Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết: Buôn lậu ma túy diễn ra trên tất cả các cửa khẩu đường bộ, đường hàng không đến đường biển. Các đối tượng tìm mọi cách để cất giấu, vận chuyển ma túy thông qua loại hình xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.
Đồng tình quan điểm này, ông Ngô Thái Dũng - Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) chia sẻ: Buôn lậu ma túy gia tăng về vụ việc, khối lượng vi phạm với tính chất ngày càng manh động. Hầu như ngày nào bộ đội biên phòng cũng bắt giữ được vụ việc buôn lậu, vận chuyển ma túy. Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đôi biên phòng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia cần sớm ban hành kế hoạch chống buôn lậu dịp cuối năm, đặc biệt đấu tranh chống mặt hàng pháo nổ.
“Trước đây, pháo nổ chỉ buôn lậu vào dịp Tết và đi từ Trung Quốc vào nội địa. Nay tình trạng này diễn ra quanh năm và qua nhiều đường vận chuyển từ biên giới Lào, Campuchia vào Việt Nam. Lực lượng bộ đội biên phòng vừa bắt giữ tại cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) 3 tấn pháo trong khi ban đầu khai báo là nhập khẩu mặt hàng tỏi…”, ông Ngô Thái Dũng cho biết.
Theo Tổng cục Hải quan, các mặt hàng buôn lậu than trên biển cũng rất nhức nhối. Lực lượng hải quan đã phát hiện và đang xử lý nhiều vụ buôn lậu than có yếu tố nước ngoài. Trong quý III/2019, hải quan và công an đã đấu tranh ngăn chặn tình trạng xuất lậu quặng trái phép, không đúng tiêu chuẩn, khởi tố vụ buôn lậu 21 container quặng. Hiện, đã tạm giữ 10 tàu có dấu hiệu xuất quặng thô tại khu vực Quảng Ninh, sử dụng giấy tờ không hợp pháp.
Thường trực BCĐ 389 Quốc gia cảnh báo: Mặc dù các lực lượng chức năng đã nỗ lực vào cuộc quyết liệt nhưng tình trạng buôn bán, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ; hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng ở khắp các vùng miền, đặc biệt khu vực đô thị. “Có thể điểm mặt những mặt hàng mà bọn buôn lậu tiêu thụ như xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiêu dùng, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng. Đáng lo ngại là sản xuất, buôn lậu vận chuyển ma túy diễn ra phức tạp với quy mô lớn”, Chánh Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia, ông Đàm Thanh Thế nói.
Trước tình hình này, phía hải quan đang hoàn thiện và sẽ ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020. Đồng thời, cơ quan hải quan tiếp tục làm rõ hành vi vi phạm của Công ty Asanzo về dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu. Đây là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Từ nay tới cuối năm, lực lượng hải quan sẽ tiếp tục đấu tranh, tập trung ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận xuất xứ hàng hóa, trong đó có nhóm giả mạo xuất xứ Việt Nam. Nhiều tang vật hàng hóa còn được đối tượng buôn lậu giấu trong container với đầy đủ tem, nhãn mác Việt Nam nhưng qua giám định lại là hàng Trung Quốc.
“Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa, cần đánh giá, phân tích, chỉ rõ trách nhiệm của các lực lượng chức năng, các địa phương thông qua từng vụ việc cụ thể. Từ đó có biện pháp xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm”, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh.
Theo Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia, hết quý III/2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 149.502 vụ việc vi phạm (giảm 18% so với cùng kỳ 2018), thu nộp ngân sách trên 12.388 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù số vụ việc phát hiện, xử lý giảm so với cùng kỳ nhưng số vụ khởi tố tăng cao tới 40% với 1.635 vụ và 1.908 đối tượng (tăng 44% so với cùng kỳ 2018).
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, buôn lậu ma túy ngày càng tinh vi, xuất hiện nhiều thủ đoạn mới nên cần có giải pháp phù hợp để phát hiện, xử lý trong tình hình mới. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các kế hoạch chống sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng thực phẩm chức năng; khai thác và vận chuyển trái phép mặt hàng khoáng sản, buôn lậu, trốn thuế.
Các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung những văn bản quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tế và còn kẽ hở trong thực thi chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa; siết chặt kỷ cương, kỷ luật và phòng ngừa sai phạm trong lực lượng chống buôn lậu cũng như cơ quan chức năng địa phương. Kiên quyết không bao che, dung túng cho vi phạm.