Mỗi năm ngành công nghiệp làm đồ da toàn cầu “giết hại” hơn 1 tỷ động vật. Trong khi rất nhiều người tin rằng da thuộc làm sản phẩm chỉ được lấy từ các loại động vật cho phép như bò, cừu, lợn thì sau công bố điều tra mới đây của Hiệp hội Bảo vệ Động vật (PETA), nhiều người ngỡ ngàng trước thực trạng lấy da từ vật nuôi trong nhà như chó, mèo.
Khi người tiêu dùng Mỹ mua sắm các sản phẩm da, có lẽ họ chưa từng hề nghĩ những chiếc thắt lưng mới, những chiếc túi đôi giày da sáng loáng... được lấy từ “bộ áo” của chó mèo. Phần lớn sản phẩm da chó, da mèo bắt nguồn từ Trung Quốc được xuất khẩu đến nhiều nơi tiêu thụ trên thế giới, trong đó chủ yếu là thị trường Mỹ. Được biết đến là quốc gia xuất khẩu da giá rẻ, các nhà sản xuất Trung Quốc đều cung cấp các sản phẩm dưới mác da cừu.
Ngành thương mại da chó gắn liền với thị trường thịt chó ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc hội, trong năm 2014, Mỹ nhập 8,5 tỉ USD các sản phẩm da từ phía Trung Quốc tuy nhiên trong số đó vẫn chưa xác định được số lượng da lấy từ chó mèo. Việc phân biệt da chó, mèo với da cừu, da bò quả thật là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, đối với nhiều nhà nhập khẩu. Không kiểm tra kỹ lưỡng thì nhiều người sẽ rất dễ bị “lừa” vì thực tế sau khi được xử lí và ngâm hóa chất, da của các loại động vật trông giống như nhau.
Nếu như không được kiểm nghiệm qua các công đoạn kiểm tra ADN thì gần như không thể xác định da đó lấy từ loại động vật gì.
Bê bối các cơ sở chui ở Trung Quốc giết hại chó để lấy da bị phát hiện năm 2014 đã khiến dư luận Mỹ nói chung và toàn thế giới nói chung phẫn nộ. Trong báo cáo vụ điều tra trên, nhân viên tại các lò mổ chó chui cho biết trong một ngày có từ 100 đến 200 con chó bị giết hại để lấy da xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tổ chức PETA còn ghi lại những cảnh quay giết chó mèo bằng cách dùng dùi cui đánh đập dã man. Theo PETA, Trung Quốc vẫn là một quốc gia không có bất kì bộ luật nào bảo vệ động vật toàn diện, cũng như những tổ chức, các nhà hoạt động vì động vật cũng không có nhiều và chưa tích cực nên vấn nạn giết chó mèo lấy thịt, lấy da vẫn hoành hành ở đất nước hơn tỷ dân này.
Bê bối này đã khiến người tiêu dùng Mỹ không còn mải mê sử dụng và mua dùng các loại sản phẩm da thuộc. Mỹ cũng đã cấm nhập khẩu các sản phẩm lông, da từ chó mèo và theo Đạo luật bảo vệ chó mèo năm 2000, Mỹ quy định sẽ xử phạt 10.000 USD các cá nhân, tập thể nào giết hại vật nuôi trong nhà.
Tháng 12/2015, nghị sĩ đảng Dân chủ Alcee Hastings cùng với các đồng nghiệp của ông là Dina Titus và Steve Cohen đã gửi một bức thư lên Ủy viên điều hành của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) R Gil Kerlikowske, kiến nghị nên siết chặt luật nhập khẩu da để chiến đấu với nạn giết chó mèo lấy da. Trong bức thư có đoạn viết: “Đối với người Mỹ, chó là loại động vật nuôi trong nhà được yêu quý và tôn trọng như một thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, người Mỹ không muốn người bạn bốn chân của mình xuất hiện cùng một đôi găng tay làm từ da đồng loại”.
Peter Li - giáo sư công tác trong khoa chính trị Đông Á thuộc trường đại học Houston cho biết: “Da và lông chó là loại sản phẩm đi kèm với ngành buôn bán thịt chó, chỉ khi nào văn hóa ăn thịt chó bị cấm ở Trung Quốc thì những sản phẩm da và lông mới bị hạn chế”.
Bên cạnh đó, Mỹ hi vọng sẽ tận dụng các thỏa thuận thương mại của Hiệp hội Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) - mà Trung Quốc không phải là thành viên, để gây ảnh hưởng và triệt tiêu được loại hình buôn lậu này. Hơn ai hết, Mỹ mong rằng những hành động này có thể trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho Trung Quốc nói riêng và các quốc gia khác nói chung.