Từ vật liệu thô sơ…
Nhắc đến việc tái sử dụng chai nhựa cũ, ít ai ngờ chúng lại có thể được dùng để làm điều hòa. Tuy nhiên, đó là điều mà người nghèo ở Bangladesh đang thực hiện để làm mát trong ngày hè.
Chai nhựa bỏ đi đã được trưng dụng làm điều hòa thân thiện với môi trường có tên
Eco-Cooler tại các vùng quê ở Bangladesh - nơi người dân phải chống chịu với cái nóng hầm hập trong các căn nhà nhỏ ngột ngạt mà không có điện.
Điều hòa làm từ chai nhựa đã đem lại niềm vui cho người dân Bangladesh trong mùa hè nóng nực |
Việc chế tạo Eco-Cooler khá đơn giản. Bạn chỉ cần cắt đôi chai nhựa và gắn phần trên của chai vào một tấm bìa các tông to bản. Tấm bìa càng được gắn nhiều chai nhựa thì công suất làm mát sẽ càng cao. Sau đó, bạn lắp tấm bìa lên cửa sổ với phần cổ chai hướng vào trong nhà.
Cơ chế làm mát của Eco-Cooler bắt nguồn từ nguyên lý khi không khí nóng từ phần thân chai thoát ra cổ chai kích thước hẹp hơn sẽ chịu áp lực và trở thành khí mát. Có thể giải thích điều này bằng thử nghiệm đơn giản là khi hà hơi vào tay, bạn sẽ cảm nhận thấy hơi ấm nhưng nếu bạn chu môi và thổi ra thì đó lại là luồng khí mát.
Tính đến tháng 2/2016, đã có hơn 25.000 gia đình tại Bangladesh lắp điều hòa làm từ chai nhựa không cần điện. Eco-Cooler giúp nhiệt độ trong phòng thấp hơn 5oC so với ngoài trời. Điều này thực sự giúp người dân Bangladesh dễ thở hơn vào mùa hè khi họ phải đối mặt với nắng nóng có thể lên tới 45oC.
… đến vật liệu khoa học
Eco-Cooler chỉ áp dụng cho các ngôi nhà nhỏ, thấp tầng, còn giải pháp chống nóng tiết kiệm cho các tòa nhà cao tầng thì sao?
Các chuyên gia cho biết một vật liệu siêu mỏng mới có thể giúp nhiều tòa nhà cao tầng “hạ hỏa” trong thời tiết nóng bức mà không cần điện.
Vật liệu mới này đóng vai trò như tấm gương “đẩy” ngược ánh sáng ra ngoài. Đây là giải pháp hữu hiệu để giảm nhiệt mà không tiêu thụ nhiều điện. Nếu lắp điều hòa thông thường, chỉ riêng điện cho điều hòa đã chiếm 15% lượng điện tiêu thụ của các tòa nhà ở Mỹ.
Vật liệu mới đóng vai trò như tấm gương che chở các tòa nhà và phản chiếu ánh nắng |
Vật liệu siêu mỏng nói trên do tiến sĩ Aaswath Raman thuộc Đại học Stanford cùng các đồng nghiệp chế tạo ra. Loại vật liệu mới làm mát cho các tòa nhà chỉ dày 1,8 micron.
Mảnh hơn rất nhiều so với một sợi tóc vốn có độ dày khoảng 100 micron. Vật liệu này được làm từ 4 lớp silica và 3 lớp hafnium dioxide trên một lớp bạc mỏng 200 nanomet.
Vật liệu này sẽ “đẩy” 97% ánh nắng mặt trời ra ngoài do vậy giúp công trình được che chở không bị thiêu đốt.
Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên lý hoạt động của vật liệu này là đẩy tia hồng ngoại ra khỏi các tòa nhà. Điểm đặc biệt là những tia hồng ngoại này bị đẩy bật ra bầu khí quyển với tần số không thể khiến không khí nóng hơn.
Năm 2014, các nhà khoa học đã thử nghiệm loại vật liệu làm mát này trong một ngày quang mây ở Stanford, California (Mỹ) và phát hiện ra rằng ngay cả dưới ánh nắng gay gắt chiếu trực tiếp, loại vật liệu mới có thể tạo ra mức chênh lệch 5oC so với nhiệt độ thực ngoài trời.
Giá thành của vật liệu này không quá đắt so với hệ thống điều hòa trên tầng thượng của các tòa nhà chọc trời hiện nay. Tại thời điểm này, các nhà khoa học đang cải tiến để vật liệu mới có thể đạt kích thước lớn hơn, phù hợp với các tòa nhà đồ sộ.