Phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Xây dựng Luật Dân sự thành bộ luật nền

Sáng 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII đã khai mạc kỳ họp thứ 31. Phiên họp diễn ra từ 22/9 đến 2/10, UBTVQH sẽ cho ý kiến về 11 dự án luật, pháp lệnh và một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của một số dự án luật.

 

Phát biểu khai mạc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chi tiết, rà soát kỹ nội dung các dự thảo luật trong chương trình Phiên họp nhằm chuẩn bị thật tốt các dự thảo trình Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội sắp tới.

 

Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, kỳ họp thứ 8 sẽ là kỳ họp dài nhất từ trước đến nay trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII với nhiều dự án xây dựng luật, pháp lệnh nhằm triển khai Hiến pháp. Tại kỳ họp sẽ có chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kết quả thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành này sau phiên chất vấn trước; thảo luận những nhiệm vụ trọng tâm của hai lĩnh vực này từ nay đến hết nhiệm kỳ.


Tại buổi làm việc sáng 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi). Dự thảo Bộ luật có tổng số 672 điều, giữ nguyên 263 điều, sửa đổi 297 điều, bổ sung 126 điều, bãi bỏ 149 điều so với Bộ luật hiện hành. Dự thảo luật gồm 6 phần: Quy định chung, Vật quyền, Trái quyền, Thừa kế, Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và Điều khoản thi hành. So với Luật Dân sự hiện hành, dự thảo luật không tái kết cấu phần “Quy định về chuyển quyền sử dụng đất” và “Quyền sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ” thành các phần riêng.

 

Sửa đổi toàn diện, căn bản


Trình bày Tờ trình dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sau hơn 8 năm thi hành, Bộ luật dân sự cơ bản đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (gọi tắt là quan hệ tư).


Tuy nhiên, bộ luật cũng bộc lộ một số bất cập, vướng mắc, cần sửa đổi. Cụ thể, một số quy định của Bộ luật dân sự hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu như: Nhiều quy định về chủ thể, giao dịch, đại diện, nghĩa vụ và hợp đồng, thừa kế còn thiếu tính khả thi, nguy cơ giao dịch bị tuyên bố vô hiệu hoặc bị hủy bỏ còn cao. Quyền của người không phải là chủ sở hữu chưa được quy định đúng với vai trò của họ trong nền kinh tế thị trường và trong việc phát huy giá trị hàng hóa của tài sản.


Vì vậy xây dựng Luật Dân sự (sửa đổi) thành bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật tư, có tính khái quát, tính dự báo và tính khả thi để một mặt, bảo đảm tính ổn định. Mặt khác, đáp ứng được kịp thời sự phát triển thường xuyên, liên tục của các quan hệ xã hội vốn rất năng động thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự.


Liên quan đến các phạm vi điều chỉnh khác như sử dụng thuật ngữ “vật quyền” (luật hiện hành là “Tài sản và quyền sở hữu”), “trái quyền” (luật hiện hành là “Nghĩa vụ và hợp đồng”) và nội dung của vật quyền, trái quyền, hiện có hai loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng, để phù hợp với thực tế thì nên đổi như dự thảo luật. Tuy nhiên cũng có các ý kiến cho rằng, những khái niệm như luật hiện hành đã trở nên quen thuộc. Việc thay đổi thành các thuật ngữ tương ứng cần phải được làm rõ khái niệm và nội hàm; đặc biệt cần cân nhắc về sự trong sáng của tiếng Việt.


Cần trao đổi, nghiên cứu kỹ


“Đây là bộ luật lớn, sẽ lấy ý kiến tại 3 kỳ họp của Quốc hội. Những gì Hiến pháp đã quy định mà trong luật cũ chưa quy định thì phải làm rõ; nhất là quyền tự do kinh doanh, vai trò của tòa án trong cơ quan tư pháp… Đặc biệt, cần xem xét đến việc lấy ý kiến của người dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.


Cùng chung quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, đây là một trong những bộ luật lớn có nhiều vấn đề cần trao đổi, nghiên cứu kỹ hơn, đặc biệt trong thời gian thực thi Hiến pháp và nhiều bộ luật mới ban hành nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản và các giao dịch dân sự.


Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề xuất việc sửa đổi luật gắn với trách nhiệm của Nhà nước pháp quyền phải bảo đảm tính thống nhất với Hiến pháp và các bộ luật khác. Những gì đã được quy định trong Hiến pháp cần được cụ thể hóa, những gì chưa được quy định thì cần phải đưa vào dự thảo luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị giải trình thêm về chế độ sở hữu và hình thức sở hữu; phân định sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân và hình thức sở hữu khác.


Xuân Phong

Khai mạc Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII
Khai mạc Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII

Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII làm việc buổi đầu tiên, cho ý kiến về Dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN