Xúc xích Trung Quốc là mặt hàng nhập lậu thường xuyên bị bắt giữ tại TP Lào Cai. Ảnh: dantri.com.vn |
Theo báo cáo của tỉnh Lào Cai, từ đầu năm 2018 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 541 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (giảm 43 vụ so với cùng kỳ). Trong đó, vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu 162 vụ (giảm 118 vụ so với cùng kỳ). Riêng gian lận thương mại tăng 76 vụ, bằng 371 vụ vi phạm. Tổng giá trị xử lý đạt 13.077 triệu đồng, khởi tố 11 vụ với 12 đối tượng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông Nguyễn Bá Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn nhiều khó khăn do chính sách quản lý hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc còn nhiều khác biệt, chưa tương đồng.
Vì vậy, hoạt động thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các khu vực này còn gặp nhiều khó khăn khi phía Trung Quốc thắt chặt quản lý biên giới và kiểm soát hoạt động thanh toán đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Việc quy định danh mục hàng hóa trao đổi cư dân biên giới đang được áp dụng cho cả 3 tuyến biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia là chưa thực sự phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Định mức áp dụng miễn thuế đối với hàng nhập khẩu cư dân biên giới phía Việt Nam hiện nay là 2 triệu đồng/người/lần, 4 lần/tháng (tương đương 8 triệu đồng/người/tháng) chênh lệch khá lớn so với định mức miễn thuế phía Trung Quốc đang áp dụng (8.000 tệ/người/tháng, khoảng trên 28 triệu đồng/người/tháng)...
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Hải Quan Lào Cai cho rằng công tác phối hợp giữa các lực lượng có lúc còn chưa thường xuyên, chưa đồng bộ, thống nhất do vậy còn những sơ hở để các đối tượng buôn lậu lợi dụng hoạt động. Thủ đoạn của các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng... ngày càng tinh vi, khó nhận biết gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.
Đặc biệt, việc mua bán, vận chuyển, sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc mặc dù đã giảm so với cùng kỳ những vẫn còn tái diễn ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các chợ phiên, chủ yếu do đồng bào sống giáp biên đi lại thăm thân, vận chuyển với số lượng nhỏ nên rất khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn, tỉnh Lào Cai đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương áp dụng miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu cư dân biên giới lên mức 20 triệu đồng/người/tháng. Bộ Công Thương sớm phê duyệt quy hoạch phát triển chợ biên giới Việt Nam-Trung Quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại biên giới; trong đó, hỗ trợ tỉnh Lào Cai một số nội dung như: phát triển hệ thống phân phối hàng hóa từ vùng sản xuất đến khu vực cửa khẩu, cung cấp thông tin thị trường biên giới...