Hàn Quốc tìm cách tăng thợ, giảm thầy

Song A-Hyun từng rất tự tin với con đường mình đã vạch ra cho bản thân: tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu trong nước, kiếm được việc làm béo bở ở một công ty hàng đầu và công danh sự nghiệp rộng mở.


 

Một sinh viên đọc bảng thông báo tuyển dụng dán tại một trường đại học ở Xơun. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Nhưng giấc mơ của cô sinh viên 23 tuổi sắp tốt nghiệp đã nhanh chóng lụi tàn. Suốt cả năm 2011, cô đã gửi hơn 40 đơn xin việc và lần nào cũng bị từ chối. Bằng cử nhân của trường Ewha danh tiếng, điểm bình quân cao ngất ngưởng, kinh nghiệm một năm làm sinh viên trao đổi ở Hồng Công (Trung Quốc), tiếng Anh trơn tru, kinh nghiệm làm thực tập sinh vẫn là chưa đủ với các nhà tuyển dụng.


Song nói với phóng viên AFP: “Ai cũng điểm cao, nói tiếng Anh giỏi và có kinh nghiệm thực tập nên đơn xin việc của tôi chẳng có gì đặc biệt. Tôi đã nỗ lực hết sức để đạt được những điều này. Nhưng vấn đề là có quá nhiều người giống tôi và quá ít công việc dành cho chúng tôi”.


Song là một trong số ngày càng nhiều sinh viên Hàn Quốc phải đối mặt với tương lai nghề nghiệp ảm đạm trong bối cảnh nước này có quá nhiều người tốt nghiệp đại học giữa lúc nền kinh tế chững lại sau nhiều thập kỷ phát triển nhanh.


Giáo dục chính là một trong những động lực giúp Hàn Quốc cất cánh từ giai đoạn nghèo đói sau chiến tranh, hòa nhập vào công xưởng kinh tế toàn cầu. Học sinh Hàn Quốc trải qua những năm tháng tuổi thơ căng thẳng với chuyện học hành để chen chân bằng được vào một trong những trường cao đẳng, đại học danh giá. Đây được coi là điều quan trọng đối với tương lai, vị thế xã hội, thậm chí là cả việc lập gia đình của người Hàn Quốc.


Nhưng khi ngày càng có nhiều sinh viên mới tốt nghiệp không kiếm được việc làm, chính phủ đã thực hiện một chiến dịch khuyến khích giới trẻ bỏ qua trường đại học, cao đẳng, kêu gọi các doanh nghiệp thuê học sinh mới tốt nghiệp trung học.


Năm 2011, 72% học sinh Hàn Quốc tốt nghiệp phổ thông trung học vào đại học hoặc cao đẳng, thấp hơn so với tỷ lệ kỷ lục 83,8% năm 2008 nhưng vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới. Nhưng những công việc đáng mơ ước đang ít dần mà thanh niên lại cứ xa lánh những công ty vừa và nhỏ trả lương thấp.


Tổng thống Lee Myung-bak đã liên tục kêu gọi sinh viên mới tốt nghiệp hạ thấp tiêu chuẩn của họ, tìm việc làm ở những công ty ít danh tiếng. Ông cũng đã thông qua nhiều chương trình hỗ trợ các trường đào tạo nghề cho thanh niên. Đầu năm 2012, ông Lee Myung-bak có nhận định rằng “lạm phát giáo dục” quá đà đang gây cho Hàn Quốc quá nhiều vấn đề về mặt xã hội và kinh tế. Ông thậm chí còn đề xuất lập một hạn ngạch buộc các cơ quan của chính phủ phải tuyển dụng học sinh tốt nghiệp trung học. Đây được coi là một biện pháp khuyến khích thanh niên tìm việc ngay sau khi học xong chương trình phổ thông, thay vì vào đại học mà không có mục tiêu rõ ràng.


Tỷ lệ thất nghiệp chung ở Hàn Quốc chỉ khoảng 3%, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người ở độ tuổi 25 - 29 cao gấp đôi mức này. Trong quý II/2012, sinh viên tốt nghiệp không có việc làm ước vào khoảng 373.000 người. Năm 2011, ngay cả trường Đại học quốc gia Seoul cũng có gần 30% sinh viên có bằng tiến sĩ thất nghiệp, trong khi con số này cách đây 2 năm là 15%.


Nhiều doanh nghiệp lớn đã hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ khi tuyển dụng hoặc hứa tuyển dụng nhiều học sinh tốt nghiệp trung học và cho họ cơ hội thăng tiến lên những vị trí cao hơn.


Tập đoàn Samsung năm 2012 đã tuyển khoảng 700 học sinh tốt nghiệp trung học làm các công việc văn phòng - một điều hiếm thấy ở tập đoàn này. Còn SK Group đã cam kết sẽ tuyển 2.100 nhân viên có trình độ trung học. Những tên tuổi khác như LG và Hyundai cũng có kế hoạch tuyển dụng học sinh tốt nghiệp trung học nhiều hơn những năm trước.


Ông Kim Hi-Sam, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc, nhận định: “Nhiều người có bằng cấp cao là điều tốt. Nhung ở Hàn Quốc, những người như thế quá nhiều so với số lượng công việc phù hợp với họ. Những tập đoàn khổng lồ như Samsung, LG hay Hyundai chỉ chiếm 10% thị trường việc làm. Nhưng khi hỏi bất kỳ sinh viên nào, họ đều nói rằng họ xứng đáng được làm trong những tập đoàn đỉnh này và không muốn làm ở nơi nào thấp hơn”.


Bộ Lao động Hàn Quốc đã cảnh báo về tình trạng thiếu 500.000 việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng đến năm 2020, trong khi có tới 320.000 việc làm cho học sinh tốt nghiệp trung học.


Chính phủ Hàn Quốc đang kêu gọi nỗ lực nhiều hơn nữa để lôi kéo người trẻ gia nhập thị trường việc làm sớm nhằm giảm số trường đại học và xóa bỏ phân biệt đối xử trong lương bổng, thăng tiến đối với học sinh tốt nghiệp trung học.


Nhưng đến giờ, những sinh viên tốt nghiệp như Song vẫn đang tuyệt vọng tìm việc. Cô tâm sự: “Nếu có con, tôi sẽ không bao giờ ép chúng học đại học như bố mẹ tôi. Tôi sẽ bảo chúng đầu tiên hãy tìm cho mình một niềm đam mê thực sự thay vì đi theo con đường của số đông”.


Song tỏ ra bi quan: “Nhưng kết hôn và sinh con lúc này có vẻ vẫn là một điều xa xỉ, chừng nào mà tôi còn chưa có việc làm”.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN