Giám đốc nghiên cứu Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc gia Inđônêxia (BATAN), Taswanda Taryo cho biết, sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 của Nhật Bản đã có những tác động tiêu cực nhất định đến công luận và tâm lý người dân Inđônêxia về vấn đề an toàn hạt nhân, song tiến trình phát triển năng lượng hạt nhân của nước này vẫn đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, thảm họa tại Nhật Bản cũng là bài học cho Inđônêxia trong vấn đề đảm bảo an toàn hạt nhân khi lựa chọn địa điểm và công nghệ cho các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima 1 là bài học cho Inđônêxia. Ảnh: Internet |
Theo Kế hoạch phát triển quốc gia dài hạn (RPJPN) năm 2007 của chính phủ Inđônêxia, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này dự kiến sẽ được khánh thành trong giai đoạn 2015 - 2019. Tuy nhiên, Giám đốc BATAN, Hudi Hastowo cho rằng, mục tiêu này có thể không đạt được đúng thời hạn đã định. Trong khi đó, Tổng thống Inđônêxia Susilo Bambang Yudhoyono cũng tỏ ra không vội vàng với điện hạt nhân khi tuyên bố sẽ không có nhà máy điện hạt nhân nào được xây dựng trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2014.
Ý tưởng xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Inđônêxia xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1956 trong cuộc hội thảo tại các trường đại học ở Bandung, Tây Java, Yogyakarta. Nhưng nó chỉ thực sự được quan tâm năm 1972 khi BATAN và Bộ Công trình công cộng và Điện lực thành lập Ủy ban Phát triển và chuẩn bị cho các nhà máy điện hạt nhân (KP2PLTN). Năm 1989, Cơ quan điều phối Năng lượng Quốc gia Inđônêxia (BAKOREN), thuộc sự giám sát của BATAN, đã tiến hành nghiên cứu khả thi xây dựng một lò phản ứng công suất 7.000 megawatt (MW) trên bán đảo Muria ở Trung Java. Đến năm 1996, các quan chức xác định rằng Inđônêxia có thể xây dựng lò phản ứng nước nhẹ 600-900 MW và đã lập kế hoạch cho các lò phản ứng để hỗ trợ cho mạng lưới điện Java và Bali năm 2004. Tuy nhiên, dự án này đã bị hoãn lại vào năm 1998, trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cũng như sự phản đối của địa phương nơi dự định đặt nhà máy. BATAN đã phải tìm kiếm các địa điểm khác và cuối cùng chọn Bangka-Belitung.
Chính phủ Inđônêxia hiện có kế hoạch xây dựng một lò phản ứng 10.000 MW tại Tây Bangka và một lò phản ứng 8.000 MW tại Nam Bangka, dự kiến khánh thành vào năm 2012 hay 2022. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân địa phương, do lo sợ lặp lại thảm họa hạt nhân như ở Chernobyl (Ucraina) hay Fukushima (Nhật Bản). Inđônêxia nằm trong Vành đai lửa Thái Bình Dương thường xảy ra các trận động đất và phun trào núi lửa nên có mức độ rủi ro cao đối với an toàn hạt nhân. Tuy nhiên, theo BATAN, phía Đông Sumatra, Tây Kalimantan và Bắc Java là tương đối an toàn trước động đất, vì đều nằm xa đường đứt gãy của các mảng lục địa. Cơ quan này đang cố gắng thuyết phục người dân địa phương về sự an toàn cũng như những ích lợi của điện hạt nhân. Theo BATAN, điện từ nhà máy điện hạt nhân là rất quan trọng cho ngành công nghiệp để mở rộng hoạt động, mà cuối cùng là thu hút được nhiều lao động hơn. Công nghệ lò phản ứng nước áp lực (PWR) là hình thức phù hợp nhất và đáng tin cậy của sản xuất năng lượng hạt nhân đối với Inđônêxia.
Hiện Inđônêxia đã có ba lò phản ứng hạt nhân quy mô nhỏ: Một lò 250 kilowatt (kW) ở Bandung (bắt đầu hoạt động vào năm 1965), một lò 30 MW tại Serpong, Banten (năm 1987) và một lò 100 kW ở Yogyakarta (năm 1979). Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước Inđônêxia, Dahlan Iskan, cho biết chính phủ nước này vừa chấp thuận đề nghị của một công ty tư nhân xây dựng một nhà máy điện hạt nhân công suất 200 kW, sau đó sẽ nâng dần lên 2 MW trong vòng một năm.
Chi phí xây dựng một lò phản ứng hạt nhân ước vào khoảng 20.000 tỷ rupiah (2,1 tỷ USD). Tuy đầu tư ban đầu là đắt, nhưng vận hành lại rẻ hơn nhiều lần so với các nhà máy điện khác. Một nhà máy điện hạt nhân có thể sản xuất điện với giá khoảng 9,66 xu Mỹ/kWh, so với mức tương ứng 30 xu/kWh cho nhà máy chạy bằng dầu. Nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tuy có giá rẻ hơn là 4 xu/kWh, song lại gây ô nhiễm cao gấp nhiều lần.
Việt Tú (P/v TTXVN tại Inđônêxia)