Đại diện cơ quan chức năng cũng đưa ra vụ việc ngày 5/10/2017, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lâm Đồng phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, lấy mẫu phân bón được bán tại 3 cửa hàng kinh doanh phân bón tại huyện Di Linh như: Sản phẩm NPK siêu vi lượng Alpha 3 sản xuất tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Tân Việt Phát; một mẫu tại Công ty TNHH Việt Nauy và Công ty TNHH Ba con cò Baconco đều không phù hợp với tiêu chuẩn.
Nhức nối nạn kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Ảnh minh họa: Công Phong/TTXVN |
Sau khi Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia có ý kiến gửi cơ quan chức năng địa phương, kiểm tra các cơ sở sản xuất phân bón trên thì phát hiện: Tại các địa bàn có trụ sở nhà máy sản xuất đều phát hiện các doanh nghiệp chỉ sản xuất một lô phân bón duy nhất, với số lượng từ 80 đến 100 tấn, chỉ cung cấp cho một doanh nghiệp duy nhất, không sản xuất lại, không lưu mẫu theo quy định.
Không chỉ vậy, trong quá trình quản lý chất lượng mặt hàng phân bón, nhiều ý kiến cũng cho rằng còn có những bất cập trong quy định pháp luật, văn bản quản lý chồng chéo, ví dụ như trước đây, các cơ quan quản lý Nhà nước về phân bón (Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT) không thống nhất trong hướng dẫn thực hiện, nhất là công tác kiểm định theo quy định Thông tư 29 của Bộ Công Thương và Thông tư số 41 của Bộ NN&PTNT) dẫn đến cách thức triển khai chưa đồng nhất.
“Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, việc giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất phân bón còn có khâu lỏng lẻo nên một số doanh nghiệp đã lợi dụng sản xuất phân bón kém chất lượng đưa ra thị trường tiêu thụ gây thiệt hại cho nông dân”, đại diện VPTT Ban Chỉ đạo 389 nói.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) nói: “Muốn có nền nông nghiệp sạch và phát triển bền vững, không chỉ khuyến khích và phát triển phân bón hữu cơ mà còn phải kiên quyết đấu tranh loại trừ phân bón giả, kém chất lượng. Hiện Cục QLTT đang chủ động phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật-BVTV để kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn vấn nạn phân bón giả trên toàn quốc”.
Theo Cục trưởng Cục BVTV Trần Trung, tới đây lực lượng chuyên ngành sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Những doanh nghiệp làm ăn không chân chính, không đàng hoàng sẽ bị kiên quyết xử lý. Hiện nay, đã có đầy đủ chế tài xử phạt. Toàn bộ hệ thống của thanh tra chuyên ngành của ngành trồng trọt đã có tại 63 chi cục, gần 700 trạm BVTV, gần 1.500 cán bộ thanh tra chuyên ngành…trên toàn quốc phối hợp với Ban chỉ đạo 389, QLTT để giám sát từ sản xuất, phòng thử nghiệm, đại lý buôn bán phân bón.
Để quản lý mặt hàng kinh doanh phân bón, đại diện VPTT Ban Chỉ đạo 389 cho hay: Các lực lượng chức năng cần làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm; tăng cường kiểm soát thị trường để phát hiện sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chắt chất lượng. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị, hiệp hội ngành nghề và cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, phối hợp kịp thời phát hiện những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.