Theo Chủ nhiệm Uỷ ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh, có ý kiến đề nghị việc lập hồ sơ đưa người cai nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc cần được quy định ngay trong Luật.
Từ ý kiến này, dự thảo Luật dự kiến được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung một điều về lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong đó, quy định hồ sơ phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan bảo vệ quyền trẻ em với các thông tin về điều kiện, hoàn cảnh, nhân thân và đề xuất phương án quản lý tốt nhất cho từng trường hợp.
Phát biểu nêu ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc rất băn khoăn về quy định lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. “Nhiều gia đình muốn đưa con em vào cơ sở cai nghiện ma tuý, nhưng với trình tự quy định trong dự thảo thì hơi khó thực hiện”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, sau khi có đề nghị của gia đình, Chủ tịch UBND xã phải lập hồ sơ đề nghị, rồi đợi 3 ngày xem người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người đại diện hợp pháp của họ có ý kiến gì không mới chuyển lên huyện xem xét. Tiếp đó, là đợi quyết định của Toà án cấp huyện quyết định. Như vậy, với quy trình này, với nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi thì không khả thi.
“Trước đây việc này khá đơn giản, công an lập danh sách xong trình cấp trên quyết định là có thể đưa đối tượng đi cai nghiện ngay, không có vướng mắc. Giờ phải đợi tòa án có ý kiến thì tôi e rằng sẽ ùn tắc việc liên quan đến hồ sơ đưa đi cai nghiện”, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị cần đơn giản hóa trình tự thủ tục này.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, trong quá trình soạn thảo dự luật, đây là vấn đề băn khoăn nhất. Tuy nhiên, hiện nay, độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi dễ bị nghiện hút nhất.
“Cai nghiện với người từ 18 tuổi trở lên thực hiện tương đối dễ dàng. Còn từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là các cháu nhỏ đang trong độ tuổi đi học, vui chơi, nên việc đưa các cháu vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải tính toán vì còn liên quan đến quyền của trẻ em, các vấn đề nhân đạo. Nếu đưa các cháu vào đây 6 tháng đến 1 năm thì việc học hành cho các cháu như thế nào? Cho nên, phải có quyết định của tòa án là như vậy”, Thứ trưởng Lê Quý Vương giải thích.
Tại Điều 10, dự thảo Luật quy định, các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy gồm: cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cần rà soát lại.
“Nếu quy định như dự thảo, tôi e rằng có chồng lấn về mặt trách nhiệm, thẩm quyền giữa cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý thuộc công an nhân dân với các lực lượng thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan”, ông Hoàng Thanh Tùng nêu.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, tại khoản 2 Điều 10 quy định, “Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân chủ trì, phối hợp thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy”. Nhưng khoản 3 cùng Điều này lại quy định, “Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với cơ quan Công an, các cơ quan hữu quan khác thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát”.
“Nếu chồng lấn như vậy thì không xác định được thẩm quyền, trách nhiệm của các lực lượng”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh và đề nghị quy định rõ cơ quan nào phát hiện trước thì cơ quan đó có thẩm quyền thụ lý, giải quyết.
Giải trình sau đó, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, dự thảo quy định cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý “không chồng chéo”.
Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý (Bộ Công an) có thẩm quyền điều tra tất cả các vụ tội phạm ma tuý, từ đầu đến cuối kể cả phát hiện, điều tra, đề nghị truy tố xét xử. Còn với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan thực hiện nhiệm vụ “gác cửa biên giới”, tiến hành các biện pháp điều tra ban đầu theo chức năng, nhiệm vụ, sau đó chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra của công an các cấp thụ lý.