Xúng xính trong chiếc áo khoác đông hiệu Prada màu đen pha cam mua được từ chuyến du lịch Milan, cô gái Jennifer Ren đúng là hình ảnh tiêu biểu cho tầng lớp mới phất lên ở Trung Quốc - tầng lớp ưa dùng đồ hiệu.
Đồ hiệu là thứ khẳng định đẳng cấp của người giàu Trung Quốc. Ảnh: Internet |
Với nhà tổ chức triển lãm mới 27 tuổi này, túi Dior, nước hoa Chanel, vòng cổ Van Cleef & Arpels là những phụ kiện thời trang cô dùng hàng ngày. “Đồ hiệu là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi. Khi đã mua chúng, thật khó có thể hạ xuống những sản phẩm thấp cấp hơn”, cô gái có lương “cứng” 960 USD/tháng nhưng thường được người mẹ, một doanh nhân thành đạt “bơm” thêm tiền, cho biết.
Những người tiêu dùng phóng tay như Jennifer chính là “miếng bánh” béo bở khiến các thương hiệu xa xỉ lớn của thế giới không thể làm ngơ Trung Quốc. Theo số liệu của tập đoàn đầu tư CLSA Asia-Pacific Markets, doanh số hàng xa xỉ cá nhân tại Trung Quốc đại lục đã tăng ấn tượng 56% trong năm ngoái, lên 19 tỉ USD, sau khi đạt mức tăng 35% trong năm 2010, trong khi toàn bộ nền kinh tế thế giới chỉ tăng có 2,7% trong năm 2011. CLSA dự đoán, thị trường hàng hiệu Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại trong những năm còn lại của thập niên này, nhưng vẫn đưa ra con số ấn tượng là 20%/năm.
Người Trung Quốc đang nổi tiếng là những khách hàng đồ hiệu lớn nhất thế giới, theo một báo cáo công bố tuần trước của công ty nghiên cứu kinh doanh McKinsey. Một công ty khác là Bain & Company thậm chí còn ước tính, Trung Quốc tiêu thụ tới 1/4 lượng hàng hiệu toàn cầu.
Tốc độ tăng trưởng doanh số hàng hiệu trong năm 2012 đã bị kìm hãm bởi sự phát triển chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như chương trình tăng cường chống tham nhũng tại nước này, theo đó, tình trạng biếu xén, quà cáp trong giới chức và doanh nghiệp sẽ bị “soi” kỹ. Mặc dù vậy, các thương hiệu xa xỉ toàn cầu vẫn nhìn thấy rất nhiều tiềm năng trong dài hạn tại nền kinh tế số hai thế giới, và họ đang nhanh chóng chuyển hướng sang tầng lớp người giàu Trung Quốc trong bối cảnh châu Âu vật vã với cuộc khủng hoảng nợ, kinh tế Mỹ tăng trưởng uể oải còn kinh tế Nhật thì chưa hồi phục đà tăng trưởng.
Hồi tháng 7/2012, thương hiệu thời trang xa xỉ của Pháp, Louis Vuitton đã mở “China Maison” đầu tiên ở Trung Quốc. Đó là một siêu thị 4 tầng bán đồ trang sức, quần áo và các phụ kiện cao cấp khác tại trung tâm Thượng Hải, một “LV Maison” lớn nhất thế giới.
Tháng 11/2012, hãng túi danh tiếng của Mỹ, Coach bắt đầu giới thiệu phiên bản tiếng Trung của cửa hàng trực tuyến nhằm “lướt sóng” cùng phong trào mua sắm online của người Trung Quốc. Trong khi đó, PRR - chủ nhân của các thương hiệu như Gucci, Yves Saint Laurent - vào tháng 12/2012 cũng thông báo đã mua được cổ phần đa số tại hãng đồ trang sức xa xỉ Qeelin của Trung Quốc.
Việc giảm doanh số hàng hiệu nội địa trong năm nay đã dẫn đến những cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng vũ bão của ngành hàng này trong các năm trước không còn bền vững nữa, khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và thị trường bắt đầu bão hòa.
Tuy vậy, theo báo cáo của McKinsey, số hộ gia đình Trung Quốc có thu nhập sau thuế từ 16.000-34.000 USD/tháng được dự báo sẽ tăng gấp 12 lần chỉ trong một thập niên, từ mức chưa đầy 14 triệu hộ trong năm 2010 lên 167 triệu hộ vào năm 2020. Vì vậy, “vẫn còn rất nhiều không gian để lạc quan vì nền tảng của sự giàu có vẫn còn nguyên”, Claudia D’Arpizio, đại diện Bain & Company nhận định.
Và nhờ “khẩu vị” rất đa dạng của người tiêu dùng Trung Quốc, thị trường này gần như chắc chắn sẽ trở nên đa sắc thái hơn. Kevin Liu, một giám đốc marketing 25 tuổi ở Bắc Kinh cho biết, anh chỉ mua những sản phẩm đắt vừa phải cho bản thân, còn khi dự đám cưới của bạn thân thì những món đồ như ví Gucci sẽ là lựa chọn. “Tôi coi đó là một khoản chi hợp lý”, Kevin nói.
Thu Hằng