Hội nghị cấp cao Pháp ngữ:

Việt Nam kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế

Theo đặc phái viên TTXVN, Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 14 đã bế mạc ngày 14/10/2012 tại thủ đô Kinsaxa (CHDC Cônggô) sau hai ngày làm việc với sự tham dự của 56 quốc gia thành viên chính thức, 19 quốc gia thành viên liên kết, quan sát viên và khách mời.


Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chụp ảnh chung với các trưởng đoàn dự Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

 

Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Chủ tịch nuớc Nguyễn Thị Doan làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị.


Với chủ đề “Pháp ngữ, các thách thức môi trường và kinh tế đối với quản trị toàn cầu”, Hội nghị Cấp cao lần này đã tập trung vào một số nội dung lớn như vai trò của châu Phi trong khối Pháp ngữ và quản trị toàn cầu; những thách thức về môi trường và kinh tế; tăng cường phổ biến tiếng Pháp; tình hình an ninh - chính trị quốc tế và tại một số nước Pháp ngữ đang gặp khủng hoảng. Trước đó, Tổng thống nước chủ nhà, Joseph Kabila cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có bài phát biểu khai mạc hội nghị.


Hội nghị Cấp cao diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế-xã hội, môi trường, năng lượng, lương thực…, gây nhiều tác động không thuận đến các thành viên Cộng đồng Pháp ngữ. Khó khăn kinh tế ảnh hưởng xấu đến nguồn đầu tư, viện trợ cho các nước thành viên đang phát triển và kém phát triển; biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hệ luỵ trong việc bảo vệ môi trường sống… Các nhà lãnh đạo Pháp ngữ đã quyết định chọn chủ đề Hội nghị Cấp cao lần thứ 14 là “Pháp ngữ, các thách thức môi trường và kinh tế đối với quản trị toàn cầu” với mong muốn tìm ra giải pháp cho các vấn đề nêu trên tại các nước thành viên cũng như trên bình diện quốc tế.


Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp có trách nhiệm vào hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ. Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nước thành viên, tham gia tích cực vào tất cả các cơ chế và tổ chức của cộng đồng, ủng hộ và có sáng kiến thúc đẩy đoàn kết giữa các nước thành viên, đặc biệt giúp các nước nghèo và đang phát triển phát triển kinh tế, ổn định chính trị-xã hội và hội nhập đời sống quốc tế.


Phó Chủ tịch nước ghi nhận những kết quả đáng khích lệ mà Cộng đồng Pháp ngữ đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực của mình, hoan nghênh các nỗ lực tăng cường vị thế quốc tế của Cộng đồng Pháp ngữ, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng như các cuộc khủng hoảng, xung đột tại một số nước thành viên. Phó Chủ tịch nước cũng mong muốn Cộng đồng Pháp ngữ điều chỉnh hợp lý những ưu tiên chiến lược trong hoạt động nhằm vươn lên tầm cao mới, đặc biệt chú ý tìm kiếm thêm nguồn lực từ bên ngoài và tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế và khu vực khác như: Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu...


Chiều 14/10/2012, các nhà lãnh đạo Pháp ngữ đã thông qua Tuyên bố Kinsaxa, các nghị quyết về tình hình một số nước thành viên, về vấn đề chống cướp biển tại vịnh Ghinê, về tình hình khủng hoảng và củng cố hòa bình, các văn bản định hướng về hợp tác 3 bên, về thúc đẩy không gian số Pháp ngữ và về chính sách thúc đẩy sử dụng tiếng Pháp. Cũng tại hội nghị lần này, Cộng đồng Pháp ngữ đã tiếp nhận thêm 2 thành viên mới là Cata với tư cách thành viên liên kết và Urugoay với tư cách quan sát viên, chuyển quy chế cho Ácmênia từ thành viên liên kết lên thành viên đầy đủ.


Khái niệm về Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 19, dưới ngòi bút của một nhà địa lý người Pháp tên là O. Reclus. Lúc đó khái niệm chỉ được hiểu là bao hàm toàn bộ các dân tộc, các vùng nói tiếng Pháp trên thế giới. Tháng 2/1986, theo sáng kiến của Tổng thống Pháp François Mitterrand, Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của các nước có sử dụng tiếng Pháp đã được tổ chức tại Pari, đánh dấu sự ra đời chính thức của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp. Tháng 12/1998, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Pháp ngữ lần thứ 12, họp tại Bucarét (Rumani), đã thông qua tên gọi chính thức của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp là Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF).

Trước đó, ngày 12/10, trong khuôn khổ chương trình hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã có cuộc tiếp kiến Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) Abdou Diouf. Tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao vai trò của OIF trong việc bảo vệ lợi ích của các quốc gia thành viên, tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch nước cũng mong muốn OIF tiếp tục quan tâm, có chính sách phù hợp đối với các quốc gia thành viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Về phần mình, Tổng Thư ký OIF Abdou Diouf bày tỏ sự ngưỡng mộ vị thế của Việt Nam tại khu vực và trên trường quốc tế đồng thời đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc phát triển tiếng Pháp tại Việt Nam và tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kể cả tại các nước không phải thành viên của OIF.


Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đã có các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Cộng hòa Cônggô, Thủ tướng Gibuti, Bộ trưởng Ngoại giao Haiti, Quốc vụ khanh Rumani, Thủ hiến bang Québec (Canađa) để trao đổi về quan hệ song phương, chứng kiến lễ ký kết Thỏa thuận về Dự án đào tạo tiếng Pháp cho cán bộ ngoại giao và công chức giữa Việt Nam và OIF, thăm làng Pháp ngữ...



T.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN