Nằm ở ngoại ô Lima, “bức tường hổ thẹn” - còn được biết đến với tên gọi “bức tường Berlin của Peru” - được chính quyền xây lên với mục đích bảo vệ cộng đồng giàu có khỏi việc bị những hàng xóm nghèo lẻn sang và đe dọa đến họ. Nó dài đến nỗi tạo thành một đường rõ rệt trên bản đồ vệ tinh của khu vực, chia cắt vùng đất Las Casuarinas của những triệu phú với khu ổ chuột Vista Hermosa, nơi số đông người dân sống thiếu thốn ngay cả những đồ dùng cơ bản nhất.
Hai bên bờ tường gạch là hai môi trường sống trái ngược. |
Một tờ báo địa phương mô tả: “Những ngôi nhà gỗ phải dùng nến thắp sáng, những mái nhà xập xệ... tương phản hoàn toàn với những căn biệt thự triệu đô nhìn ra biển, cùng nằm trên một khu vực vài km”. Rất đông người Peru không hài lòng về bức tường này. Họ lên án bức tường như một nỗi xấu hổ của quốc gia Nam Mỹ này. Mới đây, các nhà hoạt động tại Peru đã đăng tải một số đoạn băng và hình ảnh lột trần điều kiện sống trái ngược giữa hai bên bờ tường để thức tỉnh những người nào ủng hộ sự tồn tại của “sự ngăn cách” này. Người dân nghèo ở Vista Hermosa, cùng với sự trợ giúp của các nhóm tình nguyện, đã tô vẽ bờ tường cao gần 4 m trở thành một triển lãm tranh đầy màu sắc, như một phần của chiến dịch nâng cao nhận thức trong cộng đồng về sự chia cách mà bức tường gạch gây ra. Những đứa trẻ chân trần, quần áo lem luốc đã viết dòng chữ “Đất này là của bạn, đất nước này là của tôi, đất nước này là của mọi người”.
Thế nhưng, trong quan điểm của các cư dân Las Casuarinas, họ rất cần bờ tường gắn dây thép gai này để bảo vệ khỏi những nguy cơ phạm tội rình rập. Renzo Alberti, một người sống tại khu vực khá giả bậc nhất đất nước, chia sẻ rằng ông không cảm thấy có sự phân biệt đối xử nào ở đây. “Những bức tường mọc lên ở mọi nơi trong thành phố, đó không phải là phân biệt đối xử khi chúng tôi phân cách ranh giới với các láng giềng lân cận”, Alberti trả lời phóng viên kênh truyền hình Al Jazeera, “... tuy nhiên những người bên kia bờ tường lại không nghĩ vậy”.
Theo các số liệu thống kê chính thức, 30% dân số thủ đô Lima từng là nạn nhân của các vụ phạm pháp. Trước tình hình an ninh ngày càng leo thang, tình trạng các khu dân cư tự bảo vệ mình bằng những lớp rào sắt khóa kín, không còn là hiếm gặp.
Nước cũng xa xỉ
Peru nằm trong nhóm các nước Mỹ Latinh có mức chênh lệch trong thu nhập của người dân cao nhất trên thế giới. Bản báo cáo năm 2014 của tổ chức từ thiện Oxfram cho thấy, 1% người giàu nhất khu vực sở hữu tới 49% tổng tài sản giá trị của khu vực này, trong khi 99% dân số còn lại chỉ sở hữu 51% tài sản. Ngay tại Lima, sự chênh lệch này đã ảnh hưởng rõ rệt tới đời sống của người dân, nước không chảy ra từ vòi của nhà nghèo... mà hàng ngày được các xe bồn chở tới để rao bán theo từng thùng nhỏ. Cô Lydia Sevillano hàng tháng phải bỏ ra 80 sol (tương đương 25 USD) để mua nước cho gia đình sử dụng. Cô thú thực rằng đôi khi phải bớt xén những khoản sinh hoạt khác để mua nước. Khi xe bồn leo tới ngọn đồi thẳng đứng nơi cô sống, giá nước đã tăng gấp ba do phải cộng thêm phí vận chuyển.
Theo ước tính của Oxfam, nghịch lý ở chỗ, muốn sử dụng nước thì hàng ngàn người nghèo ở Lima đã phải trả số tiền cao gấp 10 lần so với những người khá giả. Ngoài ra, việc thiếu nước sạch và chứa nước trong các thùng nhựa không đảm bảo vệ sinh cũng gây ra nhiều loại bệnh cho người dân.