Đối với Apple, ngày 12/9 là một ngày trọng đại với sự kiện ra mắt điện thoại iPhone 5. Nhưng đằng sau chiếc điện thoại hào nhoáng này là những điều không mấy đẹp tại nhà máy Foxconn ở Trung Quốc – nơi sản xuất 57 triệu chiếc iPhone mỗi năm.
Công nhân lắp ráp iPad và iPhone 5. Ảnh chụp đầu năm 2012. Ảnh: Internet |
Không có nhiều khuôn mặt tươi cười. Mà tươi cười sao được khi công nhân nhà máy này phải chạy theo một dây chuyền sản xuất với ca kíp kéo dài suốt đêm, trong khi đốc công lúc nào cũng giục công nhân làm tích cực hơn.
Tờ Bưu điện buổi chiều Thượng Hải của Trung Quốc đã cử phóng viên thâm nhập ngầm vào nhà máy Foxconn nằm ở quận Tai Yuan để tìm hiểu tình hình sản xuất ở đây. Phóng viên này được đào tạo trong 7 ngày trước khi làm việc 3 ngày ở bộ phận lắp ráp phần vỏ sau cho iPhone 5.
Nhà báo giấu danh tính này đã ghi lại nhật ký làm việc 10 ngày của mình như sau:
“Tôi đã liên lạc với người phụ trách nhân sự chịu trách nhiệm tuyển dụng nhân viên và tôi được người này cho biết rằng tôi có thể làm việc ở Foxconn miễn là tôi khỏe mạnh và có chứng minh thư.
Khi tôi đứng trước cửa ra vào của nhà máy, một nhân viên an ninh Foxconn gợi ý tôi đưa cho anh ta khoảng 100 đến 200 nhân dân tệ và anh ta có thể chỉ tôi cách vào Foxconn nhanh hơn. Nhưng tôi phớt lờ.
Tôi được đề nghị điền vào một tờ khai về tình trạng tâm thần. Có khoảng 30 câu hỏi dạng có/không về sức khỏe tinh thân của tôi trong 30 ngày qua.
Sau khi trả lời toàn bộ câu hỏi, tôi và các công nhân khác đi xe buýt vào nhà máy Foxconn.
Đêm đầu tiên ngủ tại ký túc xá Foxconn là một cơn ác mộng. Cả khu ký túc xá bốc mùi hôi thối của rác khi tôi bước vào. Mùi rác để qua đêm trộn với mùi mồ hôi bẩn thỉu. Bên ngoài phòng nào cũng có rác chưa dọn.
Khi tôi mở tủ, cơ man nào là gián bò lổn nhổn bên trong. Ga trải giường phát cho công nhân mới vào làm toàn bụi bẩn.
Khi có ai đó hỏi về vấn đề tự tử, nhân viên quản lý không lảng tránh nhưng không thích bàn về chủ đề đó.
Trong lúc bàn tán, có người nói rằng môi trường sống tồi tệ chắc chắn sẽ làm cho nhiều người tự tử hơn.
Tôi cũng để ý thấy rằng mọi cửa sổ trong ký túc xá đều có song sắt.
Sau khi tập huấn, chúng tôi sẽ được đưa đi làm ngay nhưng lúc đó đêm đã khuya rồi. Chúng tôi chỉ được nghỉ ban ngày.
Hậu quả là tôi bị sốt và đau đầu khủng khiếp từ khi chưa bắt đầu công việc. Tôi đề nghị đến phòng khám của nhà máy nhưng chỉ có một bác sĩ trực trong khi có tới 4 đến 5 bệnh nhân. Khi tôi hỏi cô y tá về hoàn lại phí khám bệnh, cô ta bảo tôi đi mà hỏi ông chủ.
Chúng tôi đã lên đến lỗi vào khu sản xuất với một tấm biển đề “Khu vực an ninh tuyệt đối”.
Chúng tôi được cho biết rằng nếu ai đó ra vào cửa mà bị phát hiện mang bất kỳ vật kim loại nào trên người đều bị sa thải ngay lập tức. Có người bị sa thải vì mang một dây nối USB.
Khi tôi vào khu vực sản xuất, tôi nghe thấy âm thanh ầm ĩ của động cơ máy móc và mùi nhựa nồng nặc.
Quản lý cảnh báo chúng tôi rằng khi ngồi xuống, chỉ làm những gì được yêu cầu.
Quản lý đưa cho chúng tôi xem vỏ mặt sau của iPhone 5 và nói về nhiệm vụ. Chúng tôi phải bọc băng dính và dùng nút nhựa để che lỗ cắm tai nghe và cổng nối ở mặt sau điện thoại để ngăn không cho sơn dính vào trong công đoạn tiếp theo.
Ông ta bảo chúng tôi đeo mặt nạ và găng tay rồi quan sát các công nhân khác làm trước. Lúc 23 giờ, chúng tôi đi ăn đêm và sau nửa đêm lại bắt đầu làm việc.
Tôi được giao nhiệm vụ đánh dấu vỏ sau của iPhone 5 bằng một cái bút dầu. Tôi bị quát nhiều lần vì dùng quá nhiều dầu đánh dấu.
Bạn của tôi thì bị mắng vì dán băng dính quá chậm.
Quản lý cho biết những việc này đáng ra được giao cho nữ công nhân có ngón tay nhỏ làm nhưng do có quá nhiều công nhân bỏ việc gần đây nên họ buộc phải giao cho nam công nhân làm.
Chiếc vỏ sau iPhone 5 xuất hiện trước mặt tôi cứ 3 giây/chiếc. Tôi phải nhặt lên, đánh dấu 4 điểm bằng bút dầu, đặt lại lên dây chuyền đang chạy trong vòng 3 giây không được sai sót.
Sau khi lặp lại công việc này vài giờ, tôi đau cổ và cơ khủng khiếp. Người mới ngồi đối diện tội bị lả đi và nằm xuống một lát.
Quản lý nhìn thấy liền phạt anh ta đứng góc 10 phút như hồi còn đi học.
Chúng tôi làm việc không ngừng nghỉ từ nửa đêm đến tận 6 giờ sáng nhưng vẫn phải làm tiếp vì dây chuyền sản xuất chạy liên tục và không ai được phép ngừng. Tôi đói và mệt lả.
Theo tính toán của tôi, tôi phải đánh dấu 5 vỏ iPhone/phút. Cứ 10 giờ, tôi phải xong 3.000 chiếc. Tổng cộng có 4 dây chuyền trong công đoạn này, 12 công nhân một dây chuyền. Mỗi dây chuyền có thể sản xuất 36.000 vỏ iPhone/nửa ngày.
Cuối cùng tôi cũng được nghỉ lúc 7 giờ sáng dù giờ nghỉ chính thức là 5 giờ sáng. Trong 2 tiếng làm thêm cũng chỉ được trả 4 USD.
Ngày hôm sau, mọi việc lặp lại như ngày đầu. Có người khuyên chúng tôi ngừng làm việc lúc 5 giờ dù cho quản lý có yêu cầu làm thêm vì điều này không vi phạm quy định.
Trong số 36 người mới vào chỉ có 2 người được làm trong phòng giám sát chất lượng và họ được nghỉ 10 phút/2 giờ làm việc, trong khi chúng tôi phải làm liên tục 7 tiếng”.
Thùy Dương