Vấn nạn hàng giả, hàng lậu
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, hoạt động TMĐT ở Việt Nam có tốc độ phát triển khá nhanh, trung bình từ 25-30%/năm, với doanh thu năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng trưởng 25%/năm, dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt hơn 56 tỷ USD vào năm 2025.
Vì vậy, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, top 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, do phát triển nhanh, các chế tài quản lý, cũng như khung khổ pháp lý còn chưa theo kịp, nên TMĐT cũng đang là "mảnh đất" béo bở để các đối tượng lợi dụng buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng hóa vi phạm khác. Điều này đã khiến không ít người tiêu dùng mất dần niềm tin vào các sàn TMĐT.
Mới đây nhất, ngày 5/11/2024, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra, thu giữ hàng chục xe điện không rõ nguồn gốc xuất xứ tại quận Long Biên, TP Hà Nội.
Tiếp tục kiểm tra trên các nền tảng thương mại điện tử, đoàn kiểm tra phát hiện, nhiều chủng loại hàng hóa tại hộ kinh doanh đều được giới thiệu trên trang web: xedienmanhphat.vn. Mặc dù có chức năng đặt hàng trực tuyến, tuy nhiên website này không thực hiện thông báo với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Cụ thể, trên nền tảng TikTok với tài khoản Xe điện M.P cũng đăng tải nhiều video giới thiệu về các sản phẩm. Tài khoản này có trên 200.000 lượt follow và hơn 3,3 triệu lượt thích. Mỗi bài đăng thu hút hàng nghìn đến hàng trăm nghìn lượt tương tác.
Theo ông Trần Huy Hải, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, quá trình kiểm tra, đơn vị đã phát hiện 3 hành vi vi phạm chủ yếu của địa điểm kinh doanh này, gồm kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và không thông báo website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, đa số các thương nhân vi phạm thường tổ chức kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream chốt đơn hàng ở các tỉnh, thành phố; giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát.
Các tài khoản chào hàng trung gian, địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ký gửi hàng hoá và sử dụng những người nổi tiếng, nhiều lượt theo dõi trên trang cá nhân để livestream, chốt đơn hàng. Do tốc độ lưu chuyển hàng hoá nhanh, nên số lượng, chủng loại hàng hoá tại các kho tương đối lớn và thường xuyên biến động.
Các tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về vi phạm đối với mặt hàng này như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Khánh Hoà, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh… Thay vì trước đây các đối tượng tự vận chuyển, thuê người vận chuyển, thì nay được trà trộn trong các kiện hàng và gửi qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán nên rất khó phát hiện.
Phổ biến nhất vẫn là các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa. Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa.
Bảo vệ người tiêu dùng
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường, cho biết, các đối tượng kinh doanh online có nhiều thủ đoạn mới để đối phó, khiến việc phát hiện các vi phạm của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Trước đây, thương mại điện tử chỉ là bán hàng trên các trang web thì hiện nay có thể bán trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, Instagram,...
Ngoài ra, theo ông Linh, sau nhiều đợt truy quét quyết liệt của lực lượng Quản lý thị trường, hoạt động của các đối tượng này ngày càng tinh vi hơn khi sử dụng nơi bán hàng, nơi quảng cáo, chốt đơn, kho hàng ở nhiều khu vực khác nhau, gây khó khăn trong việc theo dõi, triệt phá. Đặc biệt, việc các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát. Do đó, trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, xử lý, thực hiện theo Đề án chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường TMĐT nhằm từng bước xây dựng thị trường TMĐT minh bạch và lành mạnh hơn.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc chống hàng giả, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là trên môi trường TMĐT là ưu tiên của ngành công thương hiện nay. Song, việc quản lý hoạt động livestream hay bán hàng trên sàn TMĐT rất khó khăn, không chỉ là trách nhiệm của ngành công thương mà còn của rất nhiều ngành như công nghệ thông tin, tài chính. Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, giải pháp để xử lý có hiệu quả vấn đề này là phải phối, kết hợp giữa các lực lượng chức năng, rà soát lại các quy định pháp luật, làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng nhận thức được và tránh được tình trạng hàng giả, hàng nhái.
Trong đó, Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chủ trì phối hợp, sử dụng lực lượng quản lý thị trường để phát hiện, đấu tranh, làm rõ những hành vi sai phạm, nhất là phải tìm những địa điểm mà các đối tượng này tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch để trao đổi, chia sẻ dữ liệu thông tin với cơ quan công an để kịp thời xử lý.
Về lâu dài, Bộ Công thương sẽ thường xuyên khuyến nghị đến các nhà sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường TMĐT.