Kinh doanh hàng giả, hàng không rõ xuất xứ trên thương mại điện tử
Thương mại điện tử Việt Nam những năm qua đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối và hiện là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với cách thức mua hàng trên thương mại điện tử, các đối tượng lợi dụng hình thức này để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, kênh thương mại điện tử bị lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.
Theo kết quả hoạt động tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết yêu cầu kiến nghị, khiếu nại của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, 9 tháng năm 2024, cơ quan này đã tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại liên quan tới thương mại điện tử, với 64 vụ việc trên tổng số 683 vụ việc, chiếm 9,4%, tăng cao hơn so với năm 2023 là 5,5%.
Đáng chú ý, thống kê mới nhất của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho thấy, 10 tháng năm 2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra 61.079 vụ, phát hiện, xử lý 41.725 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý là 777 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, liên quan tới thương mại điện tử, lực lượng QLTT đã kiểm tra 2.606 vụ, xử lý 2.361 vụ vi phạm; xử phạt hành chính trên 38 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 32 tỷ đồng. Các hành vi phổ biến là: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm các quy định về kinh doanh thương mại điện tử.
Quyết liệt bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc chi nhánh miền Bắc của Công ty yến sào Khánh Hòa, cho biết sản phẩm của doanh nghiệp này bị làm giả nhan nhản. Nhiều tài khoản trên các nền tảng thương mại điện tử sử dụng hình ảnh sản phẩm của doanh nghiệp này để rao bán nhưng sau đó người mua hàng nhận lại là hàng kém chất lượng. Khách hàng khi phản ánh đến doanh nghiệp mới biết mình mua phải nước yến giả.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, sản phẩm doanh nghiệp này có hàm lượng yến từ 7,5% - 27%. Trong khi đó, nhiều sản phẩm giả mạo, nhái thương hiệu của doanh nghiệp quảng cáo lên tới 39%, thậm chí có chỗ quảng cáo lên tới 70%.
"Khi chúng tôi đưa mẫu đi kiểm nghiệm thì hàm lượng yến chỉ có 0,01%, thậm chí có hũ yến chưng được chào giá chỉ 8.000 đồng, trong khi giá hàng thật là 38.000 - 40.000 đồng/lọ. Biên độ lợi nhuận quá lớn, khiến nhiều đối tượng tìm đủ mọi cách để làm giả sản phẩm yến", ông Thắng nói.
Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, thương mại điện tử phát triển, đi cùng sự tăng trưởng, thuận tiện cho người dân thì tình trạng gian lận thương mại, đặc biệt là hàng nhái, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng gia tăng và đa dạng. Các mặt hàng vi phạm xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường nội địa, từ đó, đặt ra vấn đề rất lớn đối với các chủ thể.
Đầu tiên là trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp (DN) - chủ sở hữu thương hiệu, đặc biệt là người tiêu dùng. Do đó, làm thế nào để mua được hàng thật, tránh được hàng giả và có những biện pháp giảm tránh để không mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, đang là một chủ đề quan trọng trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Trần Hữu Linh còn cho rằng, người làm hàng giả, hàng nhái liên tục có những thủ đoạn tinh vi, đa dạng để qua mặt cơ quan chức năng và người tiêu dùng. Việc dán tem nhãn để chống hàng giả cũng là một trong những phương thức để những người sản xuất hàng giả lợi dụng để luồn lách qua mặt cơ quan chức năng và người tiêu dùng. Do vậy, với sự phát triển của công nghệ có nhiều cách thức để phòng, chống hàng giả, như thay vì dùng tem nhãn bằng giấy thì rất nhiều thương hiệu dùng QR Code, AI, Công nghệ Blockchain… Tuy nhiên đây là cuộc chiến giữa hàng thật và hàng giả; giữa người sản xuất chân chính với người đang tiếp tay cho hành vi gian lận thương mại.
Lực lượng QLTT luôn xác định có 3 đối tượng cần phải tác động trong cuộc chiến chống hàng giả. Về mặt chính sách, trong những năm qua và mới đây nhất, Tổng cục QLTT đã trình lên Chính phủ sửa đổi thay đổi mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng giả theo hướng tăng nặng mức chế tài xử phạt, để ngăn ngừa đối tượng làm hàng giả ở khung mức cao nhất. Còn đối với các doanh nghiệp, Tổng cục QLTT tổ chức các sự kiện và làm việc với các doanh nghiệp để doanh nghiệp hiểu và truyền thông, phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc bảo vệ thương hiệu, sản xuất của mình.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục QLTT đã tổ chức rất nhiều hoạt động để người tiêu dùng nhận biết hàng thật-giả, tư vấn cho người tiêu dùng để họ tự phòng tránh, phát hiện hàng giả, hàng nhái và các phương thức truyền thông để người tiêu dùng nâng cao nhận thức về hàng thật-hàng giả. Cần nâng cao công tác tuyên truyền, truyền thông để người tiêu dùng biết, không tiếp tay cho hàng giả; mua hàng ở những nơi, địa chỉ uy tín. Người tiêu dùng khi mua bất kỳ sản phẩm nào cũng cần phải kiểm tra thông tin từ hãng xem họ bán ở đâu, địa chỉ ra sao, chỉ dẫn như thế nào...