Xử lý người đứng đầu nếu an toàn giao thông xấu đi do thiếu trách nhiệm

Sáng 3/1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết: Năm 2017, toàn quốc xảy ra 20.080 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.279 người, bị thương 17.040 người, so với cùng kỳ năm 2016, tai nạn giao thông giảm sâu 3 tiêu chí: số vụ (giảm 1.509 vụ), số người chết (giảm 406 người) và số người bị thương (giảm 2.240 người).

Tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí


Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, năm 2017 có 51 tỉnh, thành phố có số người chết vì tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2016, trong đó 6 địa phương giảm trên 20% số người chết. Tuy nhiên, vẫn còn 11 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng, trong đó 8 tỉnh tăng trên 10%.

Ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng, nhất là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Toàn quốc đã xảy ra 87 vụ ùn tắc giao thông lớn, kéo dài, nguyên nhân do tai nạn giao thông (56 vụ), lưu lượng phương tiện tăng cao, sự cố trên đường, cháy nổ phương tiện, mưa lớn, sạt lở…

Đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ông Khuất Việt Hùng cho rằng năm 2017, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn cả nước tiếp tục có chuyển biến tích cực. Giao thông trong các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được duy trì ổn định. Phát biểu của các địa phương cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đặc biệt, công tác chỉ đạo sẽ sát thực tế và giảm tai nạn giao thông.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết, để đạt được mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp từ chỉ đạo đến điều hành thực hiện các kế hoạch, tập trung kiểm soát tại các tuyến trọng điểm, lập các tổ, chốt kiểm tra các đối tượng uống rượu bia… “Tỉnh thường xuyên tổ chức các cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông vì cứ mở cao điểm, tai nạn giảm”, ông Đặng Xuân Phong đưa ra kinh nghiệm trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Là tỉnh tai nạn giao thông tăng cao cả 3 tiêu chí, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lữ Văn Hùng cho biết, nguyên nhân là do ý thức chấp hành của một bộ phận người dân còn kém, nhất là khu vực nông thôn.

Nhiều ý kiến cho rằng dù có những chuyển biến tích cực, song tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, số người chết do tai nạn giao thông giảm thấp hơn mục tiêu 5% đề ra từ đầu năm; còn xảy 70 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 224 người chết, bị thương 207 người.

Tỷ lệ đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy ở khu vực nông thôn, miền núi và đội mũ bảo hiểm cho trẻ em còn thấp, đạt khoảng 40-50%. Các ý kiến đề xuất cần đẩy mạnh tuyền truyền, phổ biến  pháp luật về an toàn giao thông, nhất là ở vùng nông thôn; tăng cường công tác kiểm tra các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, tuần tra kiểm sát xử lý vi phạm; rà soát lại khung đào tạo, cấp phép lái xe.

Theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), công tác quản lý nhà nước cần được phân định rõ ràng, quy trách nhiệm cho từng địa phương, từng đơn vị và người đứng đầu, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông mới hiệu lực, hiệu quả.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an nhìn nhận, mỗi ngày vẫn có 23 người chết do tai nạn giao thông. Tâm lý bất an do hậu quả tai nạn giao thông gây ra vẫn là nỗi lo của xã hội, sự lo lắng của mỗi gia đình. Cần phân tích để có giải pháp tốt hơn trong thời gian tới, kéo giảm tai nạn giao thông, giảm được nhiều nỗi đau và bất hạnh cho nhiều người, giảm gánh nặng cho xã hội.

Hai điểm cơ bản được lãnh đạo Bộ Công an đề xuất là tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, tránh tình trạng dễ dãi như hiện nay; đồng thời tăng cường kiểm soát nồng độ cồn. “Nguyên nhân tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia là khá phổ biến, chiếm một tỷ lệ rất lớn và tôi nghĩ rằng chỉ khi nào Việt Nam không phải là thị trường hấp dẫn của rượu, bia thì tai nạn giao thông mới giảm”, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn nói.

Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu


Từ con số người tử vong do tai nạn giao thông của Hà Nội là 583 người, Thành phố Hồ Chí Minh là 717 người, chiếm gần 20% tổng số người tử vong, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định nếu hai thành phố này giảm hơn nữa sẽ góp phần giảm mạnh số người tử vong do tai nạn giao thông của cả nước.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo Phó Thủ tướng, năm 2018, với mục tiêu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trên 6,5%, đặc biệt là từ 1/1/2018 thuế nhập khẩu ô tô từ các quốc gia ASEAN giảm xuống 0%, nhu cầu vận tải và số lượng phương tiện sẽ gia tăng nhanh, tạo áp lực lớn về trật tự, an toàn giao thông. Phó Thủ tướng lưu ý lực lượng chức năng chú trọng xử lý xe quá tải không đảm bảo an toàn, các địa phương đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Phải xử lý người đứng đầu để tình hình xấu do thiếu trách nhiệm. Năm 2018 phải xử lý nghiêm. Phó Thủ tướng đề nghị xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, trong đó có nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kéo giảm 3 tiêu chí tai nạn giao thông.

Đề cập đến chủ đề của Năm an toàn giao thông 2018 là “An toàn giao thông cho trẻ em”, Phó Thủ tướng đánh giá, trong năm qua, nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ em là tai nạn giao thông, “Bác Hồ nói trẻ em là vốn quý, là mầm non, người chủ tương lai của đất nước.

Vì vậy chúng ta có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, giáo dục ý thức công dân cho trẻ em ngay từ mẫu giáo đến khi trưởng thành. Tiếp tục thực hiện mục tiêu của Đại hội đồng Liên hợp quốc về cải thiện an toàn giao thông đường bộ toàn cầu đến năm 2020 kéo giảm số người thương vong xuống 50%”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật an toàn giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên; tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương; giảm tỷ lệ thương, vong do tai nạn giao thông đối với trẻ em 10%  so với năm 2017; tiếp tục kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

Yêu cầu các ủy viên Ủy ban an toàn giao thông quốc gia tập trung kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng chỉ đạo tập trung tháo gỡ những khó khăn, những nút thắt trong quá trình tổ chức thực hiện ở cả các bộ, ngành Trung ương và địa phương; ban hành quy định về xác định và xử lý trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cùng với đó, hoàn thiện thể chế về an toàn giao thông; tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội, trọng tâm là bảo vệ an toàn giao thông cho trẻ em và người lớn nêu gương về văn hóa giao thông; nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông của các lực lượng chức năng.

Triển khai các dự án BOT phải hết sức minh bạch, chọn đúng nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm không để cạnh tranh thiếu lành mạnh, không để sang dự án cho các nhà thầu khác khiến đội giá, chất lượng công trình không đảm bảo và vi phạm khác dẫn đến phản ứng của người dân, mất an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông, thậm chí ảnh hưởng đến niềm tin của người dân với chính sách đúng đắn về hợp tác công - tư. Phải xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật các vi phạm nếu có liên quan đến tiêu cực, đến lợi ích nhóm…, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Xây dựng văn hóa giao thông trong học sinh, sinh viên
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Xây dựng văn hóa giao thông trong học sinh, sinh viên

Ngày 5/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dự lễ khai giảng năm học mới 2017 – 2018 tại Trường Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh và phát động tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN