Cắp sách đến trường là cách duy nhất giúp những trẻ em nghèo ở Bănglađét thực hiện ước mơ có cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.
Trẻ em trong một lớp học miễn phí ở Bănglađét. |
Với ý nghĩa đó, Quỹ tài trợ Subornogram, một tổ chức phát triển ở nước này, đã hợp tác với chính phủ cung cấp các chương trình giáo dục miễn phí cho những trẻ em thuộc những gia đình nghèo và là nạn nhân của nạn phân biệt đối xử ở nước này.
Quỹ tài trợ Subornogram đã mở một số trường học ở những khu vực dân cư nghèo khó ở gần Đắcca vào năm 2003 để dạy những kiến thức toán và các kỹ năng đọc viết, cũng như các lớp tiếng Anh cơ bản.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã, ông Shahed Kayes, người sáng lập và là chủ tịch Quỹ Subornogram cho biết, nhiệm vụ của quỹ là làm thay đổi cuộc sống cho những trẻ em nghèo bằng cách dạy các em biết đọc biết viết.
Kayes cho biết, dự án đầu tiên mà họ thực hiện là việc triển khai chương trình dạy chữ cho trẻ em làng Subornogram nằm ở khu vực miền trung Narayanganj, cách thủ đô Đắcca 17 km. Chương trình này ra đời sau khi ông nhận được bằng kỹ sư của trường khoa học và công nghệ hàng đầu của Bănglađét.
Theo Kayes, quỹ này hiện đang quản lý 7 trường miễn học phí dành cho nhóm trẻ em thiệt thòi và 2 trường thu phí dành cho học sinh thuộc tầng lớp giàu có. Nguồn thu từ các trường thu phí được sử dụng để “nuôi” các trường miễn học phí.
Ông Kayes cho biết: “Chúng tôi đang theo đuổi một giấc mơ, giấc mơ về một đất nước tươi đẹp và phồn thịnh, ở đó mọi người sẽ hạnh phúc. Chúng tôi đang làm việc tích cực để biến giấc mơ đó thành hiện thực”.
Năm 2006, Kayes phát hiện ra rằng, con em của những người Di gan, ngư dân và thợ sửa giày ở Bănglađét thường không biết chữ bởi bố mẹ các em không đủ khả năng cho con tới trường.
Do nghèo túng và bị phân biệt đối xử, trẻ em thuộc tầng lớp thấp trong xã hội cũng không ham muốn chuyện học hành. Ông Kayes cho biết: “Trẻ em nghèo tới lớp thường bị bọn trẻ ở những gia đình khá giả tẩy chay. Vì thế, bản thân chúng cũng không thích đi học”.
Kayes cũng cho rằng các bậc phụ huynh thiếu quan tâm trong việc định hướng cho con cái học tập đúng cách. Họ cũng không nhận thấy rõ tầm quan trọng của giáo dục và chưa quan tâm đến việc con cái của họ lớn lên mà không biết đọc biết viết. Đối với Kayes, trẻ em không được đến trường thực chất là “trường không đến được với các em”, một khái niệm mới trong giáo dục của Quỹ Subornogram.
Chính từ nhận thức này, Quỹ Subornogram đã xây một ngôi trường nổi ở khu vực cộng đồng người Di gan, một ngôi trường ở khu ổ chuột của những người đánh giày và một ngôi trường ở ngôi làng chài để tạo cơ hội cho trẻ em nghèo được đến trường.
Chia sẻ về công việc của mình, ông Kayes cho biết: “Làm việc được một thời gian, tôi bắt đầu được biết những câu chuyện như con gái gia đình đánh giày hay con trai gia đình ngư dân nuôi mơ ước trở thành bác sĩ, nhà báo hoặc giáo sư. Tôi cảm thấy thật tuyệt vời, bởi công việc nhỏ bé của chúng tôi đã góp phần thay đổi cuộc sống của các em”.
L.H (theo THX)