Thảo luận về nội dung này, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ trình Quốc hội xem xét thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương theo đúng thẩm quyền và đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc đối với 3 vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bảo tồn, phát huy tốt hơn giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế
Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày cho thấy, việc xây dựng Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế là cần thiết. Trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, Thừa Thiên - Huế luôn giữ vai trò và vị thế quan trọng; trong đó, với vị trí nằm ở trung độ của cả nước, tỉnh có vai trò kết nối 3 miền Bắc - Trung - Nam, có bề dày về lịch sử, văn hóa được hình thành và phát triển qua dòng chảy gần 720 năm của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, chứa đựng tinh hoa, giá trị biểu trưng trí tuệ và văn minh của dân tộc Việt Nam; là nơi từng là kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788 - 1802) và 143 năm với vương triều Nhà Nguyễn (1802 - 1945). Thừa Thiên - Huế là địa phương duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh.
Xác định vai trò, vị thế của vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa của đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận quan trọng về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, triển khai các kết luận, nghị quyết của trung ương, việc xây dựng Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương sẽ tạo động lực phát triển mới không chỉ cho thành phố Huế mà còn đóng góp thiết thực cho khu vực miền Trung và cả nước; bảo tồn, phát huy tốt hơn giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị quyết 54.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban này và các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với trọng tâm là để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận là phù hợp với các chỉ đạo và định hướng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và hoàn toàn đủ điều kiện áp dụng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 31 của Nghị quyết số 1211 đối với trường hợp thành lập đơn vị hành chính đô thị có yếu tố bảo tồn di sản. Đối chiếu với hiện trạng thực tế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Bên cạnh các điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế - xã hội, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và các quận, thị xã, phường, thị trấn cũng sẽ dẫn tới một số khó khăn, thách thức cho công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, như: việc xác định mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp; việc chuyển đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp; các chính sách đổi mới khoa học, công nghệ hướng tới phát triển xanh; việc cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống cư dân đô thị… Do đó, đề nghị Chính phủ, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đặc biệt quan tâm, chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết, có kế hoạch và định hướng, giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề nêu trên khi thành phố Huế trực thuộc trung ương được thành lập.
Mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân
Tán thành với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, ngoài căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, nhất thiết phải nhấn mạnh, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương không chỉ là niềm tự hào riêng của nhân dân tỉnh, mà là niềm tự hào chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và dân tộc ta sau cả một quá trình phát triển lịch sử và của tỉnh trong thời kỳ mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị khi báo cáo Quốc hội, cần rà soát các tiêu chí cụ thể, ngoài việc thuyết minh, giải trình, cần nhấn mạnh hơn các tiêu chí đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội, bởi đây chính là thế mạnh của Thừa Thiên - Huế, để báo cáo với Quốc hội. Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc xác định, duy trì hoạt động của mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Phương án kế hoạch để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xã hội nghề nghiệp phải cụ thể. Có những chính sách đột phá về phát triển kinh tế, xã hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào thế mạnh của tỉnh; đổi mới khoa học công nghệ theo đúng Nghị quyết 54 và phải báo cáo với các cấp có thẩm quyền để cụ thể các chủ trương này bằng những quyết sách, cơ chế đặc thù.
“Mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngang tầm với các đô thị lớn trong cả nước”, nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý đến việc nâng cao năng suất lao động và thu nhập đầu người, đặc biệt là ở các huyện Quảng Điền, Nam Đông, A Lưới, tinh thần là “lấy miền xuôi nuôi miền ngược”. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền để tạo đồng thuận cao trong đại biểu Quốc hội và nhân dân.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành với việc áp dụng trường hợp đặc thù để xem xét tiêu chuẩn thành phố Huế trực thuộc trung ương theo tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Song ông đề nghị, ngoài tiêu chuẩn đề nghị áp dụng đặc thù, cần rà soát tiêu chuẩn về cân đối thu chi ngân sách, áp dụng quy định đặc thù vì qua rà soát Đề án, việc cân đối thu chi ngân sách của địa phương này mới đạt ở mức đủ, trong khi quy định tại phụ lục kèm theo Nghị quyết 1211 thì yêu cầu phải dư.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần nhấn mạnh hiện nay Huế là một thành phố có sự phát triển về kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Mục tiêu của Đảng, Nhà nước là phải nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở Huế, do đó, phải đưa lên bức tranh Huế là thành phố sáng, xanh, sạch đẹp, là thành phố du lịch, thành phố cố đô, từ xưa đã là thủ đô của đất nước. Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương là xứng đáng.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý rà soát kỹ các tiêu chuẩn, chỉ tiêu liên quan, xây dựng đội ngũ cán bộ thành phố phải mạnh, “quyết đoán, quyết liệt, quyết tâm, quyết làm”. Việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giải quyết tốt đội ngũ cán bộ dôi dư, đảm bảo không lãng phí trong sắp xếp trụ sở, cơ quan. Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đưa Huế lên thành phố trực thuộc trung ương, nhằm lo cho sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sung túc hơn trước.
Tại phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành về mặt nguyên tắc đối với các nội dung liên quan đến việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, cụ thể là, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Huế hiện nay để thành lập 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa; thành lập thị xã Phong Điền và các phường thuộc thị xã Phong Điền; sắp xếp 2 huyện (nhập huyện Nam Đông vào huyện Phú Lộc) và thành lập thị trấn trên địa bàn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, bảo đảm đúng quy định của pháp luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới (tháng 10/2024).