Theo ông Khương Đình Hà (ở số nhà 157 Trưng Nữ Vương, phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".
Điều này thể hiện ở chỗ không ít cán bộ, đảng viên có lối sống buông thả dẫn đến mất tư cách người cán bộ, đảng viên, làm mất niềm tin trong quần chúng nhân dân. Cũng có không ít người lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình để vụ lợi, bè phái, không lấy quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân, không vì mục tiêu phát triển của đất nước mà chỉ nhằm phục vụ cho bản thân mình, gia đình mình, dòng họ nhà mình. Cũng đã xuất hiện hiện tượng một số cán bộ, đảng viên vì tham nhũng mà xa dần lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Ông Khương Đình Hà nhấn mạnh, Tổng Bí thư với trách nhiệm của mình trước vận mệnh của Đảng, vận mệnh của đất nước đã chỉ rõ để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn và thật sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, người tổ chức và lãnh đạo sự thành công của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, cần tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện tự phê bình và phê bình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, chống chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền…
Tổng Bí thư đã bắt được đúng căn nguyên mầm mống của căn bệnh "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Vì vậy trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự là những người gương mẫu trong quá trình ngăn chặn và chữa trị căn bệnh này. Trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng này, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phải phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí công luận.
Tất cả phải đồng lòng để tạo ra sự đồng thuận và thống nhất cao thì chắc chắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ cán bộ, đảng viên sẽ thành công.
Là người làm công tác kiểm tra, ông Trần Xuân Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam chia sẻ: Cùng với quá trình thực hiện đường lối đổi mới đất nước, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác xây dựng Đảng bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi Đảng cần tiếp tục đổi mới để đáp ứng yêu cầu là Đảng tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu là tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm càng phải đặc biệt chú trọng. Điều này nhằm phòng chống các biểu hiện “tha hóa” quyền lực, “lợi ích nhóm”, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, hiệu quả điều hành phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ông Trần Xuân Vinh cho rằng để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Vì vậy, cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm nhằm giáo dục, ngăn ngừa vi phạm, không để khuyết điểm trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn.