Tham dự buổi thuyết trình có quan chức Bộ Ngoại giao Malaysia, Đại sứ một số nước tại Malaysia, đại diện ngoại giao đoàn, lãnh đạo IDFR cùng giới chuyên gia nghiên cứu, báo giới sở tại.
Trong bài thuyết trình về năm ASEAN 2020 tại khách sạn Swiss Garden, Kuala Lumpur, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thành vai trò nước Chủ tịch ASEAN 2020 với mục tiêu “Vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.
Đại sứ Lê Quý Quỳnh nhấn mạnh việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN là trách nhiệm to lớn, mang đến nhiều thách thức cũng như cơ hội cho Việt Nam. Việt Nam sẽ quyết tâm và dành ưu tiên cao nhất thực hiện trọng trách này, góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng gắn kết và vững mạnh trên cơ sở kế thừa những thành quả đạt được từ Chủ tịch ASEAN trước và đề xuất các sáng kiến và kế hoạch mới góp phần hoàn thành mục tiêu Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Theo Đại sứ Lê Quý Quỳnh, trong năm vừa qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp với sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và cạnh tranh thương mại. Xuất phát từ các vấn đề đặt ra cho ASEAN cũng như căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” với mong muốn khẳng định đoàn kết có ý nghĩa quyết định với sự vững bền của ASEAN.
Để giúp các đại biểu và quan khách hiểu rõ thêm, Đại sứ Lê Quý Quỳnh đã phân tích, làm rõ nội hàm của chủ đề này. Theo ông, “gắn kết” là mong muốn củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực và thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc của ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Đại sứ Lê Quý Quỳnh nhấn mạnh thông qua “Chủ động thích ứng”, Việt Nam mong muốn nâng cao năng lực của ASEAN nhằm thích ứng một cách chủ động và hiệu quả trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới cũng như tận dụng khả năng nâng cao cơ hội và hạn chế thách thức do tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo ông, gắn kết và thích ứng là hai thành tố có tính giao thoa, bổ trợ lẫn nhau. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển mới có thể thích ứng hiệu quả với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, chủ động thích ứng sẽ giúp ASEAN gắn kết chặt chẽ, nhờ đó tăng cường sức mạnh tổng thể.
Trong bài thuyết trình cũng như phần hỏi đáp, trao đổi với các quan khách tham gia buổi thuyết trình, Đại sứ Lê Quý Quỳnh nhấn mạnh chủ đề này có tính tiếp nối từ các chủ đề của ASEAN năm 2019 là “Tăng cường đối tác vì sự bền vững” và năm 2018 là “Tự cường và Sáng tạo”, đồng thời cũng đã nhận được sự hưởng ứng cao của các nước thành viên ASEAN và sự đồng tình, ủng hộ của các nước đối tác của ASEAN.
Bên cạnh đó, Đại sứ khẳng định với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, các quốc gia, đặc biệt là các nước ASEAN cần bắt kịp xu hướng và áp dụng công nghệ mới trong sản xuất và phát triển đất nước. Ông nhấn mạnh một quốc gia sẽ không thể trở nên thịnh vượng nếu chỉ tập trung vào sản xuất nông nghiệp với công nghệ lạc hậu.
Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Malaysia cũng cho biết Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên trong năm Chủ tịch. Một là, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Hai là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các Đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế; hiện đại hóa nền hành chính công; xây dựng môi trường xanh...
Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN: tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.
Bốn là, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.
Năm là, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN: cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.