Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Bùi Tấn Ân, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp tuần tra, kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức trách, nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực được giao. Qua đó, đã làm giảm rõ rệt tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh, nhất là việc vận chuyển hàng lậu bằng xe mô tô trên tuyến Quốc lộ 91, không để phát sinh, hình thành các điểm nóng về buôn lậu trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Đại tá Ân cho biết, công tác đấu tranh đạt hiệu quả cao, đánh trúng các đường dây buôn lậu lớn, khởi tố, điều tra làm rõ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tạo tác dụng răn đe đối với số đối tượng khác và sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, góp phần tạo thị trường ổn định, bảo vệ quyền lợi chính đáng người tiêu dùng, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang yêu cầu các lực lượng chức năng như: Công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường An Giang phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường tuyên tuyền, vận động quần chúng nhân dân hiểu về trách nhiệm của công dân trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các lực lượng tăng cường vận động quần chúng nhân dân không bao che, không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu; tích cực ủng hộ, phối hợp với lực lượng chức năng triệt xóa các tụ điểm tập kết, trung chuyển, chứa chấp hàng lậu.
Đặc biệt, tỉnh An Giang tiếp tục duy trì Tổ công tác phòng, chống buôn lậu trên tuyến biên giới và nội địa; tập trung đấu tranh mạnh các đường dây, băng, ổ nhóm tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hoạt động chuyên nghiệp đối với một số mặt hàng như: Thuốc lá điếu, đường cát, vàng, ngoại tệ, pháo nổ, lương thực, thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,. .. Song song đó, An Giang cũng tăng cường hợp tác quốc tế với 2 tỉnh Kandal và Takeo - Campuchia trong quản lý biên giới, nhất là quản lý, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cần tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các ngành với nồng cốt là các lực lượng chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này, đồng thời cần xây dựng một hệ thống phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiệu quả, chuyên nghiệp và bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu các lực lượng chức năng đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; công bố, công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail, đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các cấp, của các lực lượng chức năng, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân theo đúng quy định về tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; có giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử cho đội ngũ làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về thương mại điện tử.
An Giang có đường biên giới giáp Campuchia dài khoảng 98,2 km, có 2 cửa khẩu quốc gia, 2 cửa khẩu chính, 2 cửa khẩu phụ, 40 điểm tập kết hàng hoá và nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới. Lợi dụng điều kiện đi lại thuận lợi, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, kinh doanh hàng hoá nhập lậu lợi dụng hoạt động; trong đó, nổi lên tại các địa bàn biên giới như: Thành phố Châu Đốc, thị xã Tân Châu và các huyện Tịnh Biên, An Phú, Tri Tôn.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, hiện trên tuyến biên giới các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng lậu sát biên giới chờ thời cơ thuận lợi thì nhanh chóng đưa vào nội địa tiêu thụ với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Các đối tượng chủ yếu là chia nhỏ lẻ hàng hoá để vận chuyển nhiều lần qua biên giới. Khi vào nội địa thì vận chuyển, tập kết với số lượng nhỏ, để khi bị phát hiện, bắt giữ không bị xử lý hình sự. Trong nội địa, do bị đấu tranh mạnh trên tuyến biên giới nên một số đối tượng đã tìm nguồn hàng từ một số tỉnh, thành khác như: Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Đồng Tháp,... bắt đầu vận chuyển hàng lậu bằng xe ô tô, mô tô về địa bàn An Giang để tiêu thụ.
Bên cạnh đó, thời gian qua, trên địa bàn An Giang xuất hiện một số đối tượng cất giấu hàng hoá nhập lậu trà trộn vào các loại hàng hoá khác được làm thủ tục hải quan, vận chuyển trên các phương tiện xuất nhập cảnh đã làm thủ tục hải quan, khai sai số lượng hàng hoá nhập khẩu để trốn thuế. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp… phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, như: Mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. UBND tỉnh An Giang cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, mà nồng cốt là lực lượng như: Công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường… tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, năm 2022, các lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để tăng cường đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện bắt giữ 2.027 vụ vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, liên quan 1.714 đối tượng; so với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 1,6 %. Tổng trị giá hàng hoá bắt giữ trên 181,5 tỷ đồng, tăng hơn 104 tỷ đồng so với năm 2022.