Tăng vọt tuần cuối
17 giờ ngày 13/3 vừa qua, tất cả các điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại 63 tỉnh, thành trên cả nước đã được khóa sổ. Toàn bộ số hồ sơ này đã được bàn giao cho các Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) địa phương để chuẩn bị cho hội nghị hiệp thương lần thứ hai lập danh sách sơ bộ các ứng cử viên.
Qua thông báo của các địa phương về kết quả tiếp nhận hồ sơ trong gần một tháng qua (bắt đầu từ ngày 17/2), số lượng người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đã có sự tăng vọt ở những ngày cuối. Nếu như ngày 3/3, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Thiện Nhân cho biết cả nước có khoảng 50 người tự ứng cử, thì đến hạn chót chiều 13/3, con số này đã tăng hơn gấp đôi, trong đó số lượng lớn dồn vào Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Thậm chí, nhiều người không khỏi bất ngờ khi số lượng người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại hai trung tâm lớn nhất của cả nước đều vượt số lượng ứng cử viên được các cơ quan, tổ chức giới thiệu: Hà Nội ghi nhận 47 hồ sơ tự ứng cử trong tổng số 87 hồ sơ ứng cử; TP Hồ Chí Minh có 50 hồ sơ tự ứng cử trong tổng số 90 hồ sơ ứng cử. Trong buổi chiều cuối cùng 13/3, Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội tiếp nhận cả 5 bộ hồ sơ là tự ứng cử.
Một số tỉnh, thành khác cũng đã thông báo kết quả tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó Nghệ An có 5 hồ sơ tự ứng cử, Bắc Giang có 4, Đà Nẵng có 3, Quảng Nam có 3, Sóc Trăng có 2... Như vậy, nếu tổng kết đủ các địa phương trên cả nước thì số lượng người tự ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ còn lớn hơn nhiều.
Quan trọng vẫn là chất lượng
Những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội kỳ này, họ là doanh nhân, là luật sư, là giáo viên... và cả những nhân vật trong giới nghệ sỹ, truyền thông, như: Nhà báo Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam), ca sỹ Mai Khôi (Đỗ Nguyễn Mai Khôi) hay nghệ sỹ hài Vượng râu (Nguyễn Công Vượng). Việc ngày càng có nhiều người, xuất phát từ nhiều thành phần, lứa tuổi trong xã hội tự ứng cử chính là tín hiệu tích cực của nền dân chủ theo hiến định. Có thể thấy một sự dịch chuyển về mặt tâm lý ở người dân, từ thụ động (đi bầu cử) sang chủ động (ứng cử) muốn tham gia, đóng góp trực tiếp vào hoạt động của Quốc hội; từng bước góp phần chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội.
Quốc hội khóa XI có 67 người tự ứng cử; 2 người trúng cử. Tại khóa XII, số người tự ứng cử lên đến 223 người; 1 người trúng cử. Đến khóa XIII, số người tự ứng cử là 83; 4 người trúng cử đều là doanh nhân, nhưng sau đó một người bị bãi nhiệm tư cách đại biểu do vi phạm pháp luật. |
Tuy vậy, từ ứng cử đến trúng cử là một cuộc sàng lọc hết sức khắt khe, ở đó chất lượng ứng cử viên mới có tiếng nói quyết định. Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết: “Thông thường, nếu số lượng tăng, việc lựa chọn sẽ tốt hơn. Nếu như số lượng người tự ứng cử tăng lên, kèm theo đó là chất lượng tăng lên, Ủy ban MTTQ các cấp sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn để qua hiệp thương giới thiệu được những người thực sự tiêu biểu vào danh sách bầu cử”.
Theo quy định, các hồ sơ ứng cử sẽ được “soi chiếu” qua hai vòng hiệp thương nữa: Hội nghị hiệp thương lần thứ hai chậm nhất là ngày 18/3, lần thứ ba chậm nhất là ngày 17/4. Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chia sẻ thêm: “Những người được giới thiệu ứng cử đã được sàng lọc rất kỹ, thường đã được quy hoạch và có hướng bồi dưỡng đào tạo. Còn với những người tự ứng cử, quá trình sàng lọc, lựa chọn mới chỉ đối chiếu với tiêu chuẩn chung, chứ chưa có sự cạnh tranh với những người cùng ứng cử khác, nên tỷ lệ được đưa vào danh sách chính thức và trúng cử thấp hơn là điều dễ hiểu”.
Đặc biệt, các điểm mạnh - yếu của người ứng cử còn được “mổ xẻ” thông qua hội nghị cử tri tại nơi cư trú; riêng người tự ứng cử phải lấy cả ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có). Khi đó, mọi ứng cử viên, không phân biệt người được giới thiệu hay tự ứng cử, đều bình đẳng trước cử tri. Chỉ những ứng cử viên hội đủ tiêu chuẩn như luật định và được cử tri tín nhiệm mới có thể đại diện cho tiếng nói của dân tại Quốc hội.