Việt Nam cam kết đóng góp tích cực vào các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) ngày 16/10 đã có phát biểu về gìn giữ hòa bình và phi thực dân hóa trong khuôn khổ phần thảo luận chung tại Ủy ban Chính trị đặc biệt và Phi thực dân hóa của Đại hội đồng LHQ Khóa 75.

Chú thích ảnh
Đại sứ Đặng Đình Quý phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Khắc Hiếu/Pv TTXVN tại Mỹ

Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, giúp tạo dựng môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển. Trước những diễn biến phức tạp hiện nay, đặc biệt là tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, LHQ cần đề cao các nguyên tắc cơ bản về gìn giữ hòa bình như tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, phải được sự đồng ý của các bên liên quan, bảo đảm khách quan và không sử dụng vũ lực ngoại trừ mục đích tự vệ và bảo vệ phái bộ. Đại sứ nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm nguồn lực cho các phái bộ thực hiện các nhiệm vụ ngày càng phức tạp. Đại sứ cũng đề cao hợp tác ASEAN – LHQ, vai trò và nỗ lực của ASEAN trong đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.

Ông khẳng định cam kết của Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, đồng thời tăng cường hợp tác với LHQ và các nước để cùng nhau nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng các hoạt động này.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình phi thực dân hóa và tôn trọng quyền tự quyết của dân tộc các nước thuộc địa, phù hợp với Tuyên bố năm 1990 của LHQ về Trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa, Hiến chương LHQ và các nghị quyết có liên quan. LHQ có thể đóng vai trò quan trọng bảo đảm hoạt động của các nước quản thác không ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của người dân các lãnh thổ không tự quản, khuyến khích thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của các khu vực này và hỗ trợ thực hiện quyền tự quyết dân tộc theo Hiến chương LHQ và các nghị quyết liên quan.

Ủy ban Chính trị đặc biệt và Phi thực dân hóa (gọi tắt là Ủy ban 4) là một trong 6 ủy ban chính của Đại hội đồng LHQ, có nhiệm vụ xem xét một số vấn đề chính trị đặc biệt và gìn giữ hòa bình. Tại Khóa 75 Đại hội đồng LHQ, Ủy ban có phần thảo luận chung từ ngày 9/10-4/11/2020 để bàn về các đề mục trong chương trình thảo luận thường niên, tập trung vào nhiều lĩnh vực gìn giữ hòa bình, phái bộ chính trị đặc biệt, phi thực dân hóa, hợp tác quốc tế về sử dụng khoảng không vũ trụ hòa bình, ảnh hưởng của phóng xạ hạt nhân, hoạt động của Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine ở Cận Đông, Báo cáo của Ủy ban đặc biệt điều tra về các hành vi của Israel gây ảnh hưởng đến quyền của người Palestine và người Arab ở các vũng lãnh thổ bị chiếm đóng. Dự kiến tham gia phát biểu tại phiên thảo luận có trên 130 nước thành viên LHQ. 

Hiện vẫn còn 17 lãnh thổ không tự quản đặt dưới sự quản lý của LHQ và trong phạm vi thảo luận của Ủy ban 4 gồm Tây Sahara, Anguilla, Bermuda, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Quần đảo Cayman, Quần đảo Falkland (Malvinas), Monstserrat, Saint Helena, Quần đảo Turks và Caicos, Quần đảo Virgin thuộc Mỹ, Gibraltar, vùng lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ, vùng lãnh thổ Polynesia thuộc Pháp, Guam, New Caledonia, Pitcairn, Tokelau.

Hải Vân (TTXVN)
Việt Nam tham gia chủ trì cuộc thảo luận về khía cạnh pháp lý của dịch COVID-19 tại LHQ
Việt Nam tham gia chủ trì cuộc thảo luận về khía cạnh pháp lý của dịch COVID-19 tại LHQ

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 16/10, Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã cùng với Phái đoàn các nước Chile (nước Chủ tịch Ủy ban Pháp lý), Bồ Đào Nha, Sierra Leone và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức cuộc Thảo luận trực tuyến với chủ đề “Đánh giá các khía cạnh pháp lý liên quan đến đại dịch COVID-19”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN