Như vậy, cộng dồn từ ngày 31/1 đến ngày 7/2, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 3.206 vụ vi phạm đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát trùng, sát khuẩn trên địa bàn cả nước.
Tại TP Hà Nội, mặt hàng khẩu trang y tế khan hiếm. Một số công ty như Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân cung cấp khẩu trang vải không lợi nhuận ra thị trường. Với tình trạng nước rửa tay sát khuẩn khan hiếm, một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã pha chế ra nước rửa tay phát miễn phí cho cán bộ, sinh viên và người dân.
Tại Đà Nẵng, trong ngày chưa phát hiện trường hợp găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đa số các địa điểm kinh doanh để bảng thông báo hết mặt hàng khẩu trang y tế. Tại các địa điểm bán khẩu trang với giá bình ổn, số lượng người xếp hàng đợi mua khá đông đúc, sau khi mở bán từ 6 giờ 30 phút sáng thì đến 7 giờ 30 phút tại các điểm này đã bán hết, mỗi người chỉ được mua từ 1 - 2 hộp/48 cái.
Một số tổ chức, cá nhân tiếp tục cấp phát khẩu trang miễn phí cho người dân và khách du lịch. Do ảnh hưởng dịch bệnh, khách du lịch hủy tour nhiều nên trong 3 ngày gần đây, lượng du khách tham quan các cơ sở văn hóa, di tích và sử dụng các dịch vụ du lịch tại thành phố Đà Nẵng đang giảm mạnh.
Tại Khánh Hòa, một số quầy thuốc, nhà thuốc đã nhập được mặt hàng khẩu trang y tế nhưng số lượng ít từ 3 – 5 hộp để bán cho người dân, giá bán khoảng từ 50.000 - 100.000 đồng/hộp. Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn tiếp tục tặng khẩu trang y tế miễn phí từ 1 – 2 chiếc cho khách du lịch và người dân có nhu cầu nhằm góp phần bình ổn giá khẩu trang trên địa bàn tỉnh.
Tại TP Hồ Chí Minh, các cơ sở, nhà thuốc, cửa hàng dụng cụ y tế trên địa bàn kinh doanh mặt hàng khẩu trang và nước rửa tay khử trùng với số lượng nhỏ, nhiều cửa hàng thông báo hết hàng do cơ sở sản xuất chưa kịp cung ứng; không có tình trạng chen lấn mua hàng hay thu gom, găm hàng.
Tại Bình Phước, nguồn cung các mặt hàng y tế, nhất là khẩu trang, găng tay, dung dịch sát trùng tại các cơ sở kinh doanh số lượng rất hạn chế.
Ngày 6/2, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 (địa bàn thành phố Đồng Xoài) phối hợp với lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra Cơ sở sản xuất khẩu trang y tế Hồng Thủy; địa điểm: Ngõ 114, đường Nguyễn Huệ, phường Tân Thiện, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, do bà Vũ Thị Hồng, sinh năm 1984 làm chủ cơ sở.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sản xuất 1.500 khẩu trang y tế, nhãn hiệu Hồng Thủy, loại 4 lớp không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất hàng hóa. Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ toàn bộ hàng hóa là khẩu trang thành phẩm và nguyên liệu sản xuất để làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng trong ngày 7/2, Tổng cục QLTT vừa có Công văn gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn công tác xử lý hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm hành chính đối với hàng hóa là khẩu trang y tế và dung dịch nước sát trùng, diệt khuẩn.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị các đơn vị vận dụng khoản 5 Điều 2 Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện mốt số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính (Thông tư số 173/2013/TT-BTC) để xác định và thực hiện quy trình xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng.
Đối với hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm hành chính nếu xác định được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản xuất, cung ứng hàng hóa, đề nghị thực hiện xử lý theo quy trình xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng tại Thông tư số 173/2013/TT-BTC và Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữ toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Đối với những hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm khác, đề nghị phối hợp, tham mưu với các cơ quan chức năng thành viên Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan có liên quan tại địa phương xác định chất lượng, nguồn gốc hàng hóa trước khi quyết định phương án xử lý.