Thưa ông, giáp Tết Nguyên đán là thời điểm hoạt động của tội phạm ma túy tăng mạnh, lực lượng Hải quan đã vào cuộc ra sao?
Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm số lượng hành khách qua lại cửa khẩu tăng mạnh, đồng nghĩa với việc tội phạm ma túy tại Việt Nam diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất, số vụ, số lượng ma túy; gia tăng hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, có tính chất xuyên quốc gia trên tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu.
Lực lượng Hải quan đang kiếm soát chặt tuyến hàng không, bưu điện và chuyển phát nhanh quốc tế. Đây là tuyến đường có rủi ro cao, do các đối tượng phạm pháp dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, cất giấu các loại ma túy trong hàng hóa gửi dưới dạng quà biếu, quà tặng; trà trộn giấu hàng trong người, hàng hóa, hành lý xách tay, hành lý ký gửi theo các chuyến bay quốc tế đi và đến Việt Nam.
Để đối phó tình trạng này, Hải quan đang tập trung thu thập, phân tích thông tin, điều tra cơ bản, xác minh, sử dụng hiệu quả chó nghiệp vụ và các trang thiết bị chuyên dùng để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả đối với các hoạt động lợi dụng xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh để buôn bán và vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới.
Hải quan cũng tăng cường công tác nắm tình hình, trao đổi, phân tích thông tin và thực hiện các kế hoạch phòng, chống ma túy tại địa bàn biên giới và cửa khẩu với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh đối với các chuyên án ma túy lớn, có liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa bàn, có tính chất xuyên quốc gia.
Thực trạng vận chuyển trái phép các chất ma túy đang diễn biến phức tạp, nhức nhối như thế nào trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, thưa ông?
Tội phạm ma túy trong và ngoài nước câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành các đường dây, tổ chức tội phạm, hoạt động với tính chất, phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh và manh động hơn. Đáng chú ý là heroin được tội phạm mua bán, vận chuyển từ Lào vào Việt Nam, sau đó vận chuyển qua các đường mòn, lối mở, cửa khẩu biên giới phía Bắc sang Trung Quốc.
Các loại ma túy tổng hợp như: Metamphetamine, ketamine (ma túy dạng đá), thuốc lắc... được vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam đi vào các tỉnh nội địa. Đáng chú ý là tội phạm chuyên sản xuất ma túy ở Trung Quốc đã chuyển địa bàn sang khu vực “Tam giác vàng” để sản xuất ma túy tổng hợp với số lượng lớn, tìm cách đưa về Việt Nam qua biên giới các tỉnh giáp với Lào và Campuchia.
Năm 2018, nhờ làm tốt công tác điều tra, nắm tình hình, xác lập chuyên án chặt chẽ, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 216 vụ vi phạm liên quan đến chất ma túy, thuốc gây nghiện hướng thần... (tăng 115 vụ so với năm 2017). Thu giữ: 54 kg và 444 bánh heroin; 176 kg ma túy đá; hơn 104 kg cocain; 2.500 kg lá Khát; 3.800 kg tiền chất ma túy...
Cơ quan hải quan các cấp đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 4550/CT-TCHQ. Nhờ đó, số lượng các vụ mua bán, vận chuyển các chất ma túy qua biên giới, cửa khẩu do lực lượng hải quan phát hiện, bắt giữ ngày càng tăng trên tất cả các tuyến biên giới, với số lượng ma túy lớn chưa từng có.
Sau hơn 5 tháng thực hiện Chỉ thị, lực lượng hải quan đã chủ trì và phối hợp phát hiện và bắt giữ 81 vụ, thu giữ hơn 66,6 kg heroin; hơn 100 kg cocain; hơn 97 kg và 155.711 viên ma túy tổng hợp; hơn 40 kg và 15 bánh cần sa; hơn 498 kg thảo mộc chứa chất ma túy và 315 viên thuốc gây nghiện...
Xin trân trọng cảm ơn ông!