Blogger ẩm thực châu Á kiếm bộn tiền

Tashny Sukumaran, một cô gái 22 tuổi ở Malaixia, gần đây đã phát hiện một món ăn ưa thích mới: Bánh hamburger kẹp thịt lợn, món ăn của phương Tây trước đây cô chưa từng được nếm qua.


 

Một quảng cáo bánh hamburger thịt lợn tại Cuala Lămpơ, Malaixia. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Sukumaran theo đạo Hindu nên không được phép ăn thịt bò. Nhưng đó không phải là lý do chính thôi thúc cô tìm đến món hamburger thịt lợn. Sau một lần tình cờ vào một trang web cá nhân giới thiệu về các món ăn, mà giới trẻ thường gọi là flog (hay blog ẩm thực - ghép của 2 từ tiếng Anh food và blog), cô đã khám phá ra niềm đam mê mới của mình.


“Flog” đang là một trào lưu nở rộ tại Malaixia, nơi Sukumaran có thể tìm được rất nhiều thông tin về nhiều nhà hàng với những món ăn khác nhau. Tại Malaixia, đạo Hồi là tôn giáo chính thức nên báo chí nước này rất rụt rè khi đề cập tới thịt lợn cũng như những món ăn khác mà người Hồi giáo phản đối. Trong một môi trường như vậy, các flog đang góp phần phần đưa người dân Malaixia đến với những món ăn du nhập kiểu như hamburger mà báo chí chính thống ít khi đề cập tới.

 

Tại sao lại châu Á?


Không chỉ Malaixia, flog còn đặc biệt gây háo hức với người dân tại các nước châu Á khác. Ẩm thực đóng một vai trò quan trọng trong nền văn hóa phương Đông, nơi người dân có đam mê lớn với ăn uống và cầu kỳ về khẩu vị. Cũng giống Việt Nam, tại Trung Quốc người ta thường chào nhau bằng câu “Bạn ăn cơm chưa?”. Hơn nữa, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, flog ngày càng trở thành một kênh thông tin mới giúp thực khách tại châu Á trải nghiệm thêm nhiều món ăn ngon và khác lạ.


Bên cạnh đó, flog còn mang lại cho các nhà hàng nhỏ một kênh quảng cáo đầy giá trị trong thời đại Internet. Thang Ngo, một blogger (chủ trang mạng cá nhân) về ẩm thực ở Ôxtrâylia, cho rằng nhà hàng nhỏ thường rất thích các flogger bởi giới phê bình ẩm thực trên báo chí không quan tâm tới quán ăn nhỏ. Các cuộc thảo luận mang tính cá nhân, chẳng hạn về quán ăn này có món mỳ hấp dẫn hoặc nơi khác có món cari đặc biệt, không thu hút giới phê bình ẩm thực chuyên nghiệp nhưng lại lôi kéo được nhiều độc giả Internet.


Janice Tan, người điều hành chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh nổi tiếng Ninja Joe tại Cuala Lămpơ, Malaixia, đã cùng với chồng là Tee Tsun Joo mở cửa hàng đầu tiên của mình vào năm 2009. Hiện họ có 5 cửa hàng và doanh thu đang tăng nhanh. Cả hai vợ chồng luôn khẳng định thành công là nhờ vào các blog, bởi họ không bao giờ chi tiền quảng cáo. Janice Tan chia sẻ: “Chúng tôi không hề mời chào người viết blog mà họ tự tìm đến. Năm ngoái đã có hơn 130 bài bình luận về cửa hàng của chúng tôi”.

 

Nguồn thu mới


Trong khi flog thu hút được nhiều sự chú ý, những người sở hữu chúng đã tìm ra các cách kiếm tiền mới. Anh Brad Lau người Xinhgapo sở hữu trang web ẩm thực www.ladyironchef.com với 1,5 triệu lượt view/tháng, thậm chí bán được cả quảng cáo không liên quan tới ẩm thực.


Lee Khang Yi, biên tập viên mục ẩm thực của tờ The Malay Mail cho biết các flogger ở Malaixia thường kiếm được từ 300 - 1.500 ringgit (tương đương 2,1 - 10,5 triệu đồng) cho mỗi bài bình luận có lợi cho nhà hàng. Một blogger tại Xinhgapo tiết lộ các nhà hàng sẵn sàng trả đến 2.000 đôla Xinhgapo (khoảng 34 triệu đồng) cho một bài bình luận có lợi trên một flog nổi tiếng.


Thu nhập của các flogger châu Á tương đối cao so với những nơi khác. Theo một khảo sát mới đây của trang web ẩm thực www.foodista.com, 75% flogger trên thế giới không hề kiếm được đồng nào từ trang web của họ, và chỉ có 19,5% thu được gần 200 USD (khoảng 4 triệu đồng) mỗi tháng. Trong khi đó có tới 92,8% flogger đang sống ở Mỹ và châu Âu.


Tuy nhiên, sự phát triển của các trang web ẩm thực cũng kéo theo một số hệ quả tiêu cực. Tại Hàn Quốc đã xuất hiện một thuật ngữ “blogger quyền năng” để mô tả những trang web có thể đưa một nhà hàng lên mây xanh hoặc đẩy nó xuống vực thẳm. Tony Hong, diễn viên Hàn Quốc đang sở hữu một vài nhà hàng rất đông khách, tiết lộ có lần một blogger đã đòi tới 120.000 won (tương đương 2,4 triệu đồng) mỗi tháng cho những bài "bốc thơm" và ông đã quyết định ngừng giới thiệu nhà hàng của mình trên trang web này. Ngay sau đó, nhà hàng của ông liên tục nhận được những lời bình luận xấu.


Hà Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN