Diễn ra trong bối cảnh hầu hết các nước thành viên đang phải tiến hành các chính sách thắt chặt chi tiêu do khủng hoảng nợ công gây ra, Hội nghị thượng đỉnh không chính thức Liên minh châu Âu (EU) tại Brúcxen (Bỉ) ngày 22 - 23/11 được dự báo có nguy cơ không đạt được thỏa thuận cuối cùng về ngân sách cho giai đoạn 2014 - 2020.
Các nhà lãnh đạo châu Âu dự Hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU ngày 22-23/11. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã đề xuất dự thảo ngân sách trị giá 950 tỷ euro, giảm 80 tỷ euro so với đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC). Theo đó, phần cắt giảm sẽ liên quan đến hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt với chính sách nông nghiệp chung của EU.
Giới phân tích cho rằng, các nhà lãnh đạo EU sẽ gặp không ít khó khăn và mất rất nhiều thời gian trong các cuộc thảo luận nhằm đạt được một sự đồng thuận dung hòa lợi ích của cả 27 quốc gia thành viên về kế hoạch nói trên.
Đức hiện ủng hộ việc cắt giảm ngân sách EU theo từng giai đoạn, trong khi Pháp khẳng định ngân sách EU vẫn phải dành ưu tiên cho tăng trưởng và duy trì chính sách nông nghiệp chung. Việc duy trì hoặc tăng ngân sách chỉ được Hy Lạp, EC và Nghị viện châu Âu (EP) quan tâm. Còn một số nước khác, do Anh đứng đầu, dọa sẽ dùng quyền phủ quyết nếu hội nghị không đáp ứng yêu cầu của Luân Đôn cắt giảm mạnh mẽ ngân sách 7 năm tới và đặt ra chương trình "thắt lưng buộc bụng" của cả EU trong thời điểm cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ lan rộng. Một số nước như Pháp, Tây Ban Nha phản đối việc cắt giảm chi tiêu trong khu vực nông nghiệp, thậm chí một số nước nghèo hơn ở Trung và Đông Âu phản đối việc cắt giảm chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng. Italia cho rằng họ là một trong những nước có mức đóng góp lớn cho ngân sách EU nhưng lại nhận được rất ít từ kho tài chính chung này, trong khi Tây Ban Nha lại nhận được trợ giúp nhiều hơn những gì nước này đóng góp.
Eurozone trước "cơn sóng dữ"
Những khó khăn về kinh tế trong nước của các quốc gia thành viên được coi là nguyên nhân chính dẫn đến những bất đồng về ngân sách của Khu vực đồng euro (Eurozone). Các số liệu kinh tế quý III/2012 vừa công bố cho thấy, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã suýt “cuốn” Pháp vào suy thoái và kéo Đức giảm tốc đáng kể. Một khi không thể "vững tay chèo", hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu không thể "lái" cả con tàu Eurozone ra khỏi vòng xoáy suy thoái.
Ngoài Đức và Pháp, kinh tế nhiều thành viên khác trong Eurozone cũng giảm tốc. Trong quý III/2012, các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để cân bằng tài chính công và giảm nợ đã khiến cho kinh tế Tây Ban Nha và Italia giảm tương ứng là 0,3% và 0,2%, kinh tế Áo giảm 0,1% và Hà Lan giảm 1,1% - mức giảm mạnh nhất trong Eurozone. Hy Lạp, nước chìm trong suy thoái kinh tế suốt 5 năm qua, giảm 7,2% trong quý III/2012 so với cùng kỳ năm trước, và dự báo sẽ giảm 4,5% trong năm 2013. Nợ công của Hy Lạp hiện lên tới 190% GDP và tỷ lệ thất nghiệp trên 25%.
Kết quả của tình trạng "lực bất tòng tâm" là kinh tế Eurozone gồm 17 thành viên đã rơi trở lại suy thoái trong quý III/2012. Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) vừa cho hay kinh tế Eurozone giảm 0,1% trong quý III/2012 và 0,2% trong quý II/2012. Đây là lần thứ hai Eurozone chính thức rơi vào suy thoái kể từ năm 2009. So với quý III/2011, kinh tế Eurozone trong quý III/2012 giảm 0,6%, trong khi EU giảm 0,4%.
Các số liệu thống kê mới đây cho thấy, Eurozone không những chưa thể thoát khỏi vòng xoáy suy thoái mà tình hình thậm chí còn có thể xấu đi trong thời gian tới. EC dự báo Eurozone sẽ giảm 0,4% trong năm 2012 trước khi tăng trưởng nhẹ 0,1% năm 2013 và phải tới năm 2014 mới phục hồi với mức tăng khoảng 1,4%.
Hồng Hạnh (tổng hợp)