[Trực tiếp] Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ 2: Lao động, thương binh và xã hội

Ngay sau phần chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực y tế, chiều 10/11, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ 2, liên quan tới lao động, thương binh và xã hội. Các đại biểu đặt nhiều câu hỏi liên quan việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; công tác bảo vệ quyền trẻ em; Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường lao động sau khi đội ngũ lao động rời TP Hồ Chí Minh về các địa phương.

Tiêu điểm sự kiện
17:00 Ngày 10/11/2021

Vào lúc 17h, Quốc hội kết thúc phiên chất vấn ngày 10/11

Chú thích ảnh
16:55 Ngày 10/11/2021

Việc làm trong cách mạng 4.0?

Nhiều câu hỏi liên quan tới vấn đề việc làm đã được đại biểu đưa ra chất vấn.

Chú thích ảnh

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH Hà Nội):

Dòng người lao động về quê là làn sóng kép. Hệ quả của cách mạng 4.0, vấn đề việc làm là rất quan trọng, Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này?

Vấn đề đào tạo nghề cần được chú trọng khi trung bình 4 người mới có 1 người được đào tạo, giải pháp của Bộ? Bộ nên có báo cáo hàng năm về thị trường việc làm để định hướng.

Chú thích ảnh

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):

Nhiều lao động chưa tiếp cận được những gói hỗ trợ, Bộ trả lời về vấn đề này.

Chú thích ảnh

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đăk Lăk):

Vấn đề vốn vay giải quyết việc làm? Giải pháp nào để phục hồi thị trường lao động?

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai):

Vấn đề đào tạo có vai trò to lớn trong cuộc cách mạng 4.0, Bộ trưởng đã có kế hoạch như thế nào trong thời gian tới?

16:49 Ngày 10/11/2021

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần làm rõ làn sóng dân di cư về quê

Chú thích ảnh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần làm rõ làn sóng di cư của người dân từ các tỉnh phía Nam về quê cần phải được tổng hợp rõ.

"Tôi đề nghị vào cuối phiên chất vấn trong Kỳ họp này, các thành viên Chính phủ cần tổng hợp báo cáo trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm rõ trách nhiệm để có giải pháp về việc xử lý những thiếu hụt lao động sau làn sóng dân di cư về quê", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu ý kiến cần giải quyết sinh kế cho người dân khi di cư từ các tỉnh về quê. Rút ra bài học gì và có cam kết được việc này không xảy ra trong tương lai, khi dịch bệnh khó lường, không chủ quan, trách nhiệm giải quyết của chính quyền các địa phương và cần có cam kết việc này không?

Trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi để dân ra đi và nơi dân đến. Sau phiên chất vấn này, các thành viên Chính phủ giải trình rõ trước Quốc hội.

16:48 Ngày 10/11/2021

Giải pháp phục hồi thị trường lao động

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời đại biểu Cầm Thị Mẫn, đoàn Thanh Hoá:

Để phục hồi thị trường lao động, Bộ đã đề xuất 7 nhóm giải pháp, trong đó có các giải pháp về: An sinh, hỗ trợ người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối phát triển việc làm trực tuyến, nâng cao chất lượng đào tạo, hoàn thiện dữ liệu quốc gia về lao động; chăm lo nhà ở cho người nghèo, người lao động khó khăn…

Về vấn đề nhập cư, chúng ta không bao giờ coi người nhập cư, người lao động từ các tỉnh về đô thị là công dân hạng 2. Công dân ở đâu cũng là công dân Việt Nam. Hiện những người lao động dịch chuyển gặp nhiều khó khăn. Có 3 vấn đề quan tâm: Phải đánh giá đúng vai trò của lực lượng lao động địa phương về thành thị ,đô thị, nhất là lĩnh vực dịch vụ đô thị, xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng; đặc biệt quan tâm đến môi trường làm việc, môi trường sống, môi trường tối thiểu của người lao động: Môi trường làm việc, môi trường sống, nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, dịch bệnh thì có vaccine, chế độ tiền lương thu nhập… Với lực lượng lao động về các thành phố cần được quan tâm.

Trả lời đại biểu Trần Đình Gia, Hà Tĩnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Với vấn đề dân về quê, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội không phải chịu trách nhiệm chính vì liên quan nhiều vấn đề di dân, an ninh trật tự… phạm vi chúng tôi làm được, chúng tôi đã đề xuất chính sách hỗ trợ cho các đối tượng những phụ nữ, trẻ em, đối tượng yếu thế…

16:44 Ngày 10/11/2021

Có thể giao về 1 mối để quản lý các trường nghề

Chú thích ảnh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời ĐB Nguyễn Thành Nam, Phú Thọ:

Hiện chúng ta có 1.900 các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trong đó có 400 công lập hệ cao đẳng, 400 cơ sở trung cấp, còn lại hầu như là tư thục.

Chúng tôi đang rà soát, sắp xếp theo nguyên tắc: Các cơ sở 3 năm liền không đạt yêu cầu thì sắp xếp; các cơ sở cùng địa bàn,trùng ngành nghề khoảng 60%; một tỉnh có nhiều trường có thể hình thành 1- 2 trường cao đẳng trừ Hà Nội TP Hồ Chí Minh là trọng điểm thì có thể nhiều trường nghề hơn, còn cơ bản sắp xếp lại. Trong cao đẳng có 3 hệ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp. Cơ bản sắp xếp các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.. gắn bó với nhau.

Qua hơn 2 năm triển khai, hiện các tổ chức sắp xếp tinh gọn trên 300 cơ sở. Do hiện nhiều ngành, bộ cơ quan, địa phương quản lý khác nhau trên cùng địa bàn vừa có trường của địa bàn, của các Bộ khác nhau.

Hiện Bộ đang phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng mạng lưới trường nghề tinh gọn nhất; có thể chuyển giao về 1 đầu mối quản lý trung ương; giao địa phương chủ động sắp xếp theo quy hoạch mạng lưới, quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội địa phương…

Riêng 2 trường mà Bộ Công thương muốn bàn giao cho Phú Thọ, Bộ có y kiến: Sau khi chúng tôi nhận được ý kiến của tỉnh Phú Thọ đề nghị Bộ Lao động ủng hộ bàn giao 2 trường cao đẳng về Phú Thọ, Thủ tướng đang giao cho Bộ phải làm quy hoạch các trường cao đẳng; hệ thống trường nghề trên cả nước; trên cơ sở đó sẽ xem xét quy hoạch tổng thể bàn giao hay không. Tôi cũng đã có trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công thương về vấn đề này; chúng tôi có ý kiến việc này dừng lại một thời gian để Bộ công thương xem xét cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sắp xếp xong thì sẽ bố trí theo thẩm quyền trên cơ sở bàn bạc. Chứ không phải chúng tôi không ủng hộ.

16:43 Ngày 10/11/2021

Không để chồng lấn trong các chương trình hỗ trợ người nghèo

Chú thích ảnh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời Đại biểu Lâm Văn Đoan, đoàn Lâm Đồng:

Chương trình Giảm nghèo, Chương trình Nông thôn mới, Chương trình hỗ trợ phát triển miền núi, 3 Chương trình phối hợp, hỗ trợ nhau để không bị chồng lấn.

Trong Chương trình này, chúng tôi đề xuất:

Toàn bộ chính sách BHYT, miễn giảm lệ phí, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ trợ giúp pháp lý để vay vốn… sẽ thiết kế theo chương trình phục hồi. 3 vấn đề lớn là: Đề nghị hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất để có vài chục ngàn tỷ để hỗ trợ cho daonh nghiệp phát triển nhà ở xã hội thì Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng đang trình đề án.

Vấn đề nhà ở cho người nghèo, sau khi báo cáo Quốc hội, Thủ tướng, chúng tôi đề xuất sẽ dành 5.000 tỷ trong Chương trình giảm nghèo để hỗ trợ, đảm bảo không còn số hộ nghèo, khó khăn ở 64 huyện nghèo trong nhiệm kỳ này; nhiệm kỳ sau hướng tới không còn hộ nghèo.

Chúng tôi đề xuất vài chục ngàn tỷ để tung ra 1 gói hỗ trợ nhà ở cho công nhân, và những người ở các địa phương; tránh tình trạng khó khăn như hiện nay.

16:39 Ngày 10/11/2021

Không thể trích quỹ BHXH để xây nhà cho công nhân

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc có thể sử dụng quỹ BHXH để xây nhà cho công nhân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định:

Hiện nay quỹ Bảo hiểm xã hội còn xấp xỉ 1 triệu tỷ, nhưng trong đó gần 900.000 tỷ là quỹ hưu trí, tử tuất; đây là quỹ dài hạn, là lương, là cuộc sống của hàng triệu người. Không thể sử dụng quỹ này cho việc khác được, các nước họ cũng không cho phép; vì đây là quỹ ngoài ngân sách, quỹ của những người tham gia bảo hiểm theo nguyên tắc đóng ít hưởng ít, nhiều hưởng nhiều, không thể lấy quỹ cho những đối tượng khác được.

Muốn đầu tư xây nhà cho công nhân, nhưng chúng ta nên sử dụng ngân sách, sử dụng nguồn khác chứ không thể dùng quỹ Bảo hiểm xã hội để làm vì không đúng nguyên tắc, quy định; không đảm bảo tính an toàn bền vững của quỹ. Hiện nay một năm chúng ta phải chi tiền lương cho người nghỉ hưu khoảng hơn 200.000 tỷ. Do vậy, quỹ này phải bảo toàn và phát triển bền vững, chúng tôi không dám đề xuất vấn đề này.

16:37 Ngày 10/11/2021

Sẽ sớm có kết luận về 6 tố giác liên quan đến nghệ sỹ chiếm đoạt tiền quyên góp từ thiện

Chú thích ảnh

Trả lời câu hỏi của đại biểu QH về kết luận điều tra của cơ quan công an đối với vấn đề các nghệ sỹ quyên góp tiền từ thiện ủng hộ đồng bào miền Trung trong đợt bão lụt năm 2020, sau đó chiếm đoạt đang được dư luận đặc biệt quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã giao Cục Cảnh sát hình sự tập trung xác minh hoạt động quyên góp, phối hợp với các ngân hàng rà soát, kiểm tra, thống kê nguồn tiền ra vào qua tài khoản của các nghệ sỹ; đồng thời, phối hợp với cơ quan Mặt trận tổ quốc ở các địa phương cơ sở và các cơ quan liên quan tiếp nhận tài trợ, cứu trợ của nghệ sỹ để sớm có kết luận. 

Hiện nay, Cục Cảnh sát hình sự đã tiếp nhận 6 tố giác liên quan đến các cá nhân lợi dụng danh nghĩa nghệ sỹ để quyên góp tiền từ thiện, sau đó chiếm đoạt và đang tiến hành các bước xử lý theo đúng quy định pháp luật. Cục Cảnh sát hình sự sẽ sớm có thông tin công khai, minh bạch để người dân được biết. Bộ Công an cũng đang tham mưu Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách quy định kiểm soát, siết chặt hoạt động quyên góp, từ thiện theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

16:29 Ngày 10/11/2021

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Phải có báo cáo rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ về tiền và hàng khi quyên góp, thiện nguyện

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có giải trình trước Quốc hội về việc tổ chức thiện nguyện, quyên góp.

Qua kiểm tra, Bộ Tài chính đã phát hiện ra những vấn đề cần chấn chỉnh và nhận thấy có những khuất tất trong việc quyên góp thiện nguyện về hàng, tiền do các tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức quyên góp...

Để giải quyết những hạn chế này, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 93 với nhiều điểm mới nhằm quy định rõ: Các đối tượng, kể cả từ Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, các cá nhân, tổ chức đứng ra làm thiện nguyện, vận động quyên góp quản lý tiền và hàng và phân bổ những mặt hàng này đúng đối tượng thụ hưởng.

Nghị định cũng quy định phải ghi chép đầy đủ quá trình mở tài khoản, nhận tiền và hàng thiện nguyện.

Sau vận động, các tổ chức, cá nhân phải đóng tài khoản. Niêm yết công khai sau khi đã vận động và phân phối tiền, hàng đó; phải có báo cáo rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ.

Trước khi vận động quyên góp, các tổ chức, cá nhân phải có thông báo tới UBND cấp sở tại, việc phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ để thông tin chặt chẽ đến các tổ chức, cá nhân.

Nghị định 93 cũng quy định việc đóng góp tự nguyện, giảm giá điện, nước với tổ chức, người dân... Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra do các bộ, ngành có liên quan giám sát đúng quy định của pháp luật.

16:26 Ngày 10/11/2021

Trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở đâu trước làn sóng người lao động bỏ phố về quê?

Các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai):

Đại dịch COVID-19 khiến đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Quan điểm của Bộ trưởng thế nào về việc cần tung ra các gói hỗ trợ nhiều hơn?

Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh):

Làn sóng lao động từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai ồ ạt về quê tránh dịch thời gian qua khiến cử tri, nhân dân cả nước rất nhiều tâm tư. Trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu bởi sự phản ứng chậm trễ, không nhận được tình hình?. Làn sóng về quê này xảy ra nhiều lần, trước khi Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách và sau khi nới lỏng xã hội.

Chú thích ảnh

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ):

Hiện nay vẫn còn cơ sở giáo dục chưa phát huy hiệu quả, theo Bộ trưởng, cần có giải pháp gì để nâng cao chất lượng đào tạo lao động được tốt hơn?

Đại biểu Trần Thanh Mẫn (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa):

Giải pháp căn cơ nào để phục hồi thị trường lao động? Qua đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, địa phương mới nhận thức vai trò của lao đông nhập cư, để người lao động này không bị coi là công dân hạng 2, điều quan tâm nhất trong chính sách hỗ trợ là gì, thưa Bộ trưởng?

16:20 Ngày 10/11/2021

Giám sát ra sao với hiện tượng trục lợi chính sách?

Chú thích ảnh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) về trục lợi chính sách kiểm tra, giám sát như thế nào:

Khi xây dựng Nghị quyết 68 cùng các quy định thì đều quy định rõ phân công trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức địa phương, các ngành được phân công.

Thứ 2 là thời gian qua các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước các ngành đi kiểm tra đều kiểm tra an sinh, hỗ trợ.

Thứ 3 là thời gian qua, Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp Bộ Lao động và Thương binh xã hội phối hợp Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm, Ngân hàng tổ chức 12 đoàn đi kiểm tra ở 33 tỉnh, thành phố. Kết quả tổng hợp thì có trục lợi không? Có, ở 1 số địa phương đã xảy ra, gói Nghị quyết 42 phát hiện xử lý ở 4 địa phương, có những địa phương phải cách chức cả bí thư, chủ tịch Mặt trận, Bí thư đoàn thanh niên vì để người nhà trong danh sách người nhà, trong danh sách hưởng chính sách.

Vừa qua có xử lý trong gói 68 này, thậm chí khởi tố hình sự 2 trường hợp đưa người không thuộc danh sách vào rồi lập danh sách khác để rút tiền trục lợi. Các địa phương đều quan tâm kiểm tra giám sát, tôi tin vấn đề này không tránh được nhưng về cơ bản các địa phương đã đảm bảo công khai minh bạch, đúng đối tượng.

16:18 Ngày 10/11/2021

Giải pháp với hộ nghèo và cận nghèo

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh về hộ nghèo và cận nghèo có giải pháp gì, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết:

Sau khi Quốc hội có Nghị quyết 28 phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững thì Chính phủ đã khẩn trương thiết kế các nội dung được giao. Trong đó từ rà soát toàn bộ tỷ lệ hộ nghèo, riêng công đoạn này rất rích rắc, từ cơ sở gửi lên, không bình xét, rà soát theo tiêu chí, mà ngay việc xây dựng tiêu chí, chúng tôi phải xây dựng tiêu chí rồi lấy ý kiến địa phương, trình các Bộ sau đó Chính phủ phê chuẩn. Trên cơ sở tiêu chí thì rà soát hộ nghèo thì đến nay đã rà soát xong. Số liệu này giảm đi so với khi trình Quốc hội nhưng thời điểm này do dịch thì tăng lên, chúng ta giữ mức cận nghèo và nghèo ở khoảng 15,6%.

Chúng tôi đã hoàn thiện báo cáo khả thi, hiện nay Chính phủ đang giao cho hội đồng thẩm định quốc gia để hội đồng thẩm định thẩm định trong tháng 11 này. Và tháng 12 Chính phủ thông qua. Khả năng khoảng 10/12 Chính phủ có thể phê duyệt được dự án chương trình này, đảm bảo đúng 1/1/2022 thì chương trình này bắt đầu được triển khai trên toàn bộ quy mô cả nước.

Ba lưu ý của Quốc hội trong đó lưu ý kết nối 3 chương trình thì cả 3 chủ chương trình đã ngồi với nhau. Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ là trưởng ban chỉ đạo. Về cơ bản sẽ đảm bảo sớm nhất thực hiện chương trình. Chúng tôi tin tưởng chương trình thành công.

16:17 Ngày 10/11/2021

Bình đẳng giới trong phục hồi kinh tế - xã hội

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Cầm phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trả lời Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) về bình đẳng giới trong phục hồi kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong 7 nội dung liên quan phục hồi thị trường lao động và an sinh thì có 1 nội dung liên quan đến bình đẳng giới mà nội dung này tập trung 4 vấn đề lớn từ hỗ trợ việc làm, dạy nghề, tạo điều kiện công ăn việc làm tại địa phương, số tiền đủ lớn để phụ nữ khởi nghiệp. Tuy nhiên, về số tiền cụ thể thì Chính phủ báo cáo Quốc hội, Quốc hội duyệt đã mới nói được.

Tinh thần này thì tôi nghĩ chắc chắn Chính phủ sẽ trình ra Quốc hội và quyền quyết định ở Quốc hội. Chúng tôi sẽ lưu ý ý kiến này trong góp ý kiến và hoàn thiện đề án của Chính phủ.

16:15 Ngày 10/11/2021

Tất cả thủ tục trong Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đang ở mức độ thông thoáng nhất rồi

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi của Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) việc triển khai chậm các gói hỗ trợ do tiêu chuẩn cao, quy trình phức tạp, thiếu công khai minh bạch, phối hợp máy móc.

Tôi báo cáo lại thế này, sau khi đại dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo Bộ khẩn trương xây dựng đề xuất các chính sách. Chúng tôi thẳng thắn đây là chính sách chưa từng có tiền lệ, nhiều nội dung vượt thẩm quyền của Chính phủ, do đó chúng tôi và các ngành chức năng làm đêm ngày, thứ 7 – chủ nhật nhóm liên ngành vẫn làm đến 12 giờ đêm với tốc độ người dân đang đói thì đừng hi vọng về nhà. Nếu chúng ta để người dân đói là chúng ta có lỗi có tội với dân, đúng như tư tưởng lãnh đạo Đảng và Nhà nước nói là không được để ai thiếu ăn thiếu mặc. Do đó các chính sách này chúng tôi triển khai nhanh.

Do đó, tôi xin đính chính như thế này, tất cả thủ tục trong Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đang ở mức độ thông thoáng nhất rồi, không thể thông thoáng hơn được nữa. Ví dụ như Nghị quyết 116 người lao động không phải kê khai gì cả, tự bảo hiểm chuyển tiền vào tài khoản để hưởng. Doanh nghiệp cũng vậy nên chỉ trong 5 ngày mà 363.000 doanh nghiệp được hưởng.

Phương châm thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm do đó trong suốt quá trình thực hiện Nghị quyết 68, trong 1 tháng rưỡi phát hiện có 2 vướng mắc ở Bình Dương và vướng mắc xác định thủ tục thuế thì Chính phủ cho sửa ngay bằng Nghị quyết 126, nhưng trong quá trình thực hiện thì có nơi này nơi kia thì còn cứng nhắc, máy móc. Riêng việc hỗ trợ cho người F0 và trẻ em ăn 80.000 đồng mà có địa phương kiến nghị Bộ trưởng 3 trang giấy, toàn nêu vướng mắc. Về sau tôi phải nói đồng chí cứ làm đi, nếu như F0 và trẻ em ăn mà có ai không thanh toán thì tôi chịu trách nhiệm,bấy giờ địa phương mới cho thanh toán. Tâm lý một số địa phương sợ sai, sợ trách nhiệm trong đó có trách nhiệm của chúng tôi là tuyên truyền phổ biến không kỹ không đầy đủ. Nhưng về cơ bản thủ tục thì đến bây giờ chúng tôi cho rằng thông thoáng, cơ bản đảm bảo chặt chẽ, không thể rút thêm được nữa.

16:12 Ngày 10/11/2021

Các đại biểu tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Đinh Thị Ngọc Dung phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương):

Thực hiện các gói hỗ trợ cho người dân bị COVID-19, quy trình phức tạp, việc công khai thông tin chưa tốt, sự phối kết hợp còn cứng nhắc, máy móc… Bộ trưởng đánh giá và làm gì để triển khai được tốt hơn?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Cầm phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang): Bộ có kiến nghị, giải pháp gì để đề án phát triển bình đẳng giới được triển khai?

Chú thích ảnh

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh): Các hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn, Bộ đã đánh giá và đưa giải pháp như thế nào ?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên): Vấn đề trục lợi chính sách hiện Bộ kiểm tra, giám sát như thế nào, làm sao để khắc phục?

16:10 Ngày 10/11/2021

Chủ tịch Quốc hội đề nghị 2 bộ trưởng giải trình về những "lình xình" trong quyên góp từ thiện

Chú thích ảnh

Trước khi Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý kiến: Đối với vấn đề quyên góp thiện nguyện có những lình xình, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công an giải trình thêm.

15:55 Ngày 10/11/2021

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn:

Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020 kết dư là hơn 90.600 tỷ đồng. Kết dư thông thường là 10% nên số kết dư như trên là tốt và an toàn. Thông thường mức kết dư ở mức gấp 2 lần mức chi năm liền kề. Trên cơ sở đó năm 2020 chi 1/4 số kết dư này. Trong tình cảnh năm 2021 lao động gặp khó khăn, chúng tôi thấy rằng để kết dư lớn như vậy không ổn nên sau khi đánh giá tác động và tính toán cân nhắc kết dư đảm bảo an toàn trong 5 năm tới, Chính phủ thấy có căn cứ báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến sử dụng 38.000 tỷ để hỗ trợ cho người lao động. Đây là giải pháp tình thế. Trong tình hình hiện nay hoàn toàn an toàn nên sau khi chi năm 2021 thì kết dư khoảng 56.000 tỷ đồng, gấp 2 lần năm chi BHTN.

Việc áp dụng công nghệ thông tin đã  giúp phát hiện nhiều trường hợp không chính xác. Qua rà soát và điều chỉnh danh sách phát hiện 22.000 trường hợp nhầm lẫn và chỉ còn 1.990 người phát trước đó. Đã đưa CNTT vào kết hợp với dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu lao động và cơ sở sử dữ liệu an sinh để xem xét sẽ khắc phục nhầm lẫn.

Trong triển khai khó tránh khỏi nhầm lẫn vì chúng ta muốn hỗ trợ nhanh trong khi dân muốn hưởng sớm, nên có chỗ trục lợi. Việc đưa CNTT sẽ khắc phục cơ bản gói hỗ trợ.

Huy động nguồn lực làm thiện nguyện thì Nghị định 64 có quy định huy động mọi nguồn lực hỗ trợ tham gia dịch bệnh, thiên tai. Trong đó quy định Bộ Tài chính là đơn vị đứng ra nhận tài trợ và UBMTTQ và Hội chữ thập đỏ đứng ra huy động nhận thiện nguyện và Nghị định 64 cũng cho phép các tổ chức khác đứng ra việc tổ chức thiện nguyện.  Thời gian qua ủng hộ bão lũ đến người dân nhưng cũng xảy ra một số vấn đề. Quan điểm cá nhân là khuyến khích nhưng phải theo quy định luật pháp. Tổ chức, đơn vị nào sai thì xử phạt theo quy định.

Đối với đối tượng yếu thế, thời gian qua, chúng ta cơ bản bao phủ đối tượng. Trong thời gian tới sẽ rà soát nếu chưa phù hợp thì điều chỉnh, bổ sung.

Người dân về quê, lực lượng lao động về quê có nhiều khác nhau về số liệu và tổng kết từ các địa phương. Con số chính thức khoảng 1,3 triệu người, chiếm 60% từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, các tỉnh trọng điểm phía Nam. Khoảng 30% số naày có nhu cầu quay trở lại thành phố làm việc, 30% có nhu cầu chuyển sang nghề khác; 40% có nhu cầu ở lại quê. Sau khi trao đổi với địa phương và các tỉnh địa phương trọng điểm có kết nối và địa phương khác trong vùng để kết nối như Thanh Hóa kết nối làm việc tại Bắc Giang, Bắc Ninh với hơn 50.000 lao động.

Tạo việc làm tại chỗ như Quảng Nam, Quảng Trị tiếp nhận lao động nghề may. Chủ trương khuyến khích lao động quay trở lại làm việc.

Tập trung các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ việc làm, tạo việc làm mới tại địa phương.

Về gói lao động tư do, trong Nghị quyết 68 phải tạo sự linh hoạt tại địa phương. Chính phủ chỉ quy định sàn mức địa phương trên cơ sở ngân sách và đối tượng cụ thể. Năm 2020 chỉ hỗ trợ 1 triệu lao động tư do nhưng nay hỗ trợ trên 12,9 triệu lao động tư do với kinh phí trên 16 nghìn tỷ đồng.

Vừa qua ngân sách địa phương không còn nên việc hỗ trợ chậm lao động tự do. Chúng tôi sẽ tổng kết và sẽ có kiến nghị cụ thể về hỗ trợ này.

15:50 Ngày 10/11/2021

Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Các đại biểu quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Nguyễn Lân Hiếu phát biểu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) chất vấn: Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (38 nghìn tỷ) sẽ hết, Bộ trưởng sẽ triển khai tiếp tục như thế nào?

Vai trò của công nghệ thông tin trong việc nhầm lẫn trong chi trả cho những đối tượng ở Bình Dương?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước phát biểu. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam): Sau những thiên tai lũ bão, dịch bệnh xảy ra, nhiều tổ chức từ thiện đã đứng ra và có nhiều hệ lụy từ những việc quyên góp làm mất đi tính nhân văn của việc làm từ thiện, quan điểm, trách nhiệm của Bộ trưởng về những lùm xùm trong công tác thiện nguyện

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên): Với những đối tượng cán bộ yếm thế, Bộ đã nắm bắt và tham mưu với Quốc hội như thế nào để an dân?

Đại biểu Trịnh Lam Sinh (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang): Đợt dịch COVID-19 vừa qua khiến nhiều đợt người dân về quê, cuộc sống người dân bấp bênh, nhất là người già, trẻ em. Chính sách cho người trở về quê ra sao? Chính sách cho người lao động tự do nơi có, nơi không, Bộ trưởng lý giải về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau): Làm thế nào để người dân có việc làm cho người dân tại quê hương? Câu hỏi này cũng xin được gửi tới Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

15:29 Ngày 10/11/2021

15h 27 phút Quốc hội giải lao

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

 

15:28 Ngày 10/11/2021

Sẽ có chính sách riêng để hỗ trợ lao động nữ

Chú thích ảnh

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Bộ sẽ xây dựng chính sách riêng để hỗ trợ lao động nữ.

Phụ nữ và trẻ em là hai đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là phụ nữ nuôi con nhỏ. Do đó, trong Nghị quyết 68 chúng ta có những chính sách dành riêng cho phụ nữ, cụ thể như phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Gần đây trong phiên làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, chúng tôi được Thủ tướng giao cho xây dựng trong đầu năm 2022 xây dựng chính sách riêng dành cho phụ nữ và vì vậy trong chương trình phục hồi và phát triển lao động chúng tôi đã có 1 nhóm giải pháp dành riêng cho hỗ trợ lao động là phụ nữ. Trong đó từ việc hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp 3 lần so với bình thường, thứ 2 là hỗ trợ trong chương trình bình đẳng giới, phối hợp UNDP và ILO xây dựng đề án trong chiến lược 10 năm tới đảm bảo quyền bình đẳng giới, tiếp cận các quyền và cam kết quốc tế chúng ta đã cam kết.

15:25 Ngày 10/11/2021

Phấn đấu đến ngày 15/11, giải quyết căn bản các gói hỗ trợ

Chú thích ảnh
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang dự phiên họp chiều 10/11. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung trả lời đại biểu Quốc hội Lò Thị Việt Hà:

Sau 4 tháng, trong chính sách hỗ trợ mà chúng ta thực hiện còn điều này điều kia nhưng cơ bản các chính sách đang đi đúng hướng và được dư luận xã hội, người thụ hưởng đồng ý.

Các chính sách này, có 50% chính sách hỗ trợ ngay lập tức; 50% chinh sách kéo dài hơn, như: Chính sách vay trả lương để phục hồi sản xuất, cho phép kéo dài hết tháng 3/2022; chính sách hỗ trợ đào tạo cho lực lượng lao động sau giãn cách cho phép kéo dài để làm thủ tục hết tháng 6/2022; chính sách cụ thể có hiệu quả ngay như hỗ trợ bằng Nghị quyết 116, 38.000 tỷ đồng cho người tham gia bảo hiểm và đang bảo lưu chính sách bảo hiểm xã hội từ Bảo hiểm thất nghiệp.

Chỉ 5 ngày đã rà soát và hỗ trợ cho 363.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách này. 85% số người trong đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã được thụ hưởng rồi. Phấn đấu đến ngày 15/11, giải quyết căn bản số hỗ trợ này.

15:22 Ngày 10/11/2021

Ba giải pháp chăm lo đời sống người lao động, đảm bảo an ninh xã hội

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trả lời câu hỏi của đại biểu QH về vấn đề gia tăng tình trạng người lao động rút BHXH 1 lần, gây mất an sinh xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến năm 2021 đã có 870.000 người lao động đã rút BHXH 1 lần, bán sổ bảo hiểm, chủ yếu là công nhân lao động, người có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh éo le, không có nguồn thu nhập hàng tháng... Nếu tiếp tục gia tăng, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội. 

Để khắc phục thực tế này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kiến nghị 3 giải pháp: Thứ nhất là các bộ, ngành, địa phương, nhất là khu vực có nhiều khu công nghiệp cần tăng cường chăm lo hơn nữa tới đời sống người lao động, nhất là các đối tượng chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, éo le.

Thứ hai là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người lao động nắm rõ về giá trị của thẻ BHXH, cân nhắc khi rút BHXH 1 lần, coi đây là lương hưu khi về già. Vì nếu rút sớm 1 lần, người lao động sẽ bị thiệt thòi như: Số tiền nhận ít hơn số tiền đóng; không được cộng nối thời gian tham gia BHXH, không có BHYT lúc gặp khó khăn, hoạn nạn…

Thứ ba là sớm sửa đổi, bổ sung Luật BHXH trong năm 2022, trong đó bổ sung các quy định tăng cường nhiều lợi ích cho người lao động, tạo điều kiện nâng cao đời sống cả vật chất, tinh thần, để người lao động ổn định mức sống, công việc và khuyến khích cống hiến sức lực lao động.   

15:16 Ngày 10/11/2021

Chưa thu hút được doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển bảo trợ xã hội

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua, các cơ sở bảo trợ xã hội của VN phát triển nhanh. Hầu hết cơ sở địa phương gồm: Cơ sở chăm lo cho người có công; cơ sở chăm lo cho người nghiện ma túy; cơ sở chăm lo người bị tâm thần; trẻ em…

Tuy nhiên phần đông số này phải dựa vào cơ sở công lập là chính. Cơ sở tư nhân phát triển 3 loại hình cơ bản: Cơ sở bảo trợ do tổ chức xã hội, tư nhân, tổ chức tôn giáo đứng giá. Gần đây mạnh thường quân, doanh nghiệp lớn đứng ra xây dựng cơ sở bảo trợ xã hội dành cho người già, người neo đơn. Có cơ sở thu hút hàng ngàn người.

Có 2 điều: Thứ nhất, chưa có chính sách đủ mạnh đối với cơ sở tư nhân. Ví dụ có chinh sách quy định đất đai được miễn thuế, giảm thuế. Chính sách quy định thế nhưng xuống địa phương không có.

Có doanh nghiệp ở nước ngoài về địa phương mất 4 tháng để xin miếng đất, nuôi dưỡng người già nhưng không được.

15:10 Ngày 10/11/2021

Thực tiễn thị trường lao động Việt Nam chưa đạt được mức độ cho phép

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội trả lời câu hỏi đại biểu Nguyễn Minh Sơn:

Thực tiễn thị trường lao động Việt Nam chưa đạt được mức độ cho phép. Có 2 vấn đề lớn: Đào tạo chưa gắn với nhu cầu; chất lượng lao động thấp, năng suất thấp. Số đào tạo có chứng chỉ so với mặt bằng chung của quốc gia phát triển thấp.

Có nguyên nhân quan trọng, việc dự báo cung, cầu của Việt Nam hạn chế. Cuối nhiệm kỳ Quốc hội 14, tôi có làm việc và đặt hàng TP Chí Minh thử tiến hành dự báo cung cầu trong 4 tháng ở một số ngành; đồng thời giao Viện Khoa học Xã hội Lao động, Tổng cục Thống kê để đưa cung cầu ngắn hạn. Sau dự báo, người tham gia vào thị trường lao động ở ngành dự báo đang thiếu, có mức lương tốt, lập tức có thay đổi

Nếu không sớm xây dựng đề án dự báo cung cấp lao động cả ngắn, trung, dài hạn, chắc chắn thị trường lao động sẽ phát triển không đồng bộ. Vấn đề này đang được Chính phủ, Thủ tướng giao Đề án năm 2022 phải hoàn thiện, có được đề cập trong chương trình phục hồi kinh tế.

15:05 Ngày 10/11/2021

Công tác dự báo lao động, chi trả trợ cấp lao động, bảo hiểm xã hội... được đại biểu quan tâm chất vấn

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Thị Minh Tâm đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình): Bài toán việc làm sau dịch COVID-19, đặc biệt là lao động nữ càng nan giải khi trẻ em vẫn chưa được đến trường khiến cơ hội việc làm sẽ mất đi. Nguy cơ mất bình đẳng giới sau dịch tăng cao. Giải pháp hỗ trợ sinh kế của Bộ ra sao?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Thái Thu Xương đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Lò Việt Hà đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Sơn đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
14:52 Ngày 10/11/2021

Lương hưu sẽ điều chỉnh tăng từ 1/1/2022

Lương hưu sẽ điều chỉnh tăng từ 1/1/2022

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung:

Về điều chỉnh lương hưu với những người trước năm 1995, khi bàn vấn đề này, đã báo cáo Quốc hội do khó khăn về dịch nên hoãn tăng lương nhưng với vấn đề lương hưu vẫn cho phép điều chỉnh lương hưu, nhất là những người về hưu trước năm 1995 và lương hưu thấp. Bộ LĐTBXH tổ chức đánh giá và nay đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ và tháng 12 sẽ trình Chính phủ về vấn đề này.

Chúng ta cho phép điều chỉnh, ban đầu là 1/7/2022 nhưng nay xin với Chính phủ cho phép điều chỉnh từ 1/1/2022 với mức 7,4% với tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu 12.650 tỷ đồng; ngân sách nhà nước bổ sung cho những người trước năm 1995 là 3.648 tỷ đồng; với những người thấp hơn 2,5 triệu đồng/người thì bổ sung bằng mức 2,5 triệu đồng.

Về tỉnh phát nhầm hỗ trợ cho hơn 22.000 người. Khi có dư luận báo chí, tôi đã liên hệ với tỉnh Bình Dương và yêu cầu có báo cáo bằng văn bản và đi vào kiểm tra việc phát nhầm. Sau khi xác nhận chỉ có khoảng 1.490 trường hợp bị phát nhầm.

Câu chuyện bắt đầu từ việc Bình Dương bổ sung chính sách riêng hỗ trợ người ở nhà trọ với mức 800.000 đồng/người. Khi kê khai thì một số trường hợp trong nhà đăng ký kê khai và thấy bất thường và rà soát lại trên cơ sở dữ liệu và thấy nhiều trường hợp trùng tên và dừng việc này và phát hiện số phát nhầm với 1,6 tỷ đồng và đã tự hoàn trả lại và đã giải quyết xong.

Về câu hỏi về đánh giá chính sách đã ban hành, Bộ trưởng cho biết năm 2021 đã ban hành nhiều chính sách về các đối tượng chính sách xã hội và có tham mưu chính sách hỗ trợ và mang tính chất tình thế quyết liệt chỉ đạo.

Cho đến nay, các chính sách này đi vào đời sống và đã giải ngân 60.000 tỷ đồng trên 40 triệu lượt người và trên 500.000 người sử dụng lao động. Do dịch và hỗ trợ trong thời gian ngắn, rộng nên có một bộ phận chậm được nhận, phát nhận. Cơ bản chính sách đi vào cuộc sống và huy động nguồn lực hỗ trợ người dân.

Về đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới, tinh thần chung là đổi mới giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, đa dạng. Đổi mới gắn kết Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp. Chúng tôi phấn đấu để cha mẹ cho con học nghề, học liên thông và khi ra trường có việc làm, thu nhập tốt. Chúng tôi xây dựng chương trình nâng cao kỹ năng nghề Việt Nam.

14:50 Ngày 10/11/2021

Lương hưu cho người cao tuổi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sẽ giải quyết như thế nào?

Chú thích ảnh

Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các đại biểu liên tiếp đặt câu hỏi về các vấn đề trong lĩnh vực Lao động, Thương binh và xã hội. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Trần Thị Hương đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Trần Thị Hương (Hà Giang): Thời gian vừa qua có dư luận việc phát nhầm 22 nghìn trường hợp được hỗ trợ COVID-19, Bộ trưởng có nắm được không và xử lý thế nào? 

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu 2 vấn đề: Trong thời gian qua có nhiều chính sách, Bộ trưởng đánh giá gì về những gói hỗ trợ? Bộ có tham mưu gì với Chính phủ để đề xuất những chính sách mới?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Dương Minh Ánh đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội): Các đối tượng rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ? Bộ có ý kiến ra sao về vấn đề này. Tác dụng kép của đại dịch COVID-19, Bộ cần đổi mới hệ thống nghề nghiệp như thế nào?

14:47 Ngày 10/11/2021

Chủ trương hỗ trợ văn nghệ sĩ là đúng, nơi nào làm chưa tốt thì rút kinh nghiệm

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lờ về ý kiến liên quan đến việc hỗ trợ văn nghệ sĩ, có dư luận không đồng tình bởi có văn nghệ sĩ thu nhập cao vẫn được hỗ trợ: Trong quá trình xây dựng Nghị quyết 68, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đề xuất với chúng tôi 2 đối tượng là hướng dẫn viên du lịch và văn nghệ sĩ hạng 4, có mức lương từ 1,86 chủ yếu là trẻ mới vào nghề, qua khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là khoảng 2.000 người hầu hết là khó khăn. Chính phủ có thảo luận và đồng tình với phương án này vì đời sống khó khăn, mức lương thấp và có thời gian giãn cách hoặc dừng hoạt động 15 ngày trở lên trong suốt thời gian vừa qua và thứ 3 là gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một địa phương khi xét 33 trường hợp thì có 3 đối tượng phù hợp nhưng có cuộc sống khá giả vì thực sự là những người có tài năng và được dư luận xã hội quan tâm. Do đó, quá trình rà soát bỏ qua yếu tố thứ 3 là có hoàn cảnh khó khăn nên dư luận không đồng tình, đến nay 2.000 trường hợp thì đã hỗ trợ 1590 trường hợp. Nhiều trường hợp chúng tôi kiểm tra thì rất khó khăn. Đến nay chúng tôi khẳng định chủ trương là đúng nhưng quá trình thực hiện còn điều này điều kia thì các cơ sở cần rút kinh nghiệm.

14:45 Ngày 10/11/2021

Giải pháp bù đắp cho thị trường lao động

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) về giải quyết thiếu hụt lao động như thế nào, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Trước hết phải thực hiện 3 giải pháp căn bản: giữ chân lao động, thu hút lao động quay trở lại và điều tiết lao động đảm bảo giảm thiếu hụt.

Chúng tôi đã tính toán trong 3 kịch bản, kịch bản thứ nhất là sử dụng một số sinh viên ở trường nghề thực hiện 3 mô hình. Thứ 2 là tăng cường bồi dưỡng kỹ năng rất nhanh để có thể sử dụng bộ phận thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và công an để cung cấp tăng cường cấp bách và tạm thời với một số địa bàn, lĩnh vực, công việc đặc thù mà cần lực lượng gấp rút ngay. Còn về lâu dài thì phải đào tạo và đào tạo lại và trách nhiệm doanh nghiệp và nhà nước cùng thực hiện vấn đề này.

Trong báo cáo 177 tôi đã viết kỹ 4 trang về giải pháp này trong đó đề cập sâu giải pháp giữ chân người lao động, thu hút người lao động quay trở lại, thứ 3 là giải quyết công việc của họ ở những nơi họ đã về mà họ không quay lại nơi cũ và tìm việc ở nơi mới. Thứ 4 điều tiết bổ sung trong những trường hợp đặc biệt ở những địa bàn lĩnh vực cấp thiết.

Trong đó quan trọng nhất có 2 việc: chúng ta phải lo thật tốt về chính sách, đời sống, mức lương và lo an sinh thật tốt. Phải có sàn an sinh tối thiểu để người lao động yên tâm đó là vấn đề nhà trọ, sinh hoạt, nơi gửi, chăm sóc con cái và đảm bảo an toàn sức khỏe là tiêm vaccine.

Thứ 2, khắc phục hạn chế an sinh xã hội về lâu dài, chủ trương Nghị quyết Đại hội 13 nêu rõ chúng ta phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội không đánh đổi tiến bộ công bằng xã hội để lấy phát triển kinh tế. Vì vậy hiện nay trong tổng số ngân sách dù khó khăn nhưng Việt Nam là một trong số những quốc gia đứng đầu khối ASEAN về đầu tư ngân sách cho chính sách an sinh xã hội. Chúng ta có các chính sách tương đối đồng bộ, hoàn thiện, cho người có công, người yếu thế, người già, người có hoàn cảnh neo đơn, trẻ em và các đối tượng khác…

Thời gian tới theo chỉ đạo Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đang hoàn thiện và xây dựng đề án để đầu năm 2023 sẽ trình đề án củng cố nâng cao chất lượng chính sách xã hội trong thời gian tới, trong đó có nhiều chính sách như đời sống, thu nhập cho người nghèo, người có công, về nước sạch, vệ sinh môi trường… để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phân hóa xã hội để ai cũng được tham gia và thụ hưởng thành quả xã hội đem lại.

14:43 Ngày 10/11/2021

Đào tạo kỹ năng nghề, chống đứt gãy thị trường lao động

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Thu Dung phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) về đào tạo kỹ năng nghề, chống đứt gãy chuỗi cung ứng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời: Thời gian qua, đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến lực lượng lao động, tình trạng thiếu hụt lao động đang diễn ra. Đến nay tổ chức ILO thế giới cho rằng khoảng trống về việc làm do khủng hoảng chiếm khoảng 205 triệu lao động. Như vậy việc đào tạo nghề và đào tạo lại lực lượng lao động là rất cần thiết.

Thời gian tới, để chống đứt gãy chuỗi cung ứng này hay thiếu hụt lao động chúng ta đưa ra giải pháp ngắn hạn trung hạn và dài hạn. Với giải pháp ngắn hạn trước hết tập trung hỗ trợ rất tốt chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 của Chính phủ. Thứ 2 là đẩy mạnh điều chỉnh lao động theo 3 mô hình: thực hành và sản xuất tại doanh nghiệp theo cách mà năm học thứ 2 -3 vừa học vừa làm hoặc vừa học vừa làm tại doanh nghiệp, học lý thuyết và thực hành. Thứ 3 là tập trung học nghề theo bộ Luật lao động, năm thứ 2-3 trở đi thì kinh nghiệm quốc tế họ trả phần phí cho các cháu.

Về dài hạn, phải đổi mới đào tạo nghề theo hướng linh hoạt và gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp là trường học thứ 2, doanh nghiệp phải có trách nhiệm cùng nhà nước để chăm lo đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động.

14:40 Ngày 10/11/2021

Vận động để mọi trẻ mồ côi đều có mái ấm gia đình, có người thân đỡ đầu

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trả lời câu hỏi của đại biểu về chăm sóc cho trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Thời gian qua, do tác động của đại dịch COVID-19 trên thế giới có khoảng 1,5 triệu trẻ em bị mồ côi, tại Việt Nam cho đến nay có 2.532 trẻ em bị mồ côi, trong đó 81 mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Thời gian qua chúng tôi đã chủ động ban hành chính sách liên quan đến trẻ em nói chung và đối tượng bảo trợ nói chung, trong đó thay thế Nghị định 136 bằng Nghị định 20 trong Nghị định 20 này đã hiệu lực 1/7/201, có quy định đối tượng bảo trợ trẻ em và các cháu mồ côi được hưởng chính sách như thế nào.

Cùng với đó, có quy định với trẻ em được hưởng chính sách trong các làng SOS. Trước khi ban hành chính sách này chúng tôi có tham khảo chính sách chung của quốc tế, cho thấy rằng nhìn chung chính sách của chúng ta khá đồng bộ. Ở thế giới khoảng 1,1 triệu đến 1,8 triệu, ở Việt Nam đối với trẻ em dưới 4 tuổi có người thân đỡ đầu thì ở mức 1,8 triệu.

Thời gian qua với hơn 2.000 trẻ em như vậy, ngoài chính sách đã có, các tổ chức chính trị xã hội các đoàn thể đã vận động hỗ trợ xã hội các cháu tương đối tốt. Riêng quỹ bảo trợ trẻ em cũng đã quyết định tất cả các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ được hỗ trợ 5 triệu đồng, riêng các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ được cấp một sổ tiết kiệm 20 triệu đồng.

Phương châm của chúng tôi là vận động mọi cháu đều có mái ấm gia đình, có người thân đỡ đầu. Đến nay cả 81 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ đều sống với người thân, gia đình, trong trường hợp không có người thân thì chúng tôi bàn với Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam sẽ có các mẹ đỡ đầu, trường hợp xấu nhất thì mới đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội vì các cháu còn yếu tố về mặt tinh thần, tâm lý…

14:35 Ngày 10/11/2021

Các đại biểu chất vấn về chăm lo trẻ mồ côi và hỗ trợ lao động sau dịch bệnh

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu): Làn sóng dịch chuyển lao động để thích ứng an toàn, Bộ đã có giải pháp thiếu hụt lao động như thế nào? Chính sách chăm cho người dân?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Dải Dương):

Đại dịch COVID-19 khiến một số trẻ em, đặc biệt là nhiều trẻ em ở khu vực phía Nam, thành trẻ mồ côi và trở thành gánh nặng lớn, Bộ trưởng có giải pháp như thế nào?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Thu Dung phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình):

Đại dịch COVID-19 làm gián đoạn việc làm, giải pháp của Bộ trước tình trạng thiếu việc làm?

Công tác hỗ trợ cho lao động tự do trong gia đoạn dịch COVID-19?

14:30 Ngày 10/11/2021

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đăng đàn trả lời chất vấn

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giới thiệu nội dung chất vấn thứ 2:

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sẽ trả lời nhóm vấn đề về việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả. Công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch. Thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt. Giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch. Chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc. Việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách.

Tham gia trả lời các nội dung trên có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Bộ với chức năng phục vụ đối tượng rộng lớn tác động đến kinh tế - xã hội, nhưng nhiều công việc mang tính chất phối hợp và phụ thuộc vào kết quả triển khai địa phương, bộ ngành.

Làn sóng dịch COVID-19 từ khủng hoảng y tế cộng đồng dẫn đến đã trở thành khủng khoảng xã hội và việc làm. Tình trạng thâm hụt việc việc làm dẫn đến sinh kế bị ảnh hưởng, dẫn đến thu nhập bị ảnh hưởng.

Tác động của dịch COVID-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng đến kinh tế xã hội đất nước, việc làm, đời sống của hàng triệu người, nhất là khi dịch thâm nhập vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam. Các địa phương đã chủ động ban hành chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động, gói an sinh xã hội của Trung ương và địa phương chung tay hõ trợ người lao động, chung tay vượt khó khăn, thể hiện tinh thần tương tương ái.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực việc làm, an sinh xã hội, an dân đang có nhiều hệ lụy do dịch COVID-19 để lại do quy mô hỗ trợ thấp đòi hỏi chính sách hỗ trợ quy mô lớn hơn và dài hơn để phục hồi thị trường lao động và vấn đề an sinh xã hội.

14:22 Ngày 10/11/2021

Chủ tịch Quốc hội tóm tắt các nội dung đã chất vấn trong lĩnh vực y tế

Sau phần trả lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tóm tắt nội dung đã chất vấn và trả lời chất vấn trong lĩnh vực y tế. Chủ tịch Quốc hội nhận xét: Có 32 đại biểu đăng ký chất vấn trong lĩnh vực y tế. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn; các câu trả lời rõ ràng, trúng vấn đề; các nội dung tranh luận góp phần làm rõ, đi đến cùng các vấn đề được đặt ra. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Chủ tịch Quốc hội cũng trân trọng ghi nhận những đóng góp của các chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

14:11 Ngày 10/11/2021

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Có độ phủ vaccine để chống dịch

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Phát biểu giải trình thêm trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Trung ương Đảng đã có chỉ đạo về việc sắp xếp các đơn vị Trung tâm y tế cấp huyện. Mỗi một huyện có 1 trung tâm y tế, trừ những nơi đã có bệnh viện cấp 2. Các Trung tâm y tế này chịu sự điều hành về chuyên môn của Bộ Y tế, địa phương chỉ đạo về con người. Tuy nhiên tháng 3/2019 Bộ Y tế đã có văn bản để nguyên Trung tâm y tế thuộc Sở Y tế địa phương. Đây là văn bản không đúng, đi trái lại tinh thần của Chính phủ.

Về chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Nói về chống dịch, không riêng gì tôi mà nhiều lãnh đạo địa phương có nhiều điều để nói. Chúng ta ví đây là 1 cuộc chiến, ngày hôm nay tạm thời khống chế được dịch. Trước đây 1 tháng, ta đứng chót bảng của thế giới, nhưng nay đã vươn lên giữa bảng xếp hạng và cuộc chiến này vẫn đang tiếp tục. Mấy hôm nay ca bệnh lại tăng lên, nhiều đại biểu là lãnh đạo tỉnh ngồi đây rất sốt ruột.

Khi hệ thống y tế quá tải, trong công tác chống dịch đã bộc lộ nhiều vấn đề hạn chế nên ta cần nghiêm túc tiếp thu, khắc phục, không thể để một đợt dịch mới xảy ra gây đau thương tổn thất lớn như vừa qua xảy ra nữa.

Hệ thống chính trị, người dân vô cùng vất vả, quá tải. Ví như ở Bình Dương có tới 18.500 người nhiễm, đồng bằng Sông Cửu Long người nhiễm nhiều như thế nên chính quyền và cấp ủy có lúc căng như dây đàn. Bà con đi từ vùng dịch về quê, chúng tôi rất day dứt vì nguy cơ chống dịch rất dễ đổ vỡ do lây lan. Bây giờ ta có chiến lược phục hồi sau COVID cần phải làm gày và làm quyết liệt.

Thứ nhất, bây giời ta đã có vaccine, nhưng không phải có vaccine là không lây nhiễm. Hiện nay Bộ Y tế đã có đánh giá cụ thể. Nếu đã tiêm được 1 mũi thì cũng tạm yên tâm, nếu có lây nhiễm cũng rất thấp. Chúng tôi yêu cầu Bộ Y tế báo cáo cụ thể. Hiện nay đã tiêm đủ 2 mũi thì miền Bắc sẽ còn thiếu 23 triệu liều. Các tỉnh miền Trung thiếu 15 triệu liều, các tỉnh Tây Nguyên cần 25 triệu liều, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thiếu 4 triệu liều... nhưng việc thiếu vaccine này sẽ được giải quyết trong tháng 12 này. Như vậy chúng ta bây giờ  sẽ tập trung tiêm và tiêm. Trước đây ta còn đắn đo nhưng nay tạm yên tâm.

Ở châu Âu khi đã tiêm đủ vaccine nhưng vẫn có thể bùng phát dịch. Nên nhớ rằng có tiêm thì cũng phải đề cao công tác phòng dịch, thực hiện tốt 5K, các đại biểu Quốc hội cũng thực hiện đeo khẩu trang. Nếu có tiêm hết 100% cho người từ 12 tuổi trở lên thì cũng mới chỉ có 64% người được bảo vệ, nếu không phòng dịch tốt thì rất dễ bùng phát dịch và tình trạng quá tải lại xảy ra do còn mấy chục triệu người chưa được tiêm đủ 2 mũi vẫn có nguy cơ nhiễm.

Chúng ta thực hiện tốt việc giám sát y tế nghiêm ngặt, cần chủ động nguồn cung trong vấn đề xét nghiệm. Chính phủ tâp trung mua kit xét nghiệm với giá rẻ. Cách ly theo phương thức hiệu quả để bảo đảm đúng bình thường mới như các nước châu Âu đang làm.

Phải sẵn sàng có thuốc chữa COVID và ta đã có đủ, đã dự trù. Tham vọng là chúng ta điều trị sớm, điều trị tại nhà, tổng xét nghiệm.

Cần giám sát người có bệnh nền, trẻ em (vì các cháu chưa được tiêm). Trẻ dưới 12 tuổi các cháu chưa tiêm thì cần giám sát chặt chẽ.

Quán triệt lại năng lực chỉ huy điều hành của hệ thống chống dịch. Khi bước vào tình trạng khẩn cấp thì ta có lúc lúng túng, nay ta phải tập huấn, cán bộ quản lý cấp cơ sở phải được tập huấn để tránh được tổn thất về người. Ta vươn lên để có độ phủ vaccine để chống dịch.

14:10 Ngày 10/11/2021

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm rõ những vấn đề đại biểu và cử tri cả nước quan tâm liên quan lĩnh vực y tế

Chú thích ảnh
14:06 Ngày 10/11/2021

Phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng

Chú thích ảnh

Trả lời câu hỏi của các đại biểu QH về trách nhiệm, cơ chế phối hợp với ngành Y tế trong kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm hoạt động đầu thầu thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, gây hậu quả nghiêm trọng trước các vụ việc gây bức xúc dư luận thời gian qua, nhất là các đối tượng vi phạm là lãnh đạo các bệnh viện đầu ngành, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, các vụ việc vi phạm diễn ra phức tạp, tinh vi, cho thấy không phải do lỗi hệ thống, mà có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn, kẽ hở của pháp luật để vi phạm, nâng khống giá thuốc, giá thiết bị y tế, nhằm tư lợi, ăn chia, tham nhũng. 

Qua điều tra, khai thác các vụ việc, các đối tượng vi phạm tại các Bệnh viện Tim, Bệnh viện Bạch Mai, CDC Hà Nội... đều đã thừa nhận vi phạm. Vì vậy, chủ trương của Bộ Công an là "phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng" để xử lý, ngăn chặn các vi phạm; đồng thời, phối hợp, chỉ đạo các cơ quan, lực lượng liên quan sớm xử lý trách nhiệm từng cá nhân để răn đe. Bộ Công an cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... tăng cường tham mưu các bộ, ngành, địa phương các biện pháp, giải pháp kiểm soát; bình ổn công khai giá thuốc, giá thiết bị y tế, có sự giám sát của người dân, để ngăn chặn vi phạm. 

Riêng về tình trạng buôn lậu hàng hóa không rõ nguồn gốc thời gian qua cũng đã và đang diễn ra tinh vi dưới nhiều hình thức, nhất là trên không gian mạng. Lực lượng công an các địa phương tới đây sẽ tăng cường thắt chặt vòng vây từ biên giới, cửa khẩu, doanh nghiệp để ngăn chặn từ gốc, hạn chế thấp nhất tình trạng hàng hóa kém chất lượng, không rõ xuất xứ tuồn vào thị trường nội địa tiêu thụ.

14:05 Ngày 10/11/2021

Bộ trưởng Bộ Công an đăng đàn

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đăng đàn trả lời một số vụ việc tiêu cực liên quan đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế, đã được lực lượng công an phát hiện, khởi tố.

14:01 Ngày 10/11/2021

Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục giải trình

Chú thích ảnh

Đúng 14 giờ, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV bắt đầu. Tiếp tục nhóm vấn đề về Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục trả lời một số câu hỏi của đại biểu Quốc hội đặt ra trước giờ nghỉ trưa.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình:

Hiện Việt Nam đã công nhận hộ chiếu vaccine COVID-19 của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tới đây sẽ đẩy mạnh việc công nhận hộ chiếu vaccine giữa các nước để đẩy mạnh hoạt động du lịch an toàn.

Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời ý kiến của đại biểu tỉnh Nam Định: Trong đại dịch COVID-19, chúng ta đã áp dụng nhiều mô hình y tế chưa từng có trong tiền lệ như điều trị F0 tại nhà; có hướng dẫn chi tiết điều trị F0 tại nhà, an toàn cho người dân. Hiện mô hình này đang có nhiều hiệu quả nhất là khu vực có nhiều ca nhiễm.

Về câu hỏi của đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, mức giá xây dựng trên Thông tư 13, 14 dựa trên các yếu tố cấu thành giá bao gồm tiền lương, các chi phí vật tư, các thiết bị bảo hộ cho đến bộ xét nghiệm.

Từ 1/7/2021, khi bắt đầu sử dụng test nhanh trên diện rộng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn theo hình thức tự chi để tiết kiệm cơ sở y tế công lập.

Với câu hỏi của đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên về chế độ chính sách cho người đứng đầu: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 37 vào tháng 3/2020; Nghị quyết 16 năm 2021, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng chính sách nâng mức hỗ trợ. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được quan tâm tới chính sách hỗ trợ dành cho các nhân viên y tế nhất là địa bàn khó khăn.

Chúng ta hết sức nỗ lực để chuyển sang trạng thái mới. Vaccine giúp hiệu quả giảm ca nặng từ 93 - 96%.

Cuộc chiến COVID-19 là cuộc chiến chưa có trong tiền lệ, vì vậy chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Trong quá trình triển khai chúng ta đã khắc phục những hạn chế. Chúng ta đã kế thừa những bài học kinh nghiệm.

Đối với ngành Y tế còn nhiều bộn bề từ việc tổ chức, đầu tư nhân lực phát triển ngành, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, đồng hành chia sẻ của cử tri, nhân dân cả nước để ngành ngày càng hoàn thiện.

14:00 Ngày 10/11/2021

Đúng 14h Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội đến dự phiên họp buổi chiều 10/11. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
11:30 Ngày 10/11/2021

Đúng 11h 30 phút Quốc hội kết thúc phiên chất vấn buổi sáng ngày 10/11

Chú thích ảnh
11:27 Ngày 10/11/2021

Chiến lược phòng chống COVID-19 và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh

Chú thích ảnh
Thành viên Chính phủ và đại biểu Quốc hội dự phiên chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Càng về cuối phiên chất vấn, các câu hỏi của đại biểu Quốc hội càng sôi  nổi. Đại biểu Mai Phương Hoa (Nam Định) bên cạnh việc đặt câu chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế thì đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ, đề nghị trả lời trong phiên chất vấn thứ 6 ngày 12/11.

Đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) chất vấn:

Việt Nam chưa định hình được quy trình phòng chống dịch đảm bảo an toàn cho du khách. Nếu không đảm bảo an toàn thì có mở lại hoạt động du lịch cũng không mang lại hiệu quả. Thời gian tới, Bộ trưởng sẽ có ham mưu Chính phủ định hình vấn đề này làm cơ sở cho hoạt động du lịch có thể trở lại?

Đại biểu Mai Phương Hoa (Nam Định):

Theo báo cáo Bộ Y tế, Bộ đã triển khai mô hình chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà, huy động sự tham gia của cộng đồng ở địa phương có nhiều người nhiễm; có sự tham gia của trạm y tế lưu động. Tuy nhiên, cử tri băn khoăn liệu việc điều trị F0 có bảo đảm an toàn cho chính người bệnh và cộng đồng hay không? Cần giải pháp gì đặc biệt?

Câu hỏi gửi để Thủ tướng Chính phủ trả lời sáng thứ 6 tới. Tôi được biết Chính phủ đang xây dựng chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 trong tình hình mới. Thủ tướng Chính phủ cho biết, chiến lược này cần được xây dựng như thế nào? có giải pháp đột phá gì để bám sát chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch; đồng thời đáp ứng được khả năng dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) chất vấn về giá xét nghiệm:

Tại Thông tư 13 ngày 5/7/2019, quy định mức giá 238.000 đồng/lần test nhanh COVID-19. Trong Thông tư mới đây số 16 của Bộ Y tế quy định là 109.700 đồng/lần test nhanh. Việc ban hành mức giá trên dựa trên cơ sở nào và tại sao lại có mức giảm chênh lệch như vậy?

11:15 Ngày 10/11/2021

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tranh luận về loạn giá xét nghiệm

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã trả lời nhưng chưa thực sự thỏa mãn với những thắc mắc của cử tri.

Tôi xin khẳng định loạn giá giá xét nghiệm COVID-19 là có thật và ý kiến của cử tri hoàn toàn đúng đắn. Hôm qua 9/11, Bộ Y tế đã có văn bản quy định về vấn đề này, tôi đánh giá cao Bộ đã có tinh thần trách nhiệm lắng nghe và điều chỉnh kịp thời. Từ lúc xảy ra dịch đến giờ, Bộ Y tế có thay đổi và điều chỉnh giá, hạ nhiều lần, toàn thể. Tôi xin đề nghị thêm, Bộ Y tế cần có thông tư quy định như vậy với y tế tư nhân. Giá xét nghiệm COVID-19cần được quản lý theo hình thức đặc biệt, giá xét nghiệm COVID-19 của tư nhân có thể cao hơn nhưng không thể quá cao. Bộ có thể mời các chuyên gia về giá, tài chính xây dựng bảng giá và yêu cầu cơ sở tư nhân chấp hành để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân và tạo điều kiện cơ sở y tế tư nhân chân chính tham gia chống dịch tốt hơn.

Vừa qua y tế tư nhân tham gia tham gia tốt trong chống dịch.

Thứ 2, Bộ Y tế, Sở Y tế phải thường xuyên có giám sát để tránh loạn giá, sử dụng kist test trôi nổi và nguồn viện trợ, cần bóc tách thu chi vấn đề này.

11:10 Ngày 10/11/2021

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Vaccine cho trẻ em đảm bảo an toàn

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Trần Hữu Hậu chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Với câu hỏi của đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) về lo ngại công nghệ vaccine mới có thể gây ảnh hưởng tới trẻ em, Bộ trưởng Nguyễn Thành Long chia sẻ:

Đây là vấn đề nhiều cử tri quan tâm, với tiêm vaccine cho trẻ em, sau khi đánh giá, nghiên cứu trao đổi với WTO, các nhà khoa học, và hướng dẫn của CDC Hoa Kỳ, cơ quan kiểm soát thương phẩm Hoa Kỳ cho phép tiêm vaccine mRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, hiện nay đã được tiêm ở gần 40 quốc gia. Cách làm là tiêm từ đối tượng tuổi cao xuống tuổi thấp, nhóm có nguy cơ bệnh lý nền và mở rộng đối tượng ra.

Vaccine duy nhất chúng ta sử dụng là vaccine Pfizer. Về cơ chế tác động của vaccine này, khi vào trong cơ thể nó không xâm nhập vào hệ gen của người mà chỉ xâm nhập vào bào tương, tạo ra kháng thể chống sự xâm nhập của virus vào tế bào đó. Tức là không có sự xâm nhập trực tiếp của vaccine này vào gen AND của chúng ta.

Nên việc ý kiến nói rằng có thể gây đột biến, ảnh hưởng tới sinh sản với trẻ thì đến nay khẳng định không có cái này và chúng ta tiếp tục theo dõi.

Vaccine thứ 2 là vaccine theo công nghệ bất hoạt của Sinopharm hiện đã được 4 nước áp dụng cho trẻ nhỏ hơn và vaccine này được đánh giá an toàn với trẻ. Chúng tôi xin khẳng định tất cả vaccine chúng ta cấp phép và sử dụng ở Việt Nam là đảm bảo an toàn chất lượng và theo chuẩn chung của thế giới và chúng tôi đã tham khảo các tổ chức quốc tế khi quyết định dùng cho trẻ em.

11:03 Ngày 10/11/2021

Tiếp tục tăng cường đầu tư chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn

Tiếp tục tăng cường đầu tư chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hồ Thị Minh đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Với câu hỏi Hồ Thị Minh (Quảng Trị), Bộ trưởng Nguyễn Thành Long khẳng định: Thời gian qua chúng ta triển khai nhiều giải pháp chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Nhiều biện pháp chúng ta triển khai như nâng cao năng lực y tế cơ sở, tăng cường đào tạo, triển khai nhiều mô hình như cô đỡ thôn bản. Tới đây, chúng tôi tiếp tục tăng cường đầu tư hệ thống này, Bộ Y tế đã kêu gọi nguồn lực của ADB và WB thì Quảng Trị cũng là một trong những địa bàn trong khu vực đã đưa vào

Thứ 2, chúng tôi trình đề án đào tạo nhân lực cho vùng này. Làm sao vừa đạo tạo, tăng cường thu hút đảm bảo nhân lực. Một thực tế đặt ra, nếu chúng ta chỉ tính tiền mà đào tạo đối với nhân lực y khu vực này thì rất khó khăn, không thể đảm bảo đầu vào được vì có những trường lấy 27-28 điểm với con em ở khu vực này không thể đáp ứng được. Vì thế chúng tôi đưa ra đề án có số lượng đào tạo căn cứ đề nghị của địa phương, trên cơ sở đó chúng tôi sẽ chọn những học sinh trên điểm sàn, dưới điểm chuẩn không đạt điểm cao để vào nhưng đảm bảo cái đó để đưa ra đào tạo. Đề án này hoàn tất trình Chính phủ sớm, trên cơ sở đó đồng bào cũng đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe.

Đặc biệt, chúng tôi cũng hình thành trung tâm y tế, bệnh viện tuyến cuối không chỉ dừng ở một số tỉnh thành phố lớn, ví dụ như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên… đều có kế hoạch phát triển cơ sở bệnh viện tuyến cuối của Bộ trên địa bàn để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng.

Vừa rồi Bộ Y tế đã giao bệnh viện tuyến cuối cho Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, chúng tôi tiếp tục mở rộng, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân.

11:02 Ngày 10/11/2021

Các địa phương cần quan tâm đến hình thành giường cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thành Long, trong thích ứng an toàn, linh hoạt hiệu quả thì vấn đề đặt ra là củng cố năng lực hệ thống y tế. Để đảm bảo hệ thống y tế có thể ứng phó với đại dịch, đặc biệt là cấp cứu với bệnh nhân nặng. Một trong những tiêu chí của Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 thì phải đảm bảo giường cấp cứu, một giường cấp cứu bao gồm nhân lực, máy thở, máy móc khác, đặc biệt là oxy, nếu tiêu chí đó đưa ra mà không đảm bảo thì chúng ta không được giảm cấp độ mà phải tăng cấp độ để thích ứng với tình hình mới. Các địa phương cần quan tâm đến hình thành giường cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19, chúng tôi tính toán tối thiểu khoảng 2-3%. Ở mức độ cao nhất, trên 150 nghìn người nhiễm/100 nghìn dân trong 2 tuần thì giường cấp cứu này phải đảm bảo. Các địa phương căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế để đầu tư trang thiết bị thì mới thích ứng an toàn linh hoạt hiệu quả với dịch COVID-19

11:00 Ngày 10/11/2021

Miền Tây là một trong những địa bàn được quan tâm nhất trong phân bổ vaccine

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Trần Quốc Tuấn đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đối với câu hỏi của đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: Chúng ta coi các tỉnh miền Tây là một trong những địa bàn được quan tâm nhất trong phân bổ vaccine sau TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Vừa qua Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và chúng tôi cũng đã họp với các địa phương. Về cơ bản, Bộ Y tế đảm bảo phân bổ đủ vaccine đủ mũi 1, mũi 2 cho khu vực này và triển khai tiêm vaccine cho người 12-17 tuổi, còn có thể giai đoạn này vaccine đến với Trà Vinh chưa về kịp.

Trong kế hoạch phân bổ của Bộ thì đến nay số vaccine phân bổ cho Trà Vinh là hơn 1 triệu liều và tỷ lệ tiêm của Trà Vinh là hơn 80%. Chúng tôi tiếp tục phân bổ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cho khu vực này và nhiều khu vực khác.

10:58 Ngày 10/11/2021

Có thể sẽ thành lập trung tâm nghiên cứu cho tất cả các bệnh truyền nhiễm mới nổi và nguy hiểm

Trả lời câu hỏi của đại biểu về có hình thành bộ môn nghiên cứu COVID-19 hay không, Bộ trưởng Nguyễn Thành Long cho biết:

Đây là câu hỏi mà ngành y tế quan tâm, thời gian qua xuất hiện hàng loạt dịch bệnh H5N1, H1N1, với COVID-19 thì vào ngày 20/1/2020 Bộ Y tế đã xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm 3 theo Luật phòng chống truyền nhiễm.

Hiện nay chúng tôi quan tâm đào tạo nhân lực cũng như nghiên cứu, chăm sóc điều trị với COVID-19. Hiện Bộ đã thực hiện nhiều chương trình như tập huấn cho cán bộ y tế trong chăm sóc với bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên với nghiên cứu thì chúng tôi sẽ tiếp tục, còn có hình thành bộ môn COVID-19 hay không thì chúng tôi phải trao đổi với tất cả các trường và các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới. Có thể chúng ta sẽ thành lập trung tâm nghiên cứu nhưng không chỉ nghiên cứu mỗi COVID-19 mà cho tất cả các bệnh truyền nhiễm mới nổi và nguy hiểm.

10:57 Ngày 10/11/2021

Đánh giá lại mô hình Trung tâm Cấp cứu 115

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) về Trung tâm cấp cứu 115.

Trong dịch COVID-19 thời gian qua, Trung tâm Cấp cứu 115 đã phát huy vai trò, hiệu quả của mình trong việc vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân đến các cơ sở cũng như chăm sóc điều trị với bệnh nhân.

Tuy nhiên, thực tế trong các quy định của pháp luật của chúng ta chưa xếp cơ sở này vào cơ sở khám chữa bệnh. Các nước cũng không xếp vào khám chữa bệnh mà xếp vào những người hành nghề không phải là cán bộ y tế mà chỉ được đào tạo thêm kỹ năng về y tế để sơ cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Chúng tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, thời gian tới đây sẽ trao đổi với các địa phương và đánh giá lại mô hình 115 để có quy định phù hợp để đáp ứng chức năng nhiệm vụ của mình cũng như vừa phát triển hệ thống này trong thời gian tới.

10:53 Ngày 10/11/2021

Liên tiếp các câu hỏi được đặt ra với Bộ trưởng Bộ Y tế

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính tham gia giải trình, các đại biểu quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) tranh luận:

Khi có phòng mạch riêng thì bác sĩ có tận tâm trong khám ở bệnh viện, có lôi kéo bệnh nhân về phòng khám hay không? Có ưu tiên trong điều trị của bệnh nhân khám tại phòng khám của mình khi có nhu cầu điều trị tại bệnh viện? Vậy có công bằng với các bệnh nhân khác hay không?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Đức đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh): Trung tâm cấp cứu 115 thời gia qua tham gia vào khám chữa bệnh nhưng trong phân định vị trí chức danh nghề nghiệp, trung tâm thuộc nhóm không giường bệnh mà thuộc khối y tế dự phòng, không được xác định hệ thống lâm sàng, không được bảo hiểm y tế thanh toán. Vậy trong thời gian tới, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ xử lý vấn đề này như thế nào?

Bộ Y tế chấp nhận bệnh virus SARS-Cov-2 là bệnh truyền nhiễm chưa và nếu đã xác định là bệnh truyền nhiễm thì Bộ đã có chiến lược đào tạo, dự phòng tại các trường y dược để phòng tránh loại bệnh này không?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Trần Quốc Tuấn đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh): Số ca bệnh COVID-19 tại đồng bằng sông Cửu Long và Trà Vinh gia tăng cao nhất từ trước đến nay. Số liệu tiêm phủ mũi 1 mới đạt 78% và cử tri lo ngại vấn đề này và khi nào Trà Vinh được tiêm phủ mũi 1?

Cử tri đề nghị có bệnh viện tuyến tỉnh và khoa phòng tuyến huyện điều trị COVID-19 mới có thể sống chung với dịch và đề nghị này có khả thi hay không?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hồ Thị Minh đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị): Hệ thống cơ sở y tế tuyến cơ sở đã được đầu tư nhưng tỷ lệ tử vong và bệnh hiểm nghèo cao. Ngoài những giải pháp đã nêu thì Bộ Y tế có giải pháp cụ thể nào hơn cho y tế vùng sâu, vùng xa được khám và chữa bệnh cho vùng khó khăn?

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh): Hiện chúng ta đang tiêm vaccine từ 12 -17 tuổi nhưng có ý kiến cho rằng vaccine dùng công nghệ mRNA ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe bình thường của trẻ. Vậy Bộ Y tế cho ý kiến về mặt khoa học về vấn đề này?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Nguyễn Anh Trí tranh luận. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Xuân phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk):

Khu vực Tây Nguyên thiếu và yếu về nhân lực cũng như trang thiết bị y tế. Bộ trưởng vừa cho biết sẽ xây dựng Bệnh viện Trung tâm Tây Nguyên, là cần thiết để người dân sớm tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng. Bệnh viện Trung ương Tây Nguyên và nâng cấp Khoa Ydược của Đại học Tây Nguyên thành trường Đại học Y khoa Tây Nguyên đã nằm trong đề án và kế hoạch của Bộ trong năm 2022 và các năm tiếp theo hay chưa?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

 Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc):

Nhiều cử tri hỏi trong thời gian dịch bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam nhiều bệnh viện thiếu trang thiết bị trầm trọng như máy thở, đồ bảo hộ, khẩu trang… 1 số bác sĩ kêu gọi hỗ trợ trên mạng xã hội nhưng ngay sau đó phải xóa đi và đính chính thông tin. Xin Bộ trưởng cho biết đây có phải chủ trương của Bộ hay không?

Tất cả trẻ em dưới 16 tuổi chưa có kế hoạch tiêm vaccine, xin Bộ trưởng cho biết, trường hợp các cháu đi học lây lan dịch bệnh trên diện rộng thì Bộ có giải pháp gì?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Phan Viết Lượng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước):

Cử tri cho rằng việc huy động y tế tư nhân, kết hợp đông, tây y phân luồng trong phòng chống dịch COVID-19 còn lung túng, chưa hiệu quả. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp khắc phục vấn đề cử tri phản ánh?

Bộ trưởng trả lời 3 vấn đề năng lực y tế cơ sở, chảy máu chất xám tuyến dưới vùng khó khăn và phòng chống vi phạm trong ngành y tế. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Y tế gửi Quốc hội và trả lời của Bộ trưởng thì các vấn đề nêu trên chưa có lời giải đáp tương xứng với vị trí vai trò và tính cấp bách của vấn đề. Tôi trân trọng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng quan tâm tới giải pháp đột phá, thực chất thời gian tới?

10:50 Ngày 10/11/2021

Cần có văn bản hướng dẫn về xã hội hóa trong ngành Y

Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục trao đổi về vấn đề xã hội hóa trong ngành Y tế,

Xã hội hóa trong hoạt động Y tế là mô hình tốt, tuy nhiên dễ xảy ra sai phạm do lợi dụng lỗ hổng để trục lợi. Khi liên danh, liên kết thì định giá nên có thể nâng giá lên để ăn chia, nâng giá dịch vụ lên để trục lợi. Vấn đề ăn chia phân phối, tỷ lệ ăn chia như thế nào cần phải có văn bản hướng dẫn. Theo quy định, Bộ Y tế phải chủ trì, phối hợp chặt chẽ Bộ Tài chính để xây dựng hướng dẫn này; phải tăng cường công tác thanh tra để tránh thất thoát, tham nhũng xảy ra.

10:46 Ngày 10/11/2021

Giải trình về bịt lỗ hổng quản lý giá thiết bị y tế

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình về bịt lỗ hổng quản lý giá thiết bị y tế:

Luật Quản lý giá năm 2012 xác định, giao cơ quan quản lý giá đối với giá chuyên ngành về cho ngành quản lý. Ví dụ giá đất giao Bộ Tài nguyên môi trường; giá điện giao cho Bộ Công thương; giá thiết bị y tế giao cho Bộ Y tế; giá giáo dục giao về cho Bộ Giáo dục.

Từ quy định đó, Nghị định 36 của Chính phủ giao trách nhiệm quản lý thiết bị y tế thuộc về Bộ Y tế. Bộ đã ban hành Thông tư số 14 năm 2020 về quản lý giá thiết bị y tế.

Vừa qua xảy ra sai phạm nhiều về giá thiết bị y tế, không chỉ lĩnh vực này mà còn ở giá đất đều có lỗ hổng, cần phải hoàn thiện. Bộ Tài chính, Bộ Y tế đã bàn và xây dựng Nghị định 98 ban hành 8/11/2021, Bộ Tài chính đã có 2 văn bản góp ý cùng với Bộ Y tế để đề nghị Chính phủ thắt chặt lỗ hổng này. Chuyển sang Nghị định mới sẽ chặt chẽ hơn. Từ phương thức công khai giá theo Nghị định 36 thì Nghị định 98 của Chính phủ buộc phải kê khai giá.

Các cơ sở y tế phải kê khai giá, giá đó phải chuyển về trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế để quản lý. Nếu bán giá sai so với quy định, sẽ xử phạt hành chính, thậm chí thu hồi giấy phép hoạt động, có hậu nghiêm trọng thì phải truy tố trước pháp luật. Chắc chắn sẽ bịt lỗ hổng được trong quản lý giá thiết bị y tế.

Trong kê khai giá, Bộ Tài chính yêu cầu: Nếu thiết bị y tế nhập khẩu, phải công khai giá nhập thông qua hoạt động của hải quan; các chi phí được tính hợp lý trên giá cơ sở. Nếu sản xuất trong nước phải công khai giá thành sản xuất trong nước và công khai giá bán. Đã hoàn thiện và bịt được lỗ hổng.

Liên quan loạn giá: Giá kít và một số giá thiết bị y tế, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Thuế, Hải quan phải quản lý chặt, không để đơn vị lợi dụng việc tài trợ, viện trở để nâng giá, để đưa vào chi phí sản xuất, từ chi phí sản xuất (theo Nghị định 44 của CP ban hành khoản này được trừ chi phí hợp lý) để giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Bộ Tài chính chỉ đạo không để lợi dụng.

Về những khó khăn tài chính của các trung tâm y tế cấp huyện: Trung tâm cấp huyện bao gồm bệnh viện do Sở Y tế quản lý, cơ chế tài chính thông qua từ Hội đồng nhân dân tỉnh UBND tỉnh, phân bổ dự toán cho Sở Y tế. Sở lại phân bổ cho huyện. Bộ Tài chính thấy rằng, y tế cấp huyện có thiệt thòi hạn chế, từ cơ sở vật chất, vấn đề quản lý điều hành, thanh tra, giám sát Đề nghị đối với các tỉnh, huyện ở đồng bằng, miền núi, những Trung tâm y tế cấp huyện và y tế xã nên giao về cho huyện, thành phố quản lý.

10:37 Ngày 10/11/2021

Bác sĩ giỏi chưa chắc đã là người có chuyên môn quán lý giỏi

Trước khi Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời các thành viên Chính phủ làm rõ thêm những ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết:

Ý kiến của ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói: Bác sĩ giỏi chưa chắc đã là người có chuyên môn quán lý giỏi. Điều này là hoàn toàn có lý khi đã có rất nhiều vụ việc người có chuyên môn giỏi nhưng quản lý đơn vị lại không hiệu quả.

Các Nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ, quản lý và sử dụng công chức, viên chức, xác định vị trí việc làm... có nói rõ về tiêu chuẩn về việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức viên chức đã có những quy định tiêu chuẩn rõ ràng. Đối với việc quản lý, sử dụng cán bộ ở Bộ Y tế cũng đã có các Thông tư về việc tuyển dụng, bổ nhiệm...

Nhưng việc cán bộ ở ngành y tế đúng là có chuyên môn giỏi nhưng việc quản lý, quản trị còn nhiều việc cần bàn. Trong thời gian tới, Bộ Y tế cần làm sao sử dụng cán bộ có năng lực quản trị tốt để tránh những việc không đáng có đã xảy ra.

Cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chúng ta đang triển khai tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong ngành y tế. Việc phân cấp trong ngành y tế vẫn còn nhiều vướng mắc.Cần rà soát, xem xét căn cơ cụ thể. Sau kỳ họp này có thể phân cấp được ngay, nhất là việc chuyển các trung tâm y tế quận huyện về cho địa phương quản lý, ngành y tế chỉ quản lý về chuyên môn, bởi sau khi dịch bệnh xảy ra đã bộc lộ nhiều bất cấp nên cần rà soát các cơ sở khám chữa bệnh ở địa phương mà Bộ Y tế đang quản lý cần phân cấp cho địa phương.

Về nhân lực y tế còn nhiều khó khăn, chưa đảm bảo số lượng nhưng hạn chế chất lượng. Cần tập trung xây dựng nguồn nhân lực, rà soát tự chủ ngành y tế đã làm được những bước đầu nhưng số đơn vị sự nghiệp y tế mới tự chủ được 10%. Tiếp tục rà soát lại trong việc thực hiện Nghị quyết 19 trong việc tự chủ tài chính. Cần quy hoạch lại đơn vị sự nghiệp, các đơn vị cần phối hợp với nhau nhất là đơn vị sự nghiệp y tế.

"Bộ Nội vụ xin tiếp thu tất cả những ý kiến của đại biểu đã có những ý kiến trao đổi về ngành Nội vụ", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói. 

10:35 Ngày 10/11/2021

Hình thành hành lang pháp lý để tiếp cận xã hội hóa trong y tế

Trả lời ý kiến đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi về lạm dụng xã hội hóa trong ngành Y, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết:

Thời gian qua, đã có luật tài sản công, thông tư Bộ Y tế... Bộ Y tế đã có nhều văn bản chấn chỉnh trong công tác xã hội, không được tăng thu, lạm thu; thanh quyết toán, đặc biệt vấn đề sử dụng máy móc đối với xã hội hóa.

Có nơi tuân thủ các quy định pháp luật, có đơn vị chưa thực hiện nghiêm, khâu tổ chức đơn vị chưa nghiêm, chưa đúng theo pháp luật. Trong triển khai có nơi có nhiều nóng vội, nhiều khi mang tính cá nhân, dẫn chủ quan, đến sai phạm trong thời gian qua. Bộ vẫn tiếp tục chủ trương xã hội hóa để tăng cường nguồn lực xã hội để thực hiện tốt trong việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân nhưng vẫn hình thành hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho đơn vị y tế tiếp cận đối với xã hội hóa. Bộ tiếp tục trình Chính phủ về Nghị định liên danh, liên kết xã hội hóa.

Bộ Y tế đã làm việc chặt chẽ với các bộ, ngành đặc biệt Bộ Tài chính trong việc xây dựng Nghị định riêng. Hy vọng Chính phủ thông qua Nghị định sẽ giải quyết thấu đáo vấn đề này, tránh sai phạm, quản lý giá sẽ công khai minh bạch hiệu quả.

10:34 Ngày 10/11/2021

Bác sĩ làm phòng mạch riêng có ảnh hưởng chất lượng làm việc tại bệnh viện?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Hận đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) chất vấn:

Đối với ngành giáo dục thì việc cấm dạy thêm, học thêm có rất nhiều lý do nhưng trong đó có một lý do là để nâng cao chất lượng dạy và học ở lớp. Với ngành y tế, việc bác sĩ liên kết xây dựng phòng mạch riêng thì có làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh ở bệnh viện công không?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời:

Khi chúng tôi tiến hành tổng kết giai đoạn trước đây thì thấy việc hành nghề của bác sĩ phụ thuộc nhiều yếu tố về thu nhập của bác sĩ. Vì vậy, khi đó, chúng ta trình Quốc hội cho phép bác sĩ được hành nghề và lập phòng khám, tức là được làm việc ngoài giờ để đảm bảo thu nhập bác sĩ, từ đó nâng cao năng lực đội ngũ y tế trong quá trình chữa bệnh. Chúng ta cũng không quá phân biệt giữa công và tư vì suy cho cùng, công tác bảo vệ sức khỏe của nhân dân là sự kết hợp hài hòa giữa công và tư, vì vậy việc trao đổi, chia sẻ lực lượng y tế giữa công lập và tư nhân để làm sao nâng cao chất lượng tất cả các dịch vụ và người dân được tiếp cận dịch vụ có chất lượng ở cả công lập và tư nhân.

Mặt khác chúng tôi cũng có quản lý hành nghề, thời gian để làm sao cho bác sĩ có thời gian tái tạo sức lao động, đảm bảo công việc liên quan đến công lập. Nghiêm cấm việc đơn vị công lập không hoàn thành được nhiệm vụ của mình lại ra ngoài tư nhân. Cái này chúng tôi cũng có chỉ đạo với các địa phương nhất là các Sở Y tế tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm vấn đề này.

10:15 Ngày 10/11/2021

Ở đâu xảy ra sai phạm thì người đứng đầu ở đó phải chịu trách nhiệm

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trả lời ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói: Người đứng đầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những sai phạm ở đơn vị của mình khi để xảy ra tham những lãng phí, sai phạm nghiêm trọng. Bởi người đứng đầu phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát nhưng anh đã buông lỏng thì anh phải chịu trách nhiệm. Đảng đã có quy định trách nhiệm nêu gương, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu nên ở các đơn vị xảy ra sai phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Ngành y tế quản lý về chuyên môn y tế, còn quản lý về con người là địa phương quản lý nhưng Bộ Y tế cũng sẽ kiểm tra thanh tra giám sát về việc này.

Bộ Y tế đã kiểm tra về chuyên môn ngành y, còn về việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị thì địa phương quản lý, tổ chức đấu thầu.

Ý thức về việc đề cao công tác đấu thầu, Bộ Y tế cũng đã tăng cường kiểm tra. Theo Nghị quyết 30 về cơ chế đặc thù, nhà nước đang cho cơ chế. Tới đây việc kiểm soát việc đấu thầu, giá vật tư y tế ở các địa phương cần giám sát chặt chẽ, đẩy nhanh việc mua sắm nhưng phải công khai minh bạch trong phòng chống tham nhũng.

Tăng cường kiểm tra xử lý theo đúng quy định của pháp luật để làm lành mạnh hóa việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nhị Hà (Đoàn ĐBQH Hà Nội), Bộ Y tế đánh gía cao TP Hà Nội có nhiều sáng kiến, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả. Do đặc thù, đặc trưng nên Hà Nội luôn đề cao phòng chống dịch nhưng cũng cần điều chỉnh cho phù hợp với các địa phương. 

Chúng tôi mong rằng Thủ đô tiếp tục quản lý phòng chống dịch tốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

10:13 Ngày 10/11/2021

Đảm bảo thu hút cũng như đào tạo, sử dụng đối với cán bộ y tế một cách phù hợp

Trả lời Đại biểu Trần Kim Yến, điểm cầu TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ:

Đối với nhân lực của y tế, chúng ta đào tạo nhưng việc sử dụng nhân sự còn nhiều hạn chế. Theo quy ước chung của quốc tế và theo Nghị quyết 20, với nhân lực phải có sự phân bổ phù hợp, 1 bác sĩ phải có 3- 3,5 điều dưỡng mới có thể đảm bảo; nhưng thực tế điều kiện còn khó khăn nhất là vấn đề tài chính y tế nên chưa thực hiện được.

Nhiều đơn vị chuyển sang tự chủ nên việc tuyển dụng nhân lực làm việc trong các cơ sở y tế còn khó khăn; mặt khác hiện chưa tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế; giá hiện nay mới tính 2/4 yếu tố cấu thành giá, chưa đáp ứng được theo yêu cầu. Vì vậy, tới đây cần phải tính để tăng được giá dịch vụ y tế để đảm bảo nhân lực y tế được toàn diện. Hiện chúng tôi đang cố gắng để có giải pháp đáp ứng yêu cầu này, tăng cường đào tạo, tăng cường chất lượng đào tạo; sắp xếp bộ máy, sắp xếp nhân lực trong các bệnh viện phù hợp và có hiệu quả.

Về đào tạo có các chương trình căn bản, toàn diện, đào tạo bác sĩ y khoa, nhân lực y tế dự phòng, đào tạo các chuyên ngành khác…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay dù bác sĩ đào tạo 6 năm, tới đây là 9 năm nhưng khi ra trường chỉ hưởng lương chế độ như người học 4 năm; tới đây một bác sĩ khi đào tạo 6 năm ra trường sẽ được hưởng chế độ ở mức độ 2, tuy nhiên vừa rồi chưa được áp dụng. Tới đây sẽ thực hiện việc này để đảm bảo thu hút cũng như đào tạo, sử dụng đối với cán bộ y tế một cách phù hợp.

10:02 Ngày 10/11/2021

Giải pháp nào để khắc phục tình trạng lạm dụng xã hội hóa trong y tế?

Các câu chất vấn tiếp tục làm nóng nghị trường, với nội dung về tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Ánh Sương đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Đại biểu Hoàng Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) chất vấn 2 vấn đề: Chúng tôi xin hỏi Bộ trưởng: Bộ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng lạm dụng xã hội hóa để các tổ chức và cá nhân đầu tư trang thiết bị y tế vào bệnh viện nhà nước để thu lợi nhuận dẫn đến tình trạng lạm dụng kỹ thuật và thuốc, nhiều lãnh đạo thực hiện quy phạm pháp luật?

Đại dịch vừa qua Bộ Y tế đã phát huy vai trò của ngành Y học cổ truyền Việt Nam như thế nào? Bộ có văn bản gì không để áp dụng các phương pháp điều trị y học cổ truyền trong điều trị?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) chất vấn 2 vấn đề: Nhiều đại biểu băn khoăn nếu triểu khai vaccine sớm hơn từ 3 đợt thành công năm 2019 - 2020 sẽ hạn chế về người và của năm 2021, đặc biệt là đợt dịch thứ 4? Bộ Y tế tham mưu với Chính phủ trong việc xây dựng chiến lược và triển khai chiến lược vaccine như thế nào?

Quyết định 4.800 là hướng dẫn tạm thời? Xin hỏi Bộ trưởng là Nghị quyết 128 là chính thức thì tại sao chúng ta lại ban hành hướng dẫn tạm thời và đến bao giờ thì chúng ta hướng dẫn chính thức về mặt chuyên môn y tế để triển khai Nghị quyết 128?

10:00 Ngày 10/11/2021

"Hệ thống y tế cơ bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu đối với tình hình bình thường, nhưng thực tế không đáp ứng được khi dịch bệnh xảy ra"

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Trả lời tranh luận của đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thừa nhận:

Hệ thống y tế cơ bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu đối với tình hình bình thường, nhưng thực tế không đáp ứng được khi dịch bệnh xảy ra, nhất là đối với địa bàn có dịch phức tạp. Nhiều trạm y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu. Còn 20% trạm y tế chưa được xây dựng, sửa chữa.

Năng lực y tế cơ sở, tuyến xã: chỉ trên 48% các trạm y tế thực hiện 80% dịch vụ cơ bản của tuyến xã, ngay cả tỉnh, thành phố lớn. Một trong nhiệm vụ quan tâm đối với hệ thống y tế cơ sở: Gấp rút đề án tăng cường năng lực gồm cả tuyến huyện, xã. Mỗi trạm y tế xã tối đa chỉ có 12 người nhưng ở địa bàn có mật độ dân cư quá đông, khi dịch bệnh xảy ra đã không đáp ứng được.

Bộ Y tế đang đưa ra nghiên cứu cơ cấu, sắp xếp lại đối với trạm y tế xã, để không bị quá tải, như trong TP Hồ Chí Minh cũng như một số địa phương. Chính phủ phải đưa ra giải pháp có các trạm y tế lưu động để khắc phục. Tăng cường đầu tư: từ các tổ chức quốc tế như: ADB, WB với tổng đầu tư trên 200 triệu USD đầu tư cho 29 tỉnh, thành phố, những nơi rơi khó khăn, trong đó đầu tư nâng cấp sửa chữa gần 1.000 trạm y tế nhưng so với nhu cầu thực tế xảy ra cũng không đáp ứng được.

Tha thiết xin Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa tới đầu tư y tế xã. Địa phương cũng nhân rộng mô hình này. Trạm y tế xã có 6 - 8, 12 người không đáp ứng theo yêu cầu thực tế. Bộ Y tế đã và đang sẽ đưa những giải pháp như: Đưa bác sỹ từ trạm y tế xã lên các trung tâm y tế huyện vừa khám vừa học hỏi; thiết lập hệ thống khám chữa bệnh từ xa; tổ chức lại y tế tuyến xã, hình thành mô hình bác sỹ gia đình... để quản lý chăm sóc người bệnh; đổi mới cơ chế tài chính đối với trạm y tế. Đề nghị địa phương quan tâm hoạt động này.

09:50 Ngày 10/11/2021

Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế

Sau giờ giải lao, tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, các đại biểu tranh luận, xoáy sâu vào một số vụ việc nâng giá thiết bị y tế, về việc sử dụng các giáo sư, bác sĩ giỏi vào công tác quản lý... 

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) trao đổi lại với Bộ trưởng về vấn đề sai phạm kinh tế của các bệnh viện dẫn đến hàng loạt GS.TS, bác sĩ rơi vào vòng lao lý:

Tôi thấy rằng Bộ trưởng có nêu lên những vấn đề về giải pháp, nhưng tôi thấy chưa thỏa đáng về hai điểm. Thứ nhất, Bộ trưởng có nói có quy định sẽ phân công cho một phó chuyên phục trách các vấn đề kinh tế như vậy để tránh sai phạm. Nhưng chúng ta đều biết rằng, dù phó đã phân công nhưng có sai phạm thì người đứng đầu vẫn chịu trách nhiệm và nhiều việc có phân quyền phân cấp nhưng trưởng vẫn không thể không quyết định trong những tình huống khẩn cấp nên trách nhiệm của người trưởng vốn dĩ cũng sẽ rơi vào sai phạm 1 cách vô thức như vừa qua.

Thứ 2 là trách nhiệm của cơ quan quản lý, ngay sau khi Bộ trưởng trả lời thì Chủ tịch Quốc hội đã nêu rất trúng vấn đề. Theo quy định thì hàng năm cơ quan chủ quản, cơ quan kiểm toán, thanh tra đều phải duyệt quyết toán với các vốn sử dụng vốn ngân sách còn nếu như vốn của bệnh viện hay đơn vị tự quyết định phải kiểm tra những hoạt động, báo cáo tài chính và như vậy thì những cơ quan này có chức năng, có chuyên môn về quản lý kinh tế mà không phát hiện ra những đơn vị đó sai phạm thì làm sao các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chỉ biết đọc bệnh án thì phát hiện được để tránh? Nếu phát hiện ra sai phạm từ trước, ngăn chặn cảnh báo thì làm gì xảy ra những hậu quả như vừa qua? Xin đề nghị trong vấn đề này có trách nhiệm của các cơ quan chức năng của Bộ.

Thêm vào đó, Luật phòng chống tham nhũng nêu rõ những sai phạm sau khi đã có thanh tra, kiểm tra kiểm toán mới phát hiện ra thì những người thực hiện chức năng này cũng phải chịu trách nhiệm. Nhân đây tôi xin hỏi cơ quan công an, Viện Kiểm sát và Tòa án khi kiểm tra truy tố xét xử những vụ án tham nhũng có bỏ sót tội phạm hay không?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội): Hiện nay theo Quy định Nghị quyết 128, Quyết định 4800 và các văn bản của Bộ Y tế phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh, năng lực y tế, năng lực chuyên môn triển khai các khu cách ly tập trung, xem xét điều kiện cách ly tại nhà, từng địa phương sẽ chủ động đưa ra giải pháp phòng chống dịch bệnh với mục đích đảm bảo an toàn sức khỏe tốt nhất cho người dân và phòng chống lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Hà Nội luôn thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ, Bộ Y tế về phòng chống dịch, cách ly, điều tra truy vết, quản lý người đi từ vùng dịch về, quản lý cách ly F1. Trong mấy ngày gần đây Hà Nội liên tiếp phát hiện ca F0 trong cộng động không rõ nguồn lây. Đặc biệt ngày 9/11 Hà Nội ghi nhận 222 ca bệnh trong đó 105 ca trong cộng đồng, dự báo tình hình dịch bệnh của Hà Nội sẽ diễn biến phức tạp và khó lường. Trên cơ sở diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hà Nội tiếp tục có những biện pháp phòng chống dịch, cách ly, đảm bảo quy định của Nghị quết 128, vừa linh hoạt với tình hình cụ thể của địa phương.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đỗ Đức Hồng Hà đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Đoàn ĐBQH TP Hà Nội): Xin hỏi 2 câu: Vừa qua, các cử tri đã chia sẻ với hi sinh, khó khăn của ngành y tế trong thời gian qua; cho rằng việc thành lập trạm y tế xã đã khó nhưng đảm bảo chất lượng hoạt động còn khó hơn nhiều? Xin Bộ trưởng đưa ra giải pháp? Trách nhiệm của Bộ trưởng để xảy ra tình trạng thiếu số lượng, hạn chế chất lượng, nhiều nơi không có đủ nhân lực, trình độ chuyên môn? Giải pháp khắc phục như thế nào?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Phan Thị Mỹ Dung đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An): Tình trạng người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương do dịch vừa qua nhưng họ không được tiếp tục gia hạn thẻ BHYT. Nhiều người lao động bị gián đoạn việc khám chữa bệnh, hưởng BHYT; các cử tri đã có kiến nghị nguyện vọng được giảm, miễn đóng BHYT và tiếp tục được hưởng chăm sóc sức khoẻ theo chế độ BHYT. Bộ trưởng có giải pháp gì với những kiến nghị trên? 

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Huỳnh Thanh Phương đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận): Từ thực tế chống dịch thời gian qua cho thấy năng lực y tế còn nhiều bất cập, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, chưa được đầu tư thoả đáng? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này như thế nào? Bộ trưởng đưa ra giải pháp nào cho thời gian tới?

Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn ĐBQH  TP Hồ Chí Minh): Y tế cơ sở đang là vấn đề nóng, Chính phủ đã có quy định tạo điều kiện phát triển nhân lực y tế cơ sở, nhưng chưa phát huy hiệu quả, đã bộc lộ nhiều bất cập vừa qua khi xảy ra dịch bệnh. Đề nghị Bộ trưởng nêu các giải pháp, kiến nghị về vấn đề trên? Nhân lực y tế, Việt Nam có tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ rất thấp. giải pháp nào cho vấn đề đào tạo nhân lực.

09:31 Ngày 10/11/2021

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn ĐBQH Hà Nội) đánh giá về chất lượng phiên chất vấn

Bên lề hành lang Quốc hội Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Đoàn Hà Nội trao đổi với phóng viên báo Tin tức về chất lượng câu hỏi của Đại biểu và câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế sáng 10/11.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Đoàn Hà Nội: Câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế đã dứt khoát và rõ ràng Có thể nói, phiên chất vấn bắt đầu bằng Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chứng tỏ vấn đề sức khoẻ người dân đang được cả xã hội quan tâm. Thời gian vừa qua, dịch COVID-19 tác động lớn với toàn xã hội, câu chuyện sức khoẻ của người dân được đặt ra; các đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý trí, nguyện vọng của nhân dân đã đặt ra nhiều câu hỏi nóng được xã hội, cử tri băn khoăn. Chẳng hạn, câu chuyện làm thế nào sớm có vaccine phủ trong toàn dân, làm thế nào để vaccine đến trẻ em, giá của các thiết bị xét nghiệm… Tất cả các câu hỏi này, làm thế nào vx đến trẻ em, giá của các thiết bị xét nghiệm… Trả lời câu hỏi này không chỉ giúp cho ngành y tế thoả mãn thắc mắc ý kiến người dân, giúp cho người dân có niềm tin vững chắc và Chính phủ giải pháp phù hợp trong tình hình hiện nay. Từ đó, người dân có niềm tin vượt qua dịch bệnh dễ dàng hơn trong thời gian sắp tới. Tôi đánh giá câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế đã khá dứt khoát, rõ ràng và có giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Với những giải pháp cụ thể như thế trong thời gian tới, Chính phủ có được cách thức ứng phó với dịch bệnh tốt hơn. Để người dân có thêm niềm tin thực sự, Chính phủ có giải pháp chắc chắn trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến dịch bệnh.

09:31 Ngày 10/11/2021

Quôc hội nghỉ giải lao

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các đại biểu Quốc hội thảo luận bên lề phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

 

09:28 Ngày 10/11/2021

Cần có chế độ thu hút người làm việc trong hệ thống y tế công lập

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời, nguồn nhân lực y tế rất quan trọng. Thời gian qua, Bộ luôn chỉ đạo đảm bảo đáp ứng nhân lực y tế, làm sao để y tế Việt Nam tương đương với các nền y tế hiện đại trên thế giới.

Việt Nam đã có những giải pháp thu hút nhân lực làm việc trong cơ sở y tế công lập như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc biệt... Vừa qua có hiện tượng một số cán bộ y tế ở đơn vị công lập sang đơn vị tư nhân. Tuy nhiên, "chúng tôi xin khẳng định nhân lực y tế công lập vẫn đang là chủ đạo. Những người có trình độ chuyên môn cao vẫn làm việc ở khu vực y tế công lập".

Tới đây, Bộ sẽ quan tâm đến vấn đề này, bằng cách tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, có chế độ thu hút người làm việc trong hệ thống y tế công lập... Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất cải cách chế độ tiền lương để các bác sĩ yên tâm làm việc ở khu vực y tế công lập.

09:18 Ngày 10/11/2021

Không nên vì lo lắng quá mà không cho trẻ đến trường

Bộ trưởng Nguyễn Thành Long khẳng định: Đối với trẻ em đi học, không nên vì lo lắng quá mà không cho trẻ đến trường. Hiện Bộ Y tế đã có hướng dẫn đầy đủ về việc vùng nào an toàn cho trẻ em đi học; nơi nào vừa học trực tuyến, vừa kết hợp trực tiếp. Hiện nay chúng ta không nên chờ vaccine cho trẻ nhỏ bởi hiện nay mới có quy định áp dụng tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Đối với các cháu nhỏ, ở những nơi cấp độ an toàn cần cho đi học. Hiện nay có 22 địa phương đang triển khai cho việc học sinh trực tiếp đến trường. 

09:17 Ngày 10/11/2021

Khi nào có vaccine của Việt Nam? Lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh triển khai như thế nào?

Các đại biểu tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) chất vấn: Ngoài việc quan tâm đến giá thì cử tri cũng quan tâm đến yêu cầu thời gian xét nghiệm và xét nghiệm lại lại. Thời gian qua, có nhiều địa phương yêu cầu xét nghiệm lại sau 72 giờ, có nơi 48 giờ, thậm chí 12 giờ, 1 lái xe trong 1 tuần phải xét nghiệm 3 lần và ngoài tốn kém về tài chính thì rất tốn kém về thời gian. Xin Bộ trưởng cho biết tại sao có sự khác nhau này? Bộ có hướng dẫn chung thống nhất nào không? Chuẩn là bao nhiêu ngày?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Dương Minh Ánh đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) Thưa Bộ trưởng, tôi có 2 câu hỏi. Bộ trưởng vừa nêu tới đây sản xuất vaccine COVID-19 của Việt Nam sẽ được phê duyệt. Vậy thời gian nào vaccine phòng, chống COVID-19 của Việt Nam được phê duyệt và đưa vào sử dụng? Thứ 2, đề nghị Bộ trưởng cho biết lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh của ngành y thực hiện đến đâu? Việc triển khai có thực sự hiệu quả hay không?

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng): Cử tri cho rằng từ trung tuần tháng 10 đến 10/11/2021, sau khi có Nghị quyết 128 của Chính phủ cùng các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế qua thực tiễn cho thấy hoạt động giao thương giữa các vùng, dòng người lao động và nhân dân từ TP Hồ Chí Minh, các vùng lân cận như Đồng Nai, Bình Dương… sau vài tháng thực hiện Chỉ thị 16 đã ồ ạt về quê, từ đó các tỉnh thành có dân trở về đã phát sinh các ổ dịch mới, con số tăng lên hàng ngày, vùng xanh chuyển thành vùng vàng, vùng cam tăng lên rõ rệt. Điều này gây lúng túng cho các tỉnh thành trong phòng chống dịch, đặc biệt địa phương có năng lực y tế còn thiếu và yếu, độ che phủ vaccine còn thấp.

Vậy qua kinh nghiệm, bài học 20 tháng phòng chống dịch, với cương vị tư lệnh ngành, Bộ trưởng cảm nhận trách nhiệm của mình như thế nào và có giải pháp gì trong thời gian tới với phương châm sống chung, thích ứng với dịch? 

09:15 Ngày 10/11/2021

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Nội vụ và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chuẩn bị tham gia trả lời các vấn đề của ngành y tế

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trước khi bắt đầu các nội dung chất vấn mới của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cẩu Bộ trưởng Y tế tiếp tục làm rõ các vấn đề về giá vật tư, trang thiết bị y tế. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Nội vụ và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham gia trả lời vấn đề về nhân lực quản lý các cơ sở y tế. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu:

Theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương về sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập có một số nội dung quan trọng. Các đơn vị sự nghiệp công lập như bệnh viện nếu đã tự chủ hoàn toàn thì được hoạch toán như doanh nghiệp và phải kiểm toán hàng năm về tài chính. Hoặc là kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập phải làm việc này. Chúng ta đã thực hiện nghiêm việc này chưa hay là “mất bò mới lo làm chuồng”? Vấn đề hướng dẫn, kiểm tra giám sát của Bộ là một chuyện nhưng vấn đề nữa là chế độ kiểm toán, kế toán với các đơn vị này thì trong Nghị quyết 19 nói rõ là phải thực hiện quản lý và hoạch toán như doanh nghiệp. Những chuyện như là liên kết máy, mua bán thuốc, vật tư y tế là hàng năm. Bệnh viên công sẽ được nhà nước kiểm toán, và những đơn vị đã được tự chủ hoàn toàn thì phải công khai việc này. Đề nghị Bộ trưởng kiểm tra việc này.

Thứ 2, các đơn vị y tế cấp huyện sau khi sắp xếp tuy không ghi rõ trong Nghị quyết nhưng đề án đã nói rõ tất cả chuyển về cho địa phương, ngành y tế quản lý chuyên môn thôi vì không ai khác là cấp huyện rất thành thạo về con người, nhân sự về quản lý đất đai… trên địa bàn. Chính phủ cũng có về vấn đề này rồi, tại sao chúng ta làm khác nhau? Qua đợt chống dịch này thì những vấn đề mới bộc lộ ra, không chỉ ở TP Hồ Chí Minh đâu.

Đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chuẩn bị giải trình vấn đề này.

Chúng ta 4-5 năm làm việc này rồi nhưng cho đến nay chúng ta còn rất thiết thống nhất giữa các địa phương với nhau. Đây là vấn đề rất lớn, qua việc phòng chống dịch này thì vấn đề năng lực y tế cơ sở ngày càng bộc lộ ra. Chúng tôi mong muốn đại biểu quốc hội đi đến thống nhất trong lần này nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn chúng ta sẽ làm việc này. Hoặc vấn đề này cho ngành y tế hay chuyển chuyển về địa phương thì phải thống nhất trên toàn quốc.

Ngành y tế chỉ quản lý về chuyên môn, qua thảo luận tổ cũng có nhiều ý kiến về vấn đề này. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách vấn đề này sau giờ giải lao sẽ nói về vấn đề này. 

09:08 Ngày 10/11/2021

Mong đại biểu ủng hộ việc đưa khám sàng lọc vào ngân sách BHYT

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, cần triển khai những biện pháp để nâng cao sức khỏe đặc biệt là khám sàng lọc đối với người dân. Theo luật bảo hiểm y tế chúng ta chưa được sử dụng nên chính sách của Bảo hiểm y tế cho vấn đề về khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm ở cộng đồng đối với người dân để có thể thực hiện việc chăm sóc điều trị một cách tốt hơn. Tuy nhiên, theo NQ20 của ban chấp hành Trung ương cũng đã nếu rất rõ để chúng tôi đã xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản, trong đó làm sau để đảm bảo mỗi một người dân có thể khám sàng lọc sức khỏe ít nhất là một lần. Và trong thời gian tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục sửa đổi luật BHYT cho để khám sàng lọc xét nghiệm sớm, nhất là các bệnh truyền nhiễm.

Chúng ta cũng tiến đến cho phép sử dụng ngân sách của nhà nước cho vấn đề này. Và nhân đây cũng đề nghị đối với các địa phương có thể sử dụng ngân sách của các địa phương cho khám sàng lọc sức khỏe. Trong thời gian qua các hội của Bộ Y tế phối hợp các địa phương khám sàng lọc cho kết quả tốt. Mong đại biểu ủng hộ việc đưa khám sàng lọc vào ngân sách BHYT để tăng tính bền vững và liên tục trong vấn đề về quản lý sức khỏe đối với người dân theo đúng NQ 20 của ban chấp hành trung ương 

08:59 Ngày 10/11/2021

Đau lòng trước hiện tượng cán bộ y tế vướng vòng lao lý

Phần câu hỏi tranh luận, các đại biểu liên tiếp đưa ra các ý kiến.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Sơn đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, đoàn Tiền Giang đặt 2 câu hỏi:

Hiện nay việc tổ chức khám sàng lọc, phát hiện bệnh tật còn nhiều hạn chế, đây lại là công đoạn rất quan trọng trong điều trị cho người dân. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

Hiện nay cơ chế tài chính cho mô hình Trung tâm y tế huyện đa chức năng đang còn nhiều vướng mắc, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai: Chúng ta rất đau xót khi cả nước đang căng mình chống dịch thì một số cán bộ y tế lại vướng vào vòng lao lý liên quan đến công tác mua sắm, đấu thầu, quản lý giá thuốc… Trách nhiệm mỗi cá nhân đã được chỉ ra tuy nhiên cơ chế đặc biệt là công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế. Với vai trò là cơ quan quản lý, xin Bộ trưởng nói rõ thêm vể công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát khi để xảy ra các sai phạm này?

Đại biểu Dương Ngọc Hải, điểm cầu TP Hồ Chí Minh: Việc chuyển giao các bệnh viện quận, huyện và Trung tâm y tế có nhiều khó khăn bất cập, nhất là khi dịch bệnh xảy ra. UBND các quận, huyện rất khó khăn trong tập trung chỉ đạo, điều phối hoạt động của các bệnh viện quận, huyện và Trung tâm y tế, trong khi Bệnh viện và Trung tâm y tế đóng vai trò trong việc chăm sóc sức khoẻ, thực hiện tổ chức xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị, chăm sóc tại nhà với quy mô lớn khi xảy ra dịch bệnh. Cần có sự chỉ đạo tập trung điều phối của UBND các quận, huyện; còn Sở Y tế chỉ quản lý các bệnh viện chuyên khoa lớn và chỉ đạo hướng dẫn chuyên môn. Bộ Y tế có giải pháp gì trong phân cấp quản lý, phát huy vai trò các bệnh viện quận, huyện và Trung tâm y tế? 

08:57 Ngày 10/11/2021

Các địa phương cần sớm đưa học sinh trở lại trường học

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Vê việc học sinh không được đi học, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất sớm đưa học sinh trở lại trường học. Quyền của các em được đi học là chính đáng, nhưng không vì thế mà hạn chế học sinh đi học trở lại. Biện pháp phòng chống dịch được Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể.

"Tôi cho rằng, không nên đợi chời khi có vaccine mới cho học sinh đến trường. Vì độ rủi ro của dịch bệnh đối với các em cũng không cao, nên các địa phương cần mạnh dạn đưa các cháu đến trường. Theo Nghị quyết 128/ NQ-CP thì mới có 22 địa phương đưa các em đến trường", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Theo Nghị quyết 128 cũng đã rất rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này, cho nên các địa phương cần chủ động triển khai cho học sinh đến trường trở lại.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, các nước trên thế giới cũng có quốc gia con em của họ cũng học trực tuyến nên việc học trực tuyến cũng là giải pháp hữu hiệu đối với các học sinh.

08:55 Ngày 10/11/2021

Giải pháp khắc phục chênh lệch chất lượng khám chữa bệnh giữa tuyến trên và tuyến dưới

Trả lời ý kiến đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) về chất lượng khám chữa bệnh về chênh lệch giữa tuyến trên và tuyến dưới, giữa các cùng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết:

Ngành Y tế đã và đang đẩy mạnh chương trình cải cách, đổi mới nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh. Đó là: Hình thành khu phức hợp y tế ở những địa bàn trọng điểm trên cơ sở đó có sức cạnh tranh đối với các nước trên thế giới.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng bệnh viện tuyến cuối ở một số địa bàn theo khu vực địa lý. Đã quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới y tế, trong đó có tập trung đào tạo sự mất cân bằng giữa các vùng trong khám chữa bệnh. Ví dụ đối với Tây nguyên,chưa có bệnh viện TW địa bàn. Đầu tư công 2021 - 2026, Chính phủ đã đồng ý xây dựng bệnh viện đa khoa ngay trên địa bàn.

Khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, chúng tôi đã có kế hoạch để đảm bảo tăng cường chất lượng khám chữa bệnh

Đẩy nhanh tiến độ khám bệnh từ xa để rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. Thời gian qua đã triển khai tốt. Các bệnh viện từ Trung ương tới địa phương đã được trao đổi kết nối với nhau.

Đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện cải cách đổi mới theo hướng tiếp cận mặt bằng chung các nước trên thế giới.

Đối với nhân lực ở các vùng khó khăn, đã trình Chính phủ, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho vùng khó khăn, vùng miền núi; đề án đào tạo bác sỹ trẻ đưa vào các vùng. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN 

Trả lời đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói: Về cơ chế tài chính trung tâm y tế huyện đa chức năng, Bộ Y tế nhận trách nhiệm trong nhiều vấn đề này.

Khi mà chúng tôi tổng kết lại hàng năm cũng có các báo cáo tổng kết và chi tiêu đối với các trung tâm y tế đối với tuyến xã rất thấp. 75% đợt khám chữa bệnh là được thực hiện tại bệnh viện tuyến huyện và tuyến xã nhưng mà tổng mức chi tiêu chỉ khoảng độ 34%; tuyến xã chỉ 2%. Cho nên, việc cải cách là cải cách vấn đề về cơ chế tài chính đối với y tế tuyến huyện đang đặt ra.

Bộ Y tế hiện nay cũng đang tiến hành rà soát đánh giá tổng thể, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để làm sao đảm bảo đổi mới cơ chế tài chính y tế tuyến huyện theo nhiều phương thức. Trung tâm y tế hiện vừa có chức năng khám bệnh, chữa bệnh vừa có chức năng về mặt dự phòng.

Vì thế phải đảm bảo 2 việc: Có thể theo hình thức đặt hàng giao nhiệm vụ hoặc theo gói dịch vụ y tế dự phòng vừa theo hình thức khám chữa bệnh của BHYT. Cái này chúng tôi tham khảo BHYT và ngành tiếp thu ý kiến đại biểu, đẩy nhanh cải cách cơ chế tài chính của TTYT tuyến huyện.

08:54 Ngày 10/11/2021

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn về vaccine và phân bổ vaccine

Thời gian qua, chiến lược vaccine rất thành công, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về mua, nhập khẩu vaccine: Việt Nam đã mua, nhập khẩu qua hợp đồng, theo các cam kết gần 200 triệu liệu vaccine, sau này hơn 200 triệu liều vaccine.

Chúng ta đã thúc đẩy rất thành công chiến lược ngoại giao vaccine.

Về tự chủ vaccine qua việc nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ. Có đơn vị trong nước sản xuất, tới dây khả năng cấp phép; có 2 đơn vị chuyển giao công nghệ.

Chiến dịch tiêm chủng, Việt Nam đã tiêm cho 94 triệu người.

Về phân bổ vaccine: Dựa trên Nghị quyết 21 của Chính phủ về phân bổ, theo tình hình dịch tại địa bàn, yếu tố nguy cơ. Theo Nghị quyết 128, các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 1; đồng thời tiêm trả mũi 2. Việt Nam đảm bảo đủ cho người dân tiêm đủ 2 mũi cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên; đảm bảo đủ vaccine để tiêm cho cho người dân từ 12 tuổi trở lên. Cuối năm nay mới có kế hoạch tiêm mũi 3.

Chúng tôi đề nghị các địa phương phải theo hướng dẫn chung của Bộ Y tế. Bởi có địa bàn nóng thì vẫn phải dồn vaccine cho địa bàn đó. 

08:53 Ngày 10/11/2021

Dự báo tình hình dịch là việc hết sức khó khăn

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lưu Văn Đức đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Trả lời ý kiến đại biểu Nguyễn Văn Đức (Đắk Lắk) về việc dự báo tình hình dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thành Long chia sẻ: Dự báo tình hình dịch là việc hết sức khó khăn.

Tổ chức y tế thế giới chỉ đưa ra khuyến cáo, đại dịch không thể kết thúc năm 2022, phải có thể sang năm 2023 thì coi là bệnh theo mùa.

Một số nước đưa ra dự báo mang tính ngắn hạn. Đại dịch có thay đổi biến chủng liên tục, tốc độ lây lan nhanh. Bộ Y tế đã có nhìn nhận thẳng thắn về tồn tại yếu kém trong dự báo ở một số địa phương chưa đúng, chưa sát thực tế, kể cả ngay cả ở Trung ương.

Dự báo từ nay tới hết năm 2022: Thời gian qua có địa phương có dấu hiệu COVID-19 tăng trở lại, Chính phủ, Bộ Y tế quan ngại và liên tục có chỉ đạo, tiếp tục tăng cường chống dịch.

Từ nay tới cuối năm, diễn biến phức tạp, xuất hiện tâm lý chủ quan, có người dân không áp dụng theo khuyến cáo của cơ quan y tế là 5K. Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân nữa là thời tiết lạnh mùa Bắc, Tết đến có hoạt động tập thể đông người - đây là điểm quan ngại tình hình dịch từ nay tới cuối năm và đầu năm 2022. Đối với địa phương, cần tăng phủ sóng vaccine để giảm tỷ lệ tử vong COVID-19. Chúng tôi vẫn coi là trọng tâm trọng điểm về chống dịch từ nay tới cuối năm và đầu năm 2022. 

08:50 Ngày 10/11/2021

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn về chế độ cho cán bộ y tế

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN 

Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, tỉnh Hải Dương về đào tạo, tăng cường chất lượng, có chính sách thu hút nguồn nhân lực làm việc đối với y tế công lập. Theo Bộ trưởng, có 2 chính sách chế độ phục cấp ưu đãi theo nghề và chế độ cung cấp đặc biệt, theo trực và phòng chống dịch.

Tuy nhiên có hiện tượng, chỉ là một số trường hợp, một số cán bộ y tế ở công lập đang làm đơn vị y tế tư nhân. Đối với nhân lực y tế công lập vẫn đang là chủ đạo. Với người có trình độ chuyên môn cao vẫn đang làm việc ở y tế công lập.

Tới đây Bộ Y tế sẽ quan tâm vấn đề này bằng nhiều hình thức: tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường chế độ thu hút người làm việc y tế công lập; tiếp tục đào tạo, đào tạo trình độ cao hơn đối với toàn bộ lực lượng y tế; cố gắng cải cách chế độ tiền lương, phụ cấp để dảm bảo người cán bộ y tế yên tâm làm việc cơ sở y tế công lập.   

08:46 Ngày 10/11/2021

"Nóng" vấn đề dự báo tình hình dịch

Các đại biểu tiếp tục chất vấn về các vấn đề của ngành y. Nội dung về dự báo tình hình dịch liên quan tới chiến lược phòng chống COVID-19, sự phân bổ vaccine,  tiếp tục được đưa ra chất vấn.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

 

 

 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chất vấn: Nhân lực ngành y tế đang thiếu, nhất là nhân lực chất lượng cao. Trong giai đoạn chống chọi với dịch bệnh COVID-19 như thế này, Bộ trưởng có giải pháp gì để chống việc chảy máu nhân lực của ngành từ việc có những nhân viên y tế không muốn tiếp tục gắn bó với nghề khi áp lực công việc quá lớn?

Gần đây có những cán bộ lãnh đạo ngành y bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị khởi tố bởi những vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trách nhiệm của Bộ trưởng?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lưu Văn Đức đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lăk) đặt 2 câu hỏi: Công tác dự báo dịch đến hết năm 2022 như thế nào? Khó khăn gì trong công tác dự báo này? Bộ trưởng có kế hoạch và giải pháp gì cho chiến lược tiêm vaccine COVID-19 công bằng hiện nay? Có địa phương đã tiêm được vaccine cho tất cả người từ 18 tuổi trở lên, có địa phương đã tiêm cho trẻ em và còn đề nghị thêm mũi 3, trong khi đó hiện nay nhiều địa phương ở Tây Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn chưa tiêm đủ cho người từ 18 tuổi trở lên, Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thuỷ đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn): Giải pháp đột phá về khám chữa bệnh ở các vùng? Từ góc độ chuyên môn của Bộ Y tế, đề nghị Bộ trưởng cho biết phản ánh của cử tri về sự thận trọng quá mức cần thiết như trên có đúng hay không? 

08:38 Ngày 10/11/2021

Giá thiết bị y tế đã tham khảo Bộ Tài chính chưa?

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tranh luận: Có ý kiến cho rằng Bộ Y tế buông lỏng giá xét nghiệm, không quản lý giá, mỗi nơi mỗi kiểu. Trong thời gian qua có thể mỗi nơi, mỗi đơn vị nhập về có giá khác nhau, trong 1 quận giá cũng khác nhau. Bộ quy định có giá khác nhau có tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính không? Giá của tư nhân Bộ có quản lý được không? Ngay như tôi là đại biểu quốc hội test nhanh tại sân bay Tân Sơn Nhất 440.000 đồng và giá thiệt thòi cho người dân.

 Vấn đề thứ hai là quản lý chuyên môn và quản lý chuyên ngành quản lý kinh tế với giám đốc bệnh viện. Vấn đề liên quan đến quản lý địa phương nên Bộ Nội Vụ có ý kiến về vấn đề này và cần có sự tạch bạch. Không để xảy ra trường hợp ra tòa lại kêu oan chỉ biết chuyên môn, không biết quản lý chuyên ngành kinh tế? 

08:37 Ngày 10/11/2021

Ở chung cư, đã tiêm đủ 2 mũi có phải đi cách ly tập trung?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Mạnh Cường đặt câu hỏi tại phiên chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường tranh luận: Cử tri ở chung cư, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, khi chung cư có F0 thì tại sao phải đi cách ly tập trung?

Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời: Trường hợp này đã xảy ra đối với Hà Nội và một vài địa phương. Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất đầy đủ về quy định trong từng trường hợp, trường hợp nào người dân không phải đi cách ly tập trung mà chỉ cách ly tại nhà trong vòng 7 ngày.

Đề nghị các địa phương áp dụng thống nhất theo Nghị quyết 128. Về trách nhiệm của Bộ Y tế, có thể trao đổi với từng địa phương để làm rõ vấn đề này và có chế độ hậu kiểm ra sao để triển khai đúng văn bản pháp luật.  

08:35 Ngày 10/11/2021

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc dự phiên chất vấn

Chú thích ảnh
08:18 Ngày 10/11/2021

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời câu chất vấn của các đại biểu đầu tiên

 
Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cảm ơn Quốc hội, cử tri và nhân dân trên toàn quốc đã động viên quan tâm, chia sẻ, góp ý đồng hành cùng ngành y tế trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19 và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Bộ trưởng chia sẻ: Đại dịch COVID-19 là đại dịch chưa từng có trong tiền lệ, nhiều quốc gia đã phải điều chỉnh các chính sách theo từng giai đoạn thời gian tuỳ thuộc vào diễn biến tình hình dịch. 

Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các quốc gia đã chuyển sang thích ứng, chung sống an toàn với dịch. Thực tế thời gian qua, sau khi tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm các nước, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta đã ban hành Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19.

Nghị quyết này có một số điểm lưu ý như: Đánh giá cấp độ dịch dựa trên tình hình dịch, tiến độ tiêm chủng, năng lực y tế của từng địa phương; các địa phương có đánh giá về tình hình dịch của mình để đưa ra giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Hiện các địa phương đã đánh giá được cấp độ dịch trên từng địa bàn, quy mô xã và nhỏ nhất có thể.

Trong Nghị quyết 128 của Chính phủ và Hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế đã nêu rất rõ, các địa phương phải đánh giá cho được được cấp độ dịch để đưa ra các biện pháp triển khai, hoạt động phù hợp với cấp độ dịch như: Việc tổ chức các hoạt động ngoài trời, giao thông, lưu thông hàng hoá, y tế... 

Các địa phương cần tuân thủ theo Nghị quyết này. Muốn chuyển sang thích ứng an toàn, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhất là y tế rất quan trọng. Các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất đặc biệt về y tế như: Hạ tầng, y tế cơ sở, thành lập trung tâm hồi sức…

Các địa phương phải chủ động trong các biện pháp chống dịch. Hiện một số có tình trạng lơ là, mất cảnh giác, vì vậy các cơ quan y tế, Chính phủ đã chỉ đạo không lơ là, chủ quan mà liên tục phải có các biện pháp phòng chống dịch.

Đại dịch chưa có trong tiền lệ, diễn biến phụ thuộc nhiều vào từng địa phương; căn cứ tình hình tại các địa phương: Quy mô dân số, mức độ mắc, tình hình giao lưu, đi lại… các địa phương đã có triển khai các biện pháp khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản các địa phương áp dụng đồng bộ. Các địa phương dịch cấp độ 1 - 2 triển khai bình thường, cấp đô 3 - 4 triển khai theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế. Các địa phương có thể áp dụng các biện pháp nhưng lưu ý việc thực hiện theo Nghị quyết 128, và Hướng dẫn 4800. 

Trả lời câu chất vất của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc xét nghiệm, cách ly những trường hợp đi từ vùng dịch trở về.

Đối với người tiêm đủ 2 liều vaccine chỉ cần theo dõi y tế ở nhà 7 ngày và xét nghiệm ngày thứ nhất. Đối với người khỏi bệnh COVID-19 cũng áp dụng tương tự là theo dõi y tế tại nhà trong 7 ngày. Đối với người tiêm 1 mũi vaccine áp dụng cách ly tại nhà 7 ngày. Trường hợp người dân chưa tiêm mũi nào thì áp dụng cách ly tại nhà 14 ngày. Tùy thuộc vào từng địa phương, đặc biệt để đảm bảo an toàn chống dịch đối với khu vực có mật độ dân cao; khu chung cư đông người có nguy cơ lây nhiễm cao, Bộ Y tế đã có hướng dẫn áp dụng đối với trường hợp nào phải đưa người dân đi cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. 

 
08:15 Ngày 10/11/2021

Có thể tách bạch quản trị bệnh viện và chuyên môn?

Chú thích ảnh
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) chất vấn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) chất vấn: Các tiêu cực trong ngành y gần đây chủ yếu liên quan tới công tác quản lý các cơ sở y tế. Các thầy thuốc giỏi chưa hẳn đã quản lý tốt. Liệu có thể tách bạch quản trị bệnh viện và chuyên môn?

08:13 Ngày 10/11/2021

Các đại biểu đầu tiên chất vấn, tập trung vào chiến lược, quy định phòng chống dịch

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu): Hiện nay các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết 128 còn rất khác nhau, với vai trò là tư lệnh ngành y tế đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để tổ chức thực hiện đồng bộ Nghị quyết 128 trên phạm vi toàn quốc?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Mạnh Cường đặt câu hỏi tại phiên chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình): Việc bắt buộc đưa F1 đi cách ly tập trung 14 ngày, dù trường hợp này chỉ cần đi chung trang máy với người mắc F0, trong khi họ hoàn toàn có đủ điều kiện có thể ở căn hộ. Cách làm này sẽ ảnh hưởng đến tinh thần nếu để kéo dài và không hợp lý. Trách nhiệm của Bộ trưởng?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi tại phiên chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp): Giá xét nghiệm COVID-19 không thống nhất, nơi cao nơi thấp, tại sao có việc này xảy ra? Trách nhiệm của bộ trưởng về trôi nổi giá thiết bị y tế, vấn đề tiêu cực ở ngành y thời gian qua.

Có nên tách quản lý và chuyên môn riêng như một số đại biểu đã ý kiến? Về vấn đề này đại biểu cũng gửi đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Đại biểu Đoàn Hồng Sĩ (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) hỏi: Việt Nam là một trong bốn nước đầu tiên phân lập được virus. Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất được tex xét nghiệm. Tuy nhiên, trong thời gian qua chúng ta chủ yếu nhập khẩu, đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao trong nước lại không được sản xuất và phải nhập từ nước ngoài và nếu có sản xuất thì đã sản xuất ở đâu, ở địa phương nào? Giá cả trong quản lý xét nghiệm trong thời gian vừa qua, đến sáng nay mới có giá thì trước đây ở các cơ sở khác nhau.

Bộ trưởng cho biết cơ sở giá xét nghiệm. nhiều địa phương? Người dân dưới 18 tuổi chưa được tiêm vaccine COVID19, nhưng hiện nay một số địa phương đã có nơi đã bắt đầu tiếp tục tiêm mũi ba, xin Bộ trưởng cho biết cơ sở tiếp cận vaccine ở các địa phương như thế nào?  

08:11 Ngày 10/11/2021

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đăng đàn

Mở đầu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo với Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước về những nội dung đã làm được cũng như những vấn để còn hạn chế. Bộ trưởng cảm ơn sự quan tâm, đóng góp của Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước và xin trân trọng lắng nghe các câu hỏi chất vấn.

Chú thích ảnh
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đối với câu hỏi của Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, với trang thiết bị y tế, sinh phẩm chuẩn đoán xét nghiệm không thuộc lĩnh vực quản lý và quản lý theo luật giá và thứ 2, giá cả các mặt hàng khác nhau giữa các hãng khác nhau và khác nhau giữa các nước sản xuất, ví dụ như Châu Âu một giá, Châu Mỹ một giá, Trung Quốc…

Rồi giữa các trang thiết bị y tế và sinh phẩm cũng khác nhau qua các thời điểm. Có những thời điểm giá các nước có nhu cầu cao thì giá thành cũng cao hơn. Chúng ta nhớ lại hồi đầu năm 2020, khi đó giá thành cao, tương tự giá găng tay nhiều khi khan hiếm trên thị trường nên đẩy giá lên cao và nhiều quốc gia đều có tình trạng tranh mua với mặt hàng này.

Bản thân các doanh nghiệp thời gian qua nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường nên hạ giá hơn và nhiều giải pháp của Bộ Y tế cũng quyết liệt.

Thứ nhất, chúng tôi đã từng bước minh bạch hóa cho việc cung ứng với trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế và đến tháng 7/2020 Bộ đã yêu cầu đối với tất cả cơ sở có kinh doanh, sản xuất thiết bị y tế phải công khai trên cổng Bộ Y tế, niêm yết giá.

Đến nay có 69.235 sản phẩm đã niêm yết giá và kết quả đấu thầu 93.253 kết quả đã được niêm yết công khai trên cổng thông tin Bộ Y tế, từ đó các cơ sở tham khảo xây dựng kế hoạch đấu thầu cũng như triển khai đấu thầu cung ứng cho địa bàn của mình.

Thứ 2, Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp tăng nguồn cung đối với cung ứng cho thị trường Việt Nam và hạ giá thành sản phẩm. Bộ Y tế đã có 2 lần ra văn bản đề nghị doanh nghiệp chung tay với phòng chống dịch và hạ giá thành sản phẩm.

Thứ 3, chúng tôi đã tăng cường cấp phép để tạo cạnh tranh giữa các đơn vị, trước đây chúng ta ít mặt hàng được cấp phép nhưng sau khi tất cả các doanh nghiệp trên thế giới được phép sản xuất thì cho tới nay chúng ta cấp phép cho 131 sản phẩm sinh phẩm chuẩn đoán trong đó có test nhanh PCR và kháng thể.

Thứ 4, chúng ta tăng cường vận động tài trợ, hỗ trợ từ các nước, theo con số chúng tôi nắm được của Bộ Y tế thì đến nay chúng ta đã vận động tài trợ trên 50 triệu test và riêng TP Hồ Chí Minh ngoài phần trung ương phân bổ cho các địa phương thì đã được các doanh nghiệp, cộng đồng hỗ trợ 14,4 triệu test. Về cơ bản, chúng ta sử dụng test của các nước do tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp của Việt Nam hỗ trợ.

Thứ 5, chúng ta tăng cường làm sao giảm giá thành là yêu cầu đặt ra, vì vậy Bộ Y tế liên tục có những văn bản yêu cầu về gộp mẫu, ngay từ Bắc Giang chúng tôi đã yêu cầu gộp mẫu kể cả với tets nhanh, tets nhanh có thể gộp 3, gộp 5, với test PCR có thể gộp 10, có nơi đã gộp tới 20, điều này được cho phép trong chuyên môn để giảm giá thành xét nghiệm.

Đồng thời, Bộ liên tục có điều chỉnh về chiến lược xét nghiệm tùy từng thời điểm, mức độ mà chúng ta có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế trên quan điểm phòng chống dịch hiệu quả nhưng tiết kiệm.

Từ 1/7, chúng tôi đã tiên lượng thị trường test nhanh sẽ sôi động hơn, việc dùng test nhanh sẽ sôi động hơn nên Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu với tất cả đơn vị thuộc bộ và địa phương thực hiện theo phương thức minh bạch, trường hợp người dân tự nguyện đến xét nghiệm thì chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, vì vậy có hiện tượng chênh lệch giá giữa các đơn vị đối với các cơ sở tư nhân là những cái chúng tôi đã nhận ra thời gian qua.

Một số đơn vị do quá bận phòng chống dịch nên khi tháng 9 chúng tôi yêu cầu thực hiện đúng yêu cầu của Bộ về tự khai tự chi giá test chỉ được thu đúng giá đầu vào, giá đấu thầu nhưng đơn vị nhận lỗi do mải mê quá nên không thực hiện được. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương phải nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh. Trong tháng 5 khi dịch xảy ra ở Bắc Giang, một trong những vấn đề xảy ra với các cơ sở y tế.

Bộ Y tế có 2 công điện gửi các cơ sở y tế là không được thu tiền của người bệnh trong xét nghiệm COVID-19, trong trường hợp có bảo hiểm y tế thì thanh toán bảo hiểm y tế, trường hợp không có bảo hiểm y tế thì do ngân sách nhà nước chi trả. Thủ tướng cũng lên tục có chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt, không có lợi ích nhóm. Tiếp theo, để đảm bảo nguồn cung và giá thành sản phẩm, một trong những vấn đề Bộ đưa ra là thúc đẩy sản xuất trong nước, hiện nay chúng ta có 8 doanh nghiệp cung cấp test nhanh và PCR và kháng thể.

Năng lực sản xuất và cung ứng về cơ bản đáp ứng đầy đủ. Chúng tôi cũng nghiên cứu phương pháp chuẩn đoán mới như qua nước bọt để giảm giá thành sản phẩm và tiện ích. Với quản lý giá và trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm thì chính thức được đưa vào mặt hàng được quản lý giá, chúng tôi làm việc chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội trình đại biểu quốc hội bình ổn giá với mặt hàng này.

Bộ Y tế cũng ban hành thông tư 16 với giá xét nghiệm. Với câu hỏi của đại biểu Đặng Hồng Sỹ về sản xuất kist test. Ngay sau tháng 3-4-5 thì chúng ta hỗ trợ với 2 đơn vị sản xuất được test PCR về cơ bản chúng ta đáp ứng đủ. Cùng đó, hiện có 2 đơn vị sản xuất test nhanh kháng nguyên, 2 đơn vị chuyển giao công nghệ từ Pháp và 1 đơn vị chuyển giao từ nước khác. Về nguyên tắc phân vaccine thì theo nguyên tắc có đối tượng và địa bàn ưu tiên, tập trung phân bổ cho tỉnh thành phố có diễn biến dịch phức tạp, những địa phương có nguy cơ cao.

Trong Nghị quyết 21 cũng quy định cụ thể các đối tượng ưu tiên sử dụng vaccine, thời gian qua Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các địa phương phân bổ vaccine với người cao tuổi trên 50 và 65 tuổi. Theo Nghị quyết 128 đã quy định rõ với các địa phương trong tháng 10 phải phủ cho được đối tượng trên 65 tuổi và đến tháng 11 phủ trên 50 tuổi. Một số địa phương đã tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Trong tháng 11 sẽ triển khai trên địa bàn toàn quốc tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Dựa theo nguyên tắc tuổi cao thì tiêm trước và tuổi thấp tiêm sau.

Về tiêm mũi thứ 3 thì Bộ Y tế mới lập kế hoạch và chưa tiêm mũi 3, dự kiến tiêm vào cuối tháng 12 vì chúng ta phải phủ nhanh mũi 1 cho tất cả các địa phương, trong 2 tuần đầu tháng 11 cố gắng phủ hết mũi 1 cho các địa phương sau đó trả mũi 2, sau đó mới tiêm mũi 3. Mũi 3 sẽ tiêm cho người cao tuổi, có bệnh lý nền.

08:02 Ngày 10/11/2021

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. 

Về việc lựa chọn các chủ đề chất vấn, việc chất vấn bằng phiếu của các ĐBQH, ý kiến của cử tri và nhân dân quan tâm về những tình hình nổi lên ở các phiên thảo luận tổ, các vấn đề nóng. Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp 12 vấn đề nóng và đã chọn ra 6 vấn đề được lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

ĐBQH đã biểu quyết lựa chọn ra 4 vấn đề cụ thể là y tế, lao động việc làm và các vấn đề xã hội, kinh tế vĩ mô, đầu tư công và vấn đề liên quan đến giáo dục đào tạo.

Cuối phiên chất vấn Thủ tướng sẽ giải trình, trả lời thêm những vấn đề đại biểu quan tâm.

08:00 Ngày 10/11/2021

Phiên chất vấn bắt đầu

 
Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu, khẳng định kết quả của phiên chất vấn này sẽ là tiền đề để Quốc hội tiếp tục rút kinh nghiệm, hoàn thiện các phiên chất vấn tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Ưu tiên cho nội dung tranh luận; tập trung vào tranh luận với người được chất vấn chứ không tranh luận giữa các thành viên Quốc hội với nhau.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ phân công thêm các thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ các phiên chất vấn.  

 Sau khi kết thúc phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết chung. 

Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long sẽ đăng đàn đầu tiên, trả lời chất vấn.    

07:47 Ngày 10/11/2021

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH Đồng Nai): Cuộc chiến chống dịch còn dài

Ở các phiên chất vấn, tôi mong đợi các đại biểu Quốc hội đưa ra những quan điểm, câu hỏi để Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời, trao đổi, giải trình làm rõ những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm. Đồng thời, cùng với những vấn đề vĩ mô, vi mô, việc thảo luận kinh tế - xã hội sẽ được Quốc hội thảo luận kỹ. Thành công của Kỳ họp này đang rất được người dân chờ đợi. 

Tôi quan tâm tới vai trò của ngành y tế trong việc chống dịch hiệu quả. Thời gian qua, những hạn chế của ngành y tế đã được thông tin kịp thời và có hướng khắc phục. Cụ thể, vấn đề về giá xét nghiệm, kit xét nghiệm và lạm dụng xét nghiệm gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân thì ngành y tế có sự tiếp thu.

Đặc biệt, thời gian tới Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn giá kit xét nghiệm. Dù muộn nhưng điều đó thể hiện trách nhiệm của Bộ Y tế, nhất là việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Giải thích cho vấn đề này thì có nhiều nguyên nhân.

Nhưng điều quan trọng nhất mà cả tôi cũng như nhiều đại biểu mong muốn là vai trò, trách nhiệm của ngành y tế là công khai, minh bạch và khách quan trong việc đưa ra giá và quy trình. Việc làm này nhằm giảm thiểu tốt nhất những ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.

Bộ Y tế đã triển khai đúng hướng. Tôi nghĩ rằng cuộc chiến chống dịch còn dài, những điểm tồn tại và hạn chế sẽ dần khắc phục được.

07:46 Ngày 10/11/2021

Chiến lược phòng chống dịch, vấn đề vật tư y tế dự kiến sẽ làm "nóng" diễn đàn

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội dự phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo kế hoạch, sáng  nay, Quốc hội sẽ chất vấn liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch cũng như chiến lược về vaccine trong thời gian tới. Tiếp đó là việc đảm bảo cung cấp và quản lý giá xét nghiệm đối với các vật tư y tế liên quan đến COVID-19; thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm. Giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là các vùng khó khăn cũng như định hướng đào tạo, chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế.

Trả lời chất vấn chính là Bộ trưởng Bộ Y tế, bên cạnh đó sẽ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng như Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan. 

07:45 Ngày 10/11/2021

Ngày 10/11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV,  có 4 bộ trưởng "đăng đàn" là: Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cùng tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội còn có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ sẽ làm rõ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Theo đề xuất ban đầu của 54 đoàn đại biểu Quốc hội, có 59 nhóm vấn đề cần chất vấn. Từ đây, 12 nhóm liên quan đến các lĩnh vực đã được chọn lựa để xin ý kiến thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chọn lấy 6 nhóm vấn đề. Rồi từ 6 nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa 5 nhóm để Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến, đề nghị tất cả các vị đại biểu chọn 4 trong 5 nhóm thuộc các lĩnh vực y tế, lao động, thương binh và xã hội, giáo dục đào tạo, kế hoạch và đầu tư, công thương để tiến hành chất vấn.

Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, 4 nhóm vấn đề được chọn để chất vấn đều liên quan đến việc ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19. Trong đó nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thì đã lâu “chưa xuất hiện” trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại những kỳ họp Quốc hội gần đây, nhất là kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra.

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, những vấn đề được dư luận quan tâm nhất hiện nay vẫn là giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới. Các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh sau khi dịch COVID-19 bước đầu được kiểm soát chắc chắn có liên quan đến tác động của dịch COVID-19.

Theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long sẽ trả lời chất vấn đầu tiên. Thời gian trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế là từ đầu giờ sáng ngày 10/11 và thêm 15 phút chiều cùng ngày.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: TTXVN

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long sẽ giải trình, làm rõ các nội dung về: Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vaccine trong thời gian tới; Việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm COVID-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm; Giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn. Định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ; Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn.

Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sẽ trả lời nhóm vấn đề về việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả. Công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch. Thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt. Giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch. Chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc. Việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách. Tham gia trả lời các nội dung trên có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng các thành viên Chính phủ liên quan có thêm gần 1 giờ đồng hồ trong phiên chất vấn ngày 11/11, để tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN