Ấn Độ mạnh tay với tư tưởng “trọng nam khinh nữ”

Tới thăm khoa sản của bệnh viện công ở quận Nawanshahr (thuộc bang Punjap, miền bắc Ấn Độ), ta sẽ thấy một cảnh tưởng hiếm thấy: các ông bố, bà mẹ trẻ tuổi đang bế ẵm, nựng nịu rất nhiều bé gái mới chào đời.


 

Bác sĩ Usha Kiran khám thai cho Pooja Dheer tại bệnh viện công quận Nawanshahr.

 

Vào năm 2004, Nawanshahr “nổi danh” trên toàn Ấn Độ vì tỷ lệ mất cân bằng giới tính ở mức kỷ lục - mỗi năm chỉ có 795 bé gái sơ sinh so với 1.000 bé trai sơ sinh. Tám năm qua đã chứng kiến một sự thay đổi ngoạn mục ở vùng này khi tỷ lệ trẻ sơ sinh gái đã tăng lên 949 so với 1.000 trẻ sơ sinh trai năm 2011, xấp xỉ tỷ lệ sinh tự nhiên là 952/1.000.


Để đạt được thành công đáng kể trong nỗ lực khôi phục cán cân giới tính này, chính quyền Nawanshahr đã xây dựng một “chiến lược kép” vô cùng nghiêm khắc, kết hợp giữa giám sát quá trình mang thai của người mẹ và chiến dịch truyền thông rầm rộ nhằm loại trừ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” trong cộng đồng.


Tại Ấn Độ, những phụ nữ đã lập gia đình phải đối mặt với sức ép cực kỳ to lớn là sinh con trai để nối dõi tông đường, làm trụ cột trong gia đình cũng như chăm sóc cha mẹ già. Sự phát triển của các thiết bị siêu âm gọn nhẹ và giá rẻ, không chỉ ở thành phố mà còn được đưa đến các ngôi làng vùng sâu vùng xa, đã khiến cho tỷ lệ nạo phá thai (do thai nhi là nữ) tăng vọt.


Biện pháp “mạnh tay” đầu tiên được nhà chức trách Nawanshahr thực hiện vào năm 2005, với quy định nghiêm cấm các phương pháp chẩn đoán giới tính ở giai đoạn đầu của thai kỳ. Trong vòng hai năm, gần 2/3 các trung tâm siêu âm thai ở Nawanshahr đã bị đóng cửa hoặc buộc phải ngừng hoạt động do vi phạm quy định trên.


Song song với biện pháp trên, giới chức Nawanshahr còn áp dụng “chiến thuật” lưu trữ thông tin về quá trình mang thai của người mẹ vào máy vi tính. Các nhân viên y tế đến gõ cửa từng nhà, ghi chép thời gian có thai của người mẹ và sau đó họ quay lại vào ngày dự kiến sinh để “kiểm tra kết quả”. Trong trường hợp gia đình đó từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến việc sẩy thai của người mẹ, nhà chức trách sẽ mở cuộc điều tra tìm hiểu xem liệu thai nhi có bị nạo bỏ chỉ vì là con gái hay không.


Có một số ý kiến cho rằng, “chiến lược kép” của chính quyền Nawanshahr có phần khắc nghiệt và khiến người phụ nữ phải chịu sức ép nặng nề từ cả gia đình và xã hội. Tuy nhiên, các bác sĩ tại khoa sản của bệnh viện quận khẳng định những biện pháp can thiệp này là sự lựa chọn duy nhất. “Quan niệm trọng nam khinh nữ của người dân sẽ không thay đổi nếu chính phủ không vào cuộc. Trước đây, các đôi vợ chồng đến khám thai ở bệnh viện đều nói ‘chúng tôi muốn có con trai’. Nhưng giờ không còn ông bố, bà mẹ nào nói câu đó và chúng tôi đã đón nhận nhiều bé gái chào đời hơn trong thời gian gần đây” - nữ bác sĩ Usha Kiran kể.


Quan niệm “trọng nam khinh nữ” truyền thống không chỉ thay đổi ở số lượng các bé gái sơ sinh gia tăng mà còn ở niềm hạnh phúc của gia đình khi đón chào các em. Cô Pooja Dheer, 24 tuổi, đang đón chờ đứa con đầu lòng dự kiến chào đời trong tháng 8 này, cho biết không ai trong gia đình cô lo lắng về việc cô sẽ sinh con trai hay con gái.


Nam hay nữ đều bình đẳng. Phụ nữ cũng có thể làm được mọi thứ mà nam giới có thể làm. Mỗi một người mẹ đều có quyền sinh con gái” - Dheer tâm sự.


Hồng Hạnh (Theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN