"Bánh mì là một phần bản sắc Đức", ông Karl-Dietmar Plentz, thợ cả xưởng bánh mì ở Schwarte (ngôi làng ven thủ đô Berlin) khẳng định. Tay sục trong túi bột mì, ông say sưa nói về dự án đề nghị UNESCO công nhận sự đa dạng của bánh mì Đức.
Xưởng bánh của gia đình Karl-Dietmar Plentz ra đời cách đây 136 năm, cho ra lò cả thảy 26 loại bánh mì mỗi ngày bằng phương pháp thủ công gia truyền. Thợ làm bánh khéo léo nặn bột thành những chiếc bánh mì có hình dáng khác nhau trước khi đưa vào lò nướng. Bánh mì ở xưởng này có nhiều tên gọi lạ lùng đôi khi thật khó giải thích, chẳng hạn như bánh mì trứng cá tầm. Loại bánh mì này trên thực tế cũng chẳng có gì liên quan đến trứng của loài cá tầm.
Một góc cửa hàng bánh mì của gia đình Karl-Dietmar Plentz ở Schwarte. Ảnh: Internet |
Theo ông Plentz, 46 tuổi, là thế hệ thứ tư nối tiếp nghề làm bánh mì truyền thống của cha ông, bảo vệ sự đa dạng ẩm thực là vô cùng quan trọng. Điều này càng trở nên cấp thiết bởi trong xã hội hiện đại, người Đức ngày càng không mặn mà với bánh mì làm theo phương pháp thủ công. Thêm vào đấy là sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa hệ thống siêu thị, các dây chuyền phân phối bán bánh mì theo kiểu công nghiệp với giá thành rẻ hơn so với những xưởng sản xuất bánh mì thủ công. Đó là chưa kể đến sự dần biến mất của bữa ăn tối theo kiểu truyền thống Đức với bánh mì kèm thịt nguội. Những yếu tố chủ quan và khách quan trên đã góp phần đẩy nhanh tốc độ hủy diệt của nghề làm bánh mì truyền thống ở quốc gia châu Âu này.
Đã có khoảng 500 xưởng bánh mì thủ công buộc phải đóng cửa ở Đức trong năm ngoái. Từ đầu những năm 1990, số lượng các xưởng này đã giảm đi còn một nửa và hiện nay còn chưa đầy 14.000 xưởng. Các xưởng làm bánh mì tại Đức còn phải đối mặt với một khó khăn nữa là thiếu nhân công lành nghề.
Mong được UNESCO công nhận
Rất đỗi tự hào về công nghệ truyền thống đã cho ra đời hàng trăm loại bánh mì trên khắp nước Đức, các thợ làm bánh mì ở quốc gia này mong muốn nghệ thuật làm bánh của họ được tổ chức UNESCO công nhận như một di sản phi vật thể của nhân loại ; tương tự như trường hợp điệu nhảy tănggô của Argentina, nghề dệt thảm ở Iran hay bữa ăn truyền thống kiểu Pháp đã được công nhận. Nghề làm bánh mì truyền thống của Đức có những bí quyết phản ánh bản sắc của từng vùng và được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Theo ông Peter Becker - chủ tịch Liên đoàn thợ làm bánh thủ công của Đức, sự đa dạng của các loại bánh mì ở quốc gia này là một lợi thế để được tổ chức UNESCO công nhận như một di sản văn hóa phi vật thể. "Ở Pháp, có những chiếc bánh mì baguette tuyệt ngon, ở Italy có bánh mì trắng ciabatta (chứa 3 - 5% dầu ô liu) với hương vị rất đặc biệt nhưng có lẽ chỉ có ở Đức mới có nhiều loại bánh mì đến như vậy", ông Becker cho biết.
Hồi tháng 7 vừa qua, Liên đoàn thợ làm bánh thủ công đã tổ chức Ngày bánh mì Đức lần thứ nhất và chỉ định "hai đại sứ bánh mì" để bảo vệ nghề sản xuất bánh mì truyền thống.
Đặc biệt, liên đoàn đã thông báo cho dư luận biết về kế hoạch lập cẩm nang bánh mì, kêu gọi tất cả mọi người thống kê các công thức nổi tiếng làm bánh mì ở quốc gia này. Đây cũng là tiền đề quan trọng để lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận bánh mì Đức là di sản phi vật thể. Hiện đã có khoảng trên 3.000 công thức được đưa vào địa chỉ trang web www.brotregister.de. Những công thức này khác nhau về thành phần ngũ cốc, hình dạng, kích cỡ của bánh mì, các loại men, cách nướng, và các thành phần bổ sung khác như trứng, sữa, rau, hoa quả..., phản ánh sự đa dạng của bánh mì truyền thống Đức.
Nguyên Trang (theo AFP)