Sáng 10/8, tầng 1 của ngôi nhà số 37, ngách 66 ngõ Thái Thịnh II (phường Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội) nằm lọt thỏm giữa các ngôi nhà cao tầng xung quanh - nơi trọ của Nguyễn Sơn Lâm- được trang hoàng nổi bật hơn ngày thường với 3 chiếc bàn được trải khăn trắng vuông vức và những lẵng hoa tươi.
Để chuẩn bị cho sự kiện đón Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tới thăm, từ chiều hôm trước, mẹ của Lâm từ Uông Bí (Quảng Ninh) đã bắt xe khách lên để dọn dẹp và trang hoàng chỗ ở cho con. Qua câu chuyện riêng với bà Trần Thị Hiền (mẹ của Sơn Lâm), mới thấy hết được hành trình trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị của “chàng trai da cam” thật không dễ dàng.
Hành trình vượt lên số phận
Ngay từ khi còn bé, Lâm đã tỏ rõ là một đứa trẻ sáng dạ và ham học. Bà Hiền kể: “Hồi Lâm 4 tuổi, tôi đi mượn được cuốn sách vỡ lòng, dạy hai buổi tối là Lâm biết hết chữ cái. Rồi mẹ bận bịu công việc, Lâm lại mày mò ghép chữ. Đến 5 tuổi, Lâm đã đọc được báo, làm được toán. Năm Lâm học lớp 4, nó cứ tha thiết về xin mẹ học tiếng Anh. Thầy giáo bảo: Nếu thang điểm 11, thầy sẽ cho em 11 điểm”.
Mỗi lời kể của bà Hiền đều chứa đựng niềm tự hào đối với đứa con thứ ba bé nhỏ. Hai vợ chồng bà Hiền sinh được 4 người con trai. Người con đầu và con út thì khỏe mạnh nhưng riêng Lâm và anh trai thứ hai bị ảnh hưởng chất độc da cam từ cha mình - người từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ.
Cùng với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đoàn còn có đại diện lãnh đạo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tới động viên Nguyễn Sơn Lâm. UBND thành phố Hà Nội đã trao 5 triệu đồng, Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục trao 20 triệu đồng hỗ trợ cho Công ty cổ phần Đào tạo Tỏa Sáng. |
Không chỉ học giỏi, Lâm có ý chí phấn đấu mãnh liệt. Năm Lâm học lớp 12 là một năm rất nhiều kỷ niệm với người mẹ lam lũ. “Năm đó, nó bảo với tôi là con đỗ đại học ở Hà Nội và sau này sẽ làm giám đốc”. Nhưng cũng cùng năm đó, một tai nạn bất ngờ làm Lâm bị thương rất nặng, bác sĩ chẩn đoán là chấn thương hộp sọ, rất nguy hiểm. Lâm đã níu tay mẹ nói: “Mẹ ơi! Mẹ về thắp hương cho bố! Để bố phù hộ cho con đừng chết. Con còn nhiều việc phải làm mà chưa làm được”. Điều kỳ diệu đã đến, sau một thời gian điều trị, Lâm khỏe mạnh trở lại. Kỳ thi đại học năm đó, Lâm không đỗ, nhưng điều đó không làm Lâm giảm quyết tâm. Chàng trai khuyết tật nhờ một người bạn đã thi đỗ: “Mày tìm thuê cho tao một gian nhà trên Hà Nội để tao lên ôn thi đại học”.
Miệt mài ôn thi liền một năm sau đó, Lâm đã đỗ liền 2 trường đại học: Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (Khoa tiếng Anh) và Đại học dân lập Phương Đông (Khoa tiếng Nhật). Lâm đã thuyết phục mẹ chuyển trường cho em trai út- khi đó đang học lớp 8 ở quê- lên Hà Nội học và tiện đỡ đần cho anh.
Ra trường, Lâm tự tìm được việc làm tại báo điện tử Vietnamnet, cộng tác cho chuyên mục Thể thao 24 giờ và vẫn nuôi mơ ước mở công ty riêng: Công ty cổ phần Đào tạo Tỏa Sáng. Cảm phục con người Lâm, ba người bạn khác là: Nguyễn Hữu Cát, Nguyễn Hữu Huân và Đỗ Minh Đức đã sát cánh với Lâm gây dựng sự nghiệp. Tháng 6/2011, công ty chính thức thành lập, họ bầu Lâm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ba người bạn, mỗi người phụ trách một lĩnh vực. Công ty được thành lập với mục đích cung cấp dịch vụ đào tạo các kỹ năng sống dành cho sinh viên các trường đại học và cao đẳng ở Hà Nội.
Trước mắt, trong tháng 9/2011, khóa học đầu tiên sẽ khai giảng và do Lâm đứng lớp. “Chúng tôi tin rằng, với ý chí và khả năng thuyết trình, thuyết phục của Lâm, tấm gương phấn đấu của Lâm, khóa học sẽ thực sự truyền động lực cho các bạn trẻ”, Nguyễn Hữu Cát, bạn thân của Lâm 10 năm qua, cho biết.
10 năm Lâm ở Hà Nội là 10 năm ở trọ trong những căn phòng chật hẹp. Căn nhà ở ngõ Thái Thịnh II bây giờ là tiếp nối của 5 lần chuyển nhà trước đó. Chỗ ở của Lâm cũng là trụ sở làm việc của Công ty cổ phần Đào tạo Tỏa Sáng. Bà Hiền, mẹ của Lâm chỉ mong con trai có chỗ ở tươm tất, thuận lợi để phát triển sự nghiệp.
“Vị giám đốc bé nhất Việt Nam” cần được giúp đỡ! Tới thăm Lâm đúng ngày kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trìu mến gọi Lâm là “vị giám đốc bé nhất Việt Nam”. “Với một người nhỏ bé, lại có tinh thần tự lực, đứng ra lập doanh nghiệp, các cơ quan nên quan tâm để giúp những người khó khăn như Lâm lập nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Sau khi lắng nghe trình bày của Ban Giám đốc Công ty Tỏa sáng, Phó Thủ tướng đã đưa ra những gợi ý cho công ty để phát triển trong thời gian tới. Theo Phó Thủ tướng, đào tạo kỹ năng sống sẽ góp phần khắc phục hạn chế của sinh viên hiện nay là hướng đi đúng. Nhưng để chuẩn bị công nghệ cho quá trình đào tạo, doanh nghiệp của Lâm cần phải hoàn thiện hơn. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Hà Nội quan tâm để giúp quá trình khởi nghiệp của Lâm được thuận lợi. Đề nghị Bộ Giáo dục- Đào tạo cùng Sở Giáo dục Hà Nội quan tâm hơn, giúp chuẩn bị giáo trình, bài giảng, hỗ trợ liên hệ để Lâm vào giảng thử ở các trường đại học, phổ thông. Vận động trường đại học không lấy chi phí hội trường của công ty...
“Nếu thực sự có nhu cầu, Lâm nên có đề nghị để quận và thành phố cân nhắc xem trường hợp của Lâm là một ngoại lệ giúp Lâm chuyển hộ khẩu về Hà Nội để công việc tốt hơn”, Phó Thủ tướng gợi ý.
“Được Phó Thủ tướng tới thăm là một vinh dự quá lớn đối với tôi!”, Nguyễn Sơn Lâm thổ lộ. Sơn Lâm cho biết sẽ tiếp thu những gợi ý của Phó Thủ tướng và các bộ, ban, ngành, cố gắng để xứng đáng với sự quan tâm mà Phó Thủ tướng, các bộ, ngành dành cho mình. Và cũng là để khẳng định quyết tâm chiến thắng chất độc da cam, chiến thắng số phận!
Mạnh Minh