Ngày 22/1, ông Mamdouh Habashi, Trưởng Ban Quan hệ quốc tế của Đảng Liên minh nhân dân xã hội chủ nghĩa (Ai Cập) đã đưa ra nhận định trên khi trao đổi với phóng viên TTXVN tại Cairo về những thành tựu của Việt Nam sau 30 năm Đổi mới cũng như tầm quan trọng của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội.
Toàn cảnh phiên thảo luận các văn kiện Đại hội XII sáng 23/1. Ảnh: TTXVN |
Đánh giá về ý nghĩa của Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Habashi nhấn mạnh: "Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đang diễn ra trong một bối cảnh vô cùng quan trọng: thế giới đang trải qua các cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản và cuộc tấn công của chủ nghĩa tự do mới. Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định được vai trò lãnh đạo thể hiện qua những thành tựu vô cùng to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đang được hưởng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong một đất nước hòa bình và ổn định, với nền kinh tế không ngừng tăng trưởng khởi sắc. Thành công của Việt Nam cũng là thành công của toàn thế giới. Mô hình của Việt Nam đã đạt đến những thành tựu của chủ nghĩa xã hội".
Ông Habashi cho rằng mô hình của Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là đối với các nước đang phát triển vì rất nhiều mô hình đã được thử nghiệm, nhưng chưa thấy mô hình nào thành công. Theo ông, thực tế đã chứng minh rằng chủ nghĩa tự do mới sẽ không bao giờ mang đến thành công.
Về việc thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và các nước Trung Đông- châu Phi, trong đó có Ai Cập, ông Habashi cho rằng các bên cần hợp tác nhiều hơn nữa về kinh tế và thương mại. Theo ông, các mối quan hệ hợp tác hiện nay là quan trọng nhưng chưa đủ và cần có sự hợp tác toàn diện hơn, mang tính hợp nhất hơn giữa các nước phương Nam, nhất là ở những quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Ông Habashi cho rằng các mô hình kinh tế của không ít quốc gia, trong đó có Ai Cập, đang phụ thuộc nhiều vào sự điều hành và định hướng của các đảng chính trị mang màu sắc của chủ nghĩa tự do mới. Do vậy, các nền tảng của kinh tế-chính trị không tới được người dân, không vì mục đích của người dân.
Theo ông, một thế giới phải có nhiều trụ cột chứ không chỉ có một hay vài nước giữ vai trò chủ đạo, do đó sự hợp tác sâu sắc hơn giữa các nước phương Nam (các nước đang phát triển) và phương Bắc (các nước phát triển) cũng cần được thúc đẩy để tạo nên một bức tranh kinh tế thế giới toàn diện hơn.