là ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, 5 trang mạng lớn của Mỹ thông qua sức mạnh thu hút hàng chục triệu người sử dụng mỗi ngày, cùng khoảng 4.000 tổ chức khác nhau đang hòa chung thông điệp: công dân Mỹ từ 18 tuổi trở lên hãy đăng ký bỏ phiếu để chọn ra nhà lãnh đạo mới của quốc gia này cho nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo.
Theo Matt Singer, nhà sáng lập của Ngày Đăng kí Cử tri Quốc gia Mỹ diễn ra vào ngày thứ ba thứ tư của tháng 9 (27/9 năm nay), một trong những lý do dẫn đến cuộc vận động hối hả trên các trang web lớn của Mỹ là thực trạng từng xảy ra vào năm 2008, khi có tới 6 triệu người Mỹ không thể thực hiện quyền bỏ phiếu vì không đăng kí tư cách cử tri, không đăng kí trước thời điểm quy định hoặc thậm chí không biết cách đăng kí tư cách cử tri như thế nào.
Cầm tay chỉ việc
Google khởi đầu chiến dịch vận động đăng kí tư cách cử tri ngay trên biểu tượng thương hiệu của trang công cụ tìm kiếm hùng mạnh này, theo đó hướng dẫn người sử dụng Internet cách đăng ký để bỏ phiếu vô cùng đơn giản. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay cũng là năm đầu tiên ghi nhận việc gã khổng lồ công nghệ Google cung cấp thông tin bầu cử bằng cả tiếng Tây Ban Nha.
Trong khi đó, bắt đầu từ ngày 23/9, người dùng Facebook Mỹ đủ tuổi để tham gia bầu cử mỗi lần sử dụng mạng xã hội này đều được nhắc đăng kí tư cách cử tri thông qua dòng tin nhắn gắn đầu trang “News Feed”. Hoạt động “nhắc nhở” này của Facebook bắt đầu diễn ra từ năm 2008 và chứng minh tính hiệu quả không nhỏ trong bối cảnh lượng người sử dụng mạng xã hội này ngày càng tăng cao.
Góp mặt trong cuộc vận động chính trị lớn này của nước Mỹ, ông lớn YouTube mang đến dòng hashtag #voteIRL (vote in real life-đi bầu cử) được kết hợp trong các đoạn video có sự tham gia của nhiều nhóm đối tượng khác nhau, đủ âm thanh, đủ màu sắc sinh động để khiến cử tri Mỹ thấy muốn đi bầu cử. Cùng lúc đó, mạng xã hội Twitter cũng tràn ngập dòng hashtag #iRegistered (tôi đã đăng ký) để cử tri Mỹ thông báo cùng kêu gọi nhau thực hiện quyền công dân của mình.
Hòa chung cuộc vận động đang diễn ra rầm rộ trên các trang web lớn của Mỹ, nhiều công ty ở Thung lũng Silicon như AOL, Bitly, Foursquare và Kickstarter cũng cùng nhau chạy dòng hashtag #TechTurnsout để thúc giục cộng đồng công nghệ đi đăng ký bầu cử, thực hiện quyền công dân.
Hoạt động kêu gọi mang màu sắc chính trị này còn lan sang các dịch vụ như DoorDash áp dụng ở các khu vực San Francisco, New York, Los Angeles, Chicago và Danver theo gói "nhất cử lưỡng tiện". Người dùng ứng dụng dù chỉ gọi món ăn, song được cung cấp kèm theo cả thông tin về cách thức đăng ký tư cách cử tri đến tận cửa nhà.
Trong khi đó, công dân Mỹ tại thủ đô Washington D.C. thì được trang bị công cụ để kiểm tra tình trạng đăng ký tư cách cử tri cũng như các nội dung liên quan trong cuộc bầu cử sắp diễn ra như địa điểm tổ chức bỏ phiếu...
Việc đăng ký tham gia bỏ phiếu ở Mỹ được quy định theo từng bang. Trong khi một số bang cho phép công dân đăng ký vào ngày bỏ phiếu, một số khác yêu cầu công dân phải hoàn tất việc đăng ký tư cách cử tri tối thiểu trước ngày bầu cử 30 ngày.