Bệnh nhân xếp hàng để được đặt vé khám tại bệnh viện Peking Union. Ảnh: Reuters
|
Yu (32 tuổi) kiếm sống dựa vào kinh doanh vé mà các bệnh viện Trung Quốc bán cho bệnh nhân để họ được có tên trong lịch khám với bác sĩ. Những chiếc vé của Yu giúp bệnh nhân được gặp bác sĩ trong vòng 2 ngày, điều này theo như Yu nói thì còn khá khẩm hơn nhiều so với khả năng bệnh nhân xếp hàng mua vé nhưng phải đợi trong nửa tháng mới gặp được bác sĩ.
Yu thường ra giá 850 nhân dân tệ (khoảng 131 USD) cho một vé hẹn “chăm sóc đặc biệt”, gần như gấp 3 lần giá trị thực tế. Yu tâm sự với phóng viên Reuters rằng anh ta giữ 200 NDT cho mỗi lần bán vé, phần lợi nhuận còn lại anh ta sẽ phải cống nạp cho các “tay trong” ở bệnh viện, những người đảm bảo giúp anh ta có vé để kiếm sống.
Yu phân trần: “Những công dân trung lưu của thành phố luôn sẵn sàng trả khoản tiền như vậy thậm chí cao hơn miễn là họ có thể có một lịch hẹn”. Vừa nói anh vừa vội vã trả lời các cuộc điện thoại từ những khách hàng tiềm năng. Ở đằng xa, những tay phe vé khác đang tranh giành khách hàng và hò hét về mức giá của họ.
Những phe vé tại bệnh viện như Yu là phần nhỏ trong những thách thức mà chính phủ Trung Quốc phải đối mặt trong nỗ lực cải tổ dịch vụ chăm sóc sức khỏe công cộng ở nước này. Đại diện của Bệnh viện Peking Union trả lời phỏng vấn Reuters cho biết: “Phe vé tại bệnh viện đúng là cơn đau đầu của chúng tôi. Đã có chiến dịch ngăn chặn họ nhưng đây là vấn đề khó 'chữa trị' ”.
Ngoài ra, nhà chức trách Trung Quốc cũng đang mạnh tay trấn áp tệ nạn phe vé khi từ đầu năm đến nay, chỉ riêng tại Bắc Kinh cảnh sát đã bắt giữ gần 240 phe vé bệnh viện. Yu tâm sự luồn lách trốn cảnh sát đi kiểm tra là một phần không thể thiếu trong công việc hàng ngày của anh ta.
Vậy nhưng khi phóng viên Reuters đến thực tế tại các bệnh viện ở Thượng Hải và Bắc Kinh thì hàng chục tay phe vé vẫn hoạt động công khai, liên tục mời gọi rao bán vé. Một phát ngôn viên của Sở Y tế thành phố Bắc Kinh khẳng định rằng cảnh sát đang đẩy mạnh nỗ lực của họ và sẽ cần thêm thời gian để biết được kết quả thực sự.
Feng Jianqi, một cảnh sát trong chiến dịch trấn áp nạn phe vé tại bệnh viện ở Bắc Kinh khẳng định lực lượng an ninh sẽ không thể giải quyết tình trạng này một cách đơn phương bởi một phần của vấn đề là có rất nhiều bệnh nhân chỉ muốn gặp một bác sĩ nhất định.
Cao Dongxian, một giáo viên trung tuổi người Sơn Đông đã đến Bắc Kinh từ tháng 5 năm ngoái sau khi các bác sĩ địa phương từ chối tiến hành mổ ung thư ruột cho ông với lý do có nhiều rủi ro.
Không ưa gì các phe vé tại bệnh viện, ông Cao đã dành nhiều tháng trời xếp hàng để trải qua hàng loạt cuộc xét nghiệm rồi rồi sau đó bác sĩ cũng kết luận rằng căn bệnh ung thư của ông cần phải phẫu thuật. Cao sau đó nói ông lại tiếp tục xếp hàng lại nhưng lần này là để đăng ký được giường tại bệnh viện.
Ông Cao chia sẻ: “Tôi đã mất hơn 4 tháng dài đằng đẵng xếp hàng. Và trên tất thảy, cơ thể tôi luôn đau nhức, thật sự đau đớn”. Rồi ông Cao nhấn mạnh ông nếu biết trước mọi việc sẽ như vậy thì ông đã đến gặp ngay phe vé bệnh viện.
Giữa lựa chọn xếp hàng và bỏ tiền ra cho phe vé, nhiều bệnh nhân sẽ chấp nhận bỏ hầu bao để được gặp bác sĩ nhanh hơn. Ảnh: Reuters |
Đối với những bệnh nhân như ông Cao hay Zhang Pengyu, một nhà kinh doanh bất động sản 38 tuổi sống tại ngoại ô Bắc Kinh thì việc phe vé tại bệnh viện là không tích cực nhưng đôi khi lại là cần thiết. Ông Pengyu đã chờ đợi mòn mỏi 3 đêm không thành để được gặp bác sĩ tai mũi họng tại bệnh viện Tongren Bắc Kinh. Cuối cùng ông phải đồng ý trả cho phe vé 3.000 nhân dân tệ cho cuộc hẹn 10 phút trên thực tế chỉ tốn 200 nhân dân tệ.
Ông Pengyu cho biết: “Tôi muốn tự mình xếp hàng và không muốn trả nhiều tiền. Nhưng tôi không thể đợi thêm nữa, tôi không có thời gian”.
Nhưng điều đáng lo ngại là các phe vé bệnh viện chỉ là phần nổi của một vấn đề nghiêm trọng hơn đó là tình trạng thiếu bác sĩ trầm trọng và đồng lương cho đội ngũ nhân viên y tế chưa tương xứng.
Điều này được thấy rõ qua lời kể của bác sĩ Bai Chunxue tại bệnh viện Zhongshan rằng, mỗi ngày có khoảng 120.000 bệnh nhân tới bệnh viện nhưng một buổi sáng ông chỉ có thể khám cho 82 người và mỗi lần khám chỉ là trong vài chục phút.
Theo thống kê của WHO vào năm 2014, tỉ lệ tại Trung Quốc hiện là 1,4 bác sĩ/1000 bệnh nhân, điều này được cho là khá khiêm tốn so với tỉ lệ bác sĩ là 2,4 ở Mỹ và 2,8 ở Anh với cùng số lượng bệnh nhân như vậy.