Lực lượng chống buôn lậu bị tội phạm theo dõi gắt gao

Theo Phó cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) Đỗ Ngọc Toàn, các đối tượng buôn lậu tại địa phương biết mặt, thậm chí còn theo dõi ngược lại lực lượng, cán bộ chiến sỹ nên công tác đấu tranh với hoạt động tội phạm ngày càng khó khăn.


Phó cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) Đỗ Ngọc Toàn.


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức ngày 17/3, ông Toàn cho biết thêm, lực lượng chức năng địa phương có nhiệm vụ tiến hành thu thập các thông tin phát hiện các đường dây, tổ chức buôn lậu. Thậm chí, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm tổ chức đấu tranh, bí mật đưa nhóm lực lượng từ nơi khác tới điều tra để đảm bảo tính bí mật cao. 

Trong năm 2016 và quý I/2017, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa trên các tuyến biên giới, vùng biển vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, những mặt hàng cấm, hàng có thuế suất cao, các loại hàng tiêu dùng... được buôn lậu nhiều nhất.

Đại diện Cục Phòng chống ma túy và tội phạm cho biết: tuyến biên giới đất liền, nổi lên là hoạt động buôn lậu, mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy, pháo nổ, thuốc là điếu, gỗ, đường cát Thái Lan tập trung ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bình Phước, An Giang, Tây Ninh, Long An, Quảng Trị, Gia Lai và KonTum.

Đối với hoạt động trên biển, đặc biệt là hoạt động mua bán, vận chuyển than không có hóa đơn, chứng từ diễn ra tại vùng biển Đông Bắc và một số tỉnh phía Tây Nam như: Tiền Giang, Trà Vinh trong những tháng gần đây. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển, sang mạn trái phép xăng dầu diễn biến phức tạp trên biển các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Đáng chú ý trong dịp Tết Đinh Dậu, hoạt động vi phạm pháp luật của người nước ngoài Campuchia, Thái Lan, Mông Cổ, Dominica, Malaysia, Trung Quốc trên các tuyến biên giới đã tăng cả về số vụ, đối tượng và tang vật (chủ yếu về buôn lậu xăng dầu) với thủ đoạn móc nối, trực tiếp liên lạc với đầu nậu ở trong nước đẻ vận chuyển xăng dầu đến lãnh hải nước ta và tìm cách vận chuyển trái phép vào Việt Nam", ông Toàn cho hay.

Phương thức thủ đoạn của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy rất tinh vi, manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị bắt giữ. Lợi nhuận từ buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa rất cao nên các đối tượng liều lĩnh, dùng mọi thủ đoạn tinh vi để buôn bán, vận chuyển. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì kiên quyết chống trả nhằm cướp hàng.

Địa bàn rộng, địa hình biên giới phức tạp, có nhiều đường mòn, đường tắt, kênh rạch; thời tiết khắc nghiệt, trong khi trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác đấu tranh còn thiếu, công suất thấp, lạc hậu nên công tác chống buôn lậu vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (nhất là trên tuyến biển).

Trong quý I/2017, các đơn vị bộ đội biên phòng chủ trì phát hiện xử lý 331 vụ/373 đối tượng; tang vật thu giữ 1.514.000 lít xăng, 2.574.190 lít dầu, 15.829 tấn than và đá xít, hơn 100.000 bao thuốc lá, hơn 3.000 kg pháo, 4kg heroin, 10,5 kg cỏ Mỹ, thuốc phiện và nhiều tang vật khác với tổng giá trị tang vật tạm giữ khoảng 151,2 tỷ đồng.

M.Phương
Thay thế người đứng đầu có biểu hiện dung túng cho buôn lậu
Thay thế người đứng đầu có biểu hiện dung túng cho buôn lậu

"Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tạo được sự chuyển biến căn bản", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã nhấn mạnh tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, sáng 9/3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN