Đế quốc của người chết ở Paris

Dưới những con phố của Paris – kinh đô ánh sáng của nước Pháp – là một thế giới bị bao phủ trong bóng tối và im lặng. Những đường hầm nhỏ hẹp, trần thấp và đâu cũng thấy cái chết.

 

 

Xương người, sọ người chất đống.

 

Sọ người và xương người xếp dọc các bức tường tạo thành một cảnh tượng hãi hùng. Đó chính là đế quốc của người chết – khu hầm mộ của Paris.


Một số người Paris bị một lực hấp dẫn nào đó kéo xuống đế quốc bí ẩn này, để phiêu lưu, để khám phá và thậm chí để thư giãn. Họ được gọi là cataphile và các hầm mộ chính là sân chơi của họ.

 

Đó là một nhóm tối mật. Chỉ những người dám tự mình lang thang dưới đó mới biết các lối vào khu hầm mộ, tất nhiên là vào một cách bất hợp pháp. Xâm nhập các khu vực hầm mộ không có phép bị coi là phạm pháp. Cảnh sát được giao nhiệm vụ tuần tra các đường hầm và bắt các cataphile nộp phạt tới 73 USD cho mỗi lần vi phạm.

 

Đối với những nhà thám hiểm như Loic Antoine-Gambeaud và bạn bè, bị cảnh sát tóm và bắt nộp phạt là rủi ro mà họ sẵn sàng chấp nhận để được khám phá. Antoine-Gambeaud nói: “Mọi người đều biết có gì đó dưới lòng Paris, có điều gì đó rất bí ẩn. Nhưng không nhiều người biết dù chỉ một chút ít về thế giới ngầm ở đây”.

 

Với những người muốn khám phá mà không muốn bị cảnh sát bắt, họ có thể xuống đường hầm theo lối vào dành cho khách du lịch ở quảng trường Place Denfert-Rochereau. Một du khách nói: “Tôi cho rằng mọi người đều tò mò về cái chết. Bạn sẽ có cảm giác lạ khi nhìn thấy toàn xương người chất đống. Cảm giác vừa điên rồ vừa phấn khích”.

 

 

Ánh sáng le lói trong đường hầm của người chết.

 

Tuy nhiên, khám phá lịch sử Paris theo kiểu xếp hàng có trật tự như vậy không phải là cách của các cataphile. Dưới lòng đất cũng có những tấm biển chỉ tên đường phù hợp với tên đường bên trên và nhờ đó các cataphile có thể xác định phương hướng. Họ chỉ trang bị một chiếc đèn đội đầu, bản đồ tự vẽ để khám phá các đường hầm, các căn phòng cổ xưa, thậm chí ở lại dưới lòng đất nhiều ngày liền. Họ mở tiệc, uống rượu hay chỉ nghỉ ngơi trong cái yên lặng mà không nơi nào có được.

 

Các hầm mộ là “sản phẩm phụ” trong quá trình phát triển trước kia của Paris. Người ta đã đào sâu xuống dưới đất để lấy đá vôi xây Paris trên mặt đất. Tuy nhiên, các mỏ đá ngầm lại khiến nền đất Paris không vững chãi, nhiều con phố đã bị sập và chôn vùi trong lòng đất.

 

Người ta đã sửa chữa và gia cố các hầm này và đến tận ngày nay, các đường hầm và mỏ đá vẫn được giám sát vì lý do an toàn. Các mỏ đá đã chứng kiến nhiều cuộc chuyển mình trong lịch sử Paris. Trong suốt thời gian đó, có lúc nó trở thành nơi ẩn náu cho quân cách mạng, có lúc nó lại là trang trại trồng nấm.

 

Vào thế kỷ thứ 18, khu hầm mộ này được coi là đế quốc của người chết. Người chết ở Paris thường được chôn trong nghĩa trang và ở nhà thờ trong thành phố. Số người chết ngày càng tăng mà đất đai lại chật hẹp.

 

Do đó, từ những năm 1780, hài cốt người chết bị chuyển vào các khu mỏ đá này. Các đường hầm ngày nay có hài cốt của hơn 6 triệu người.

 

Hài cốt từ nghĩa trang này được chuyển về các mỏ đá.

Đối với các cataphile, cuộc sống giữa nơi ở của người chết lại gợi mở những điều mới mẻ cho họ. Antoine-Gambeaud nói: “Nó như một thay đổi trong cuộc sống. Bạn không phải giao tiếp xã hội với con người như khi bạn ở trên mặt đất. Bạn tự do sống theo cách mình thích”.

 

 

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN