Cặm cụi dậy từ tờ mờ sáng, những người phụ nữ tại Kibera, khu ổ chuột lớn nhất thủ đô Nairobi (Kenya) xách theo vài chiếc thùng méo mó rồi dẫm bèm bẹp qua đống bùn nhão, kiên nhẫn xếp hàng trong nhiều tiếng đồng hồ để lấy nước từ chiếc vòi nhỏ bé.
Tình trạng khan hiếm nước trầm trọng tại các khu dân cư nghèo chính là nhân tố hình thành nên tổ chức “mafia nước” đang lộng hành tại hầu hết các ngõ ngách ở những khu ổ chuột Kenya.
Phụ nữ Kibera thường phải còng lưng để xách những thùng nước nặng. |
Theo thống kê của công ty Cấp thoát nước Nairobi (NCWSC) thuộc sở hữu của chính phủ Kenya, chỉ một nửa trong số 3 triệu người dân thủ đô được sử dụng nước sạch từ hệ thống.
Nhu cầu sử dụng nước của người dân Kenya là 690.000 m3/ngày, vượt xa nguồn cung hiện nay là 550.000 m3. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng “già cỗi” đồng hành với hạn hán đã dẫn đến hạn chế trong việc cung cấp nước. Judith Makhoha, bà mẹ 3 con đã phải bỏ một khoản tiền không hề nhỏ để mua nước giặt giũ, chia sẻ: “Nước là cuộc sống và bạn không thể sống thiếu nước được”.
Nước thường chiếm 1/3 khoản chi tiêu hàng tháng của 200.000 người dân Kibera, những người chỉ kiếm được chưa đầy 1,25 USD một ngày. |
Trước những khó khăn này, người dân nghèo Nairobi buộc phải tìm đến đội ngũ bán nước rải rác khắp thủ đô. Và tại khu ổ chuột Kibera, kinh doanh nước đã trở thành ngành sinh lợi “khủng” của hệ thống mafia cấu kết chặt chẽ và luôn bảo vệ lãnh địa bằng bạo lực. Hãng tin Reuters trích lời Pauline Nyota, nhân viên thuộc dự án từ thiện Nước và Vệ sinh cho khu vực nghèo khó (WSUP) cho biết: “Đó là khu vực bị kiểm soát chặt chẽ. Nếu bạn không ở trong tổ chức thì không thể có địa điểm để bán nước. Đó chính là lý do khiến mọi người gọi những kẻ kinh doanh nước là mafia”.
Với việc thị trường bị thao túng, mafia nước hoàn toàn tự do ngã giá. Các chuyên gia ước tính người nghèo phải trả tiền đắt hơn từ 10 đến 25 lần cho “mafia nước” so với những người sử dụng dịch vụ của NCWSC. Những tổ chức từ thiện bán nước rẻ hơn mafia thường đối mặt với các hành động phá hoại cố ý.
“Mafia nước” thường đầu tư từ 1.000 - 3.000 USD để mua đường ống dẫn nước tới Kibera, sau đó thì khoản lợi nhuận thu từ việc bán nước ngày một sinh sôi.
Theo quy định, các “mafia nước” phải đăng ký với NCWSC và lắp đồng hồ đo nước tiêu thụ hàng tháng, nhưng những người này lại thích sử dụng nước ăn trộm hơn. Ông Mbaruku Vyakwel, đại diện của NCWSC cho biết đơn vị này đang gặp phải tình trạng thất thoát đến 40% do rò rỉ và bị trộm, vượt quá ngưỡng trong mức cho phép của quốc tế là 12%.
NCWSC đang hợp tác với cảnh sát để đối phó với những kẻ bán nước phạm pháp. Nhưng Vyakweli cũng tiết lộ: “Rất nhiều đối tượng đã bị bắt nhưng chúng hoạt động theo tổ chức, bạn thực hiện chiến dịch truy quét hôm nay và một tuần sau chúng lại quay trở lại. Không dễ để xuyên thủng được các tổ chức này”.
Điểm mấu chốt của vấn đề là hầu hết các khu ổ chuột Nairobi được xây dựng trái phép trên những vùng đất thuộc sở hữu của chính phủ và kết quả là họ thiếu đường xá, hệ thống cấp thoát nước và điện lưới. Trước đây, chính phủ Kenya đã không thể cung cấp nước sạch đến các khu ổ chuột do đầu tư lớn và người dân nghèo ít có khả năng chi trả.
Nhưng Sam Parker, lãnh đạo của Hiệp hội Nước Quốc tế bày tỏ quan điểm: “Rào cản lớn nhất không phải là kỹ thuật, tài chính và tính khả thi. Người dân tại các khu ổ chuột đã chi rất nhiều tiền để mua nước, vì vậy họ cũng sẽ thanh toán hóa đơn nếu một công ty chính thống cung cấp nước cho họ. Với nỗ lực phối hợp, vấn đề cung cấp nước ở Kibera có thể được giải quyết trong vòng một năm”.
Hà Linh